Giải pháp gỡ vướng các dự án truyền tải qua địa bàn tỉnh Nghệ An

Khó khăn lớn nhất hiện nay của Dự án là chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cho phần diện tích nằm trên rừng tự nhiên.

Tại buổi làm việc ngày 16/6 giữa lãnh đạo EVNNPT và UBND tỉnh Nghệ An. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Tại buổi làm việc ngày 16/6 giữa lãnh đạo EVNNPT và UBND tỉnh Nghệ An. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) và Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) đang triển khai đầu tư xây dựng Dự án Đường dây 220 kV trạm cắt Nậm Sum - Nông Cống (phần đường dây trên địa bàn tỉnh Nghệ An).

Cụ thể đoạn tuyến đi qua địa bàn các huyện Quế Phong, Quỳ Châu thuộc tỉnh Nghệ An với chiều dài 77,81 km, bao gồm 174 vị trí móng cột và 52 khoảng néo; trong đó có 51 vị trí qua rừng tự nhiên, chiếm 29,3% tổng số vị trí móng cột đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Nghệ An và 118 vị trí qua rừng trồng, chiếm 67,8% tổng số vị trí móng cột đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Ông Hoàng Văn Tuyên, Giám đốc NPMB cho biết, đặc thù của dự án là phần lớn tuyến đường dây trên địa bàn tỉnh Nghệ An đi qua rừng với 97,1% vị trí móng cột đường dây nằm trên diện tích rừng. Hiện UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt phương án nộp tiền trồng rừng thay thế, EVNNPT/Ban QLDA các công trình điện miền Bắc (NPMB) đã chuyển tiền nộp tiền trồng rừng thay thế. Như vậy đến thời điểm này, về chuyển đổi rừng trồng không còn vướng mắc.

Tuy nhiên, Dự án lại gặp vướng mắc lớn trong chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên. Cụ thể, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đối với các vị trí chân móng cột, ngày 3/8/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phần chân móng cột.

Đến ngày 22/8/2022, Bộ NN&PTNT có Văn bản số 5561/BNN-TCLN về việc thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022, gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trong đó có yêu cầu UBND các tỉnh rà soát đưa diện tích rừng ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng mới đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ (TTCP).

Theo ông Hoàng Văn Tuyên, gần đây nhất, ngày 8/6/2023 Cục Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT đã có Văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An về việc ý kiến đối với hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch bảo về phát triển rừng tỉnh Nghệ An. Như vậy đến nay chưa thể trình TTCP để chuyển đổi mục đích sử dụng rừng vì đang phải chờ thủ tục đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT tại Văn bản số 5561/BNN-TCLN.

Đối với diện tích rừng phục vụ đường tạm, bãi tập kết vật liệu phục vụ thi công móng và vệt kéo dây, ngày 01/02/2023, EVNNPT/NPMB đã gửi hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đường tạm và bãi tập kết vật liệu phục vụ thi công móng với đất rừng tự nhiên thuộc Dự án để Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An kiểm tra, rà soát trước khi trình UBND tỉnh xem.

Tuy nhiên trên thực tế hiện nay một số dự án xin đường tạm và bãi tập kết vật liệu phục vụ thi công móng với đất rừng tự nhiên đã không được cấp thẩm quyền chấp thuận vì lý do các quy định hiện nay không đề cập đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đường tạm và bãi tập kết vật liệu phục vụ thi công móng, đất mượn công do phần diện tích đất này phục vụ thi công nên tính chất tạm thời.

Qua tìm hiểu các dự án khác cho thấy, tại Dự án Đường dây 500 kV Mosoon - Thạnh Mỹ, UBND tỉnh Quảng Nam và Bộ NN&PTNT đã báo cáo TTCP về việc cho phép tác động vào rừng tự nhiên trong quá trình thi công để làm đường tạm và bãi tập kết vật liệu phục vụ thi công, sau khi hoàn thành thi công dự án, chủ đầu tư dự án sẽ phục hồi lại rừng trên diện tích sử dụng tạm và hoàn trả lại chủ rừng và địa phương quản lý theo quy định. Trên cơ sở đó ngày 23/02/2023, Chính phủ đã có Nghị quyết số 23/NQ-CP cho phép thực hiện.

NPMB cho biết, trên cơ sở cách xử lý đối với phần diện tích đường tạm, đất mượn thi công và bãi tập kết vật liệu phục vụ thi công móng của đường dây 500 kV Mosoon - Thạnh Mỹ, tại buổi làm việc ngày 23/5/2023 với ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An và các sở, ngành của tỉnh Nghệ An, EVNNPT đã đề xuất UBND tỉnh áp dụng cách làm đối với phần diện tích đường tạm, đất mượn thi công và bãi tập kết vật liệu phục vụ thi công móng tương tự như dự án đường dây 500 kV Mosoon - Thạnh Mỹ.

Như vậy, theo đánh giá của NPMB, khó khăn lớn nhất hiện nay của Dự án này là chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cho phần diện tích nằm trên rừng tự nhiên. Cụ thể, đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng để kịp trình HĐND tỉnh Nghệ An vào kỳ họp đầu tháng 7 tới. Sau khi được HĐND tỉnh phê duyệt đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng thì UBND tỉnh tiến hành bổ sung hồ sơ liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để Bộ NN&PTNT tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng lên Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, trong hành lang an toàn đường điện còn tồn tại 22 hộ gia đình có nhà làm bằng vật liệu dễ cháy, để giải quyết cho các hộ gia đình có nhà làm bằng vật liệu dễ cháy được tồn tại dưới hành lang cần phải áp dụng chính sách cải tạo nhà từ vật liệu dễ cháy sang loại vật liệu khác.

Tại buổi họp ngày 23/05/2023 với UBND tỉnh Nghệ An, EVNNPT đã đề xuất cho phép hỗ trợ các hộ gia đình có nhà làm bằng vật liệu dễ cháy để cải tạo nhà bằng một khoản kinh phí hỗ trợ khác áp dụng theo Điều 13 - Điều kiện tồn tại nhà ở, công trình trong hành lang an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp đến 220 kV của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực về an toàn điện và Khoản 9 - Điều 1 - Nghị định số 51/2020/NĐ-CP ngày 21/04/2020.

Tại buổi làm việc mới đây với UBND tỉnh Nghệ An, lãnh đạo EVNNPT đã đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh và các sở, ngành của tỉnh đẩy nhanh công tác tiếp thu, giải trình ý kiến và hoàn thiện hồ sơ để UBND tỉnh kịp thời trình HĐND tỉnh phê duyệt. Bên cạnh đó, đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các Sở NN&PTNT tỉnh và các sở, ngành, các huyện có liên quan sớm hoàn thiện hồ sơ đưa diện tích rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích thực hiện Dự án ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng theo nội dung Văn bản số 6813/BNN-TCLN của Bộ NN&PTNT để kịp trình HĐND tỉnh tại kỳ họp đầu tháng 07/2023.

Đối với phần diện tích đường tạm, đất mượn thi công và bãi tập kết vật liệu phục vụ thi công móng, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT và các sở, ngành hoàn thiện hồ sơ trình Bộ NN&PTNT để trình Thủ tướng cho phép tác động vào rừng tự nhiên phục vụ quá trình thi công để làm đường tạm và bãi tập kết vật liệu phục vụ thi công móng. Sau khi hoàn thành thi công dự án, chủ đầu tư dự án sẽ phục hồi lại rừng trên diện tích sử dụng tạm và hoàn trả lại chủ rừng và địa phương quản lý theo quy định .

Về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, EVNNPT cũng đề nghị UBND tỉnh sớm ban hành chính sách hỗ trợ các hộ gia đình có nhà làm bằng vật liệu dễ cháy nằm dưới hành lang đường điện để cải tạo nhà bằng một khoản kinh phí hỗ trợ khác.

Với các Dự án Đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu và Đường dây 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, EVNNPT cho biết, mới đây ngày 07/6/2023, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) đã có văn bản xác nhận hướng tuyến và đánh giá sự phù hợp của dự án Đường dây 500 kV Quỳnh Lưu-Thanh Hóa với quy hoạch sử dụng đất của địa phương gửi UBND tỉnh Nghệ An. Trong đó, kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An xác nhận tên và quy mô hiệu chỉnh của Dự án phù hợp với Quy hoạch Điện VIII vừa được TTCP phê duyệt.

Khó khăn, vướng mắc của dự án này theo ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc CPMB là Sở NN&PTNT chưa xem xét hồ sơ xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và bổ sung văn bản thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với chủ trương đầu tư dự án. Do vậy, CPMB đề xuất UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm Lâm xem xét, tổ chức kiểm tra hiện trường, có ý kiến thẩm định hồ sơ xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng dự án.

Đồng thời đẩy nhanh các thủ tục thẩm định để trình Bộ NN&PTNT chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của các Dự án. Bên cạnh đó, hỗ trợ điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất các dự án phù hợp với hướng tuyến dự án trong Quy hoạch điện VIII theo báo cáo của CPMB.

Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, trước khi triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh, tránh việc chồng lấn với hướng tuyến đường dây đã được UBND tỉnh thỏa thuận, dẫn tới phải điều chỉnh tuyến trong các giai đoạn tiếp theo, làm phát sinh chi phí và ảnh hưởng tới tiến độ đóng điện các dự án.

Đối với Dự án TBA 500kV Quỳnh Lưu và đấu nối, EVNNPT cũng kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An thỏa thuận chính thức địa điểm TBA 500kV Quỳnh Lưu và hướng tuyến đường dây đấu nối để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Trong thời gian sắp tới, EVNNPT sẽ trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Do vậy, Tổng công ty đề nghị UBND tỉnh Nghệ An hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục nêu trên, đảm bảo tiến độ dự án.

Tại buổi làm việc ngày 16/6 giữa lãnh đạo EVNNPT và UBND tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận những vướng mắc tại các dự án truyền tải đang triển khai trên địa bàn tỉnh; đồng thời cam kết sẽ chỉ đạo các ngành chức năng trong tỉnh khẩn trương thúc đẩy các giải pháp tháo gỡ để các dự án được triển khai đúng tiến độ./.

Mai Phương /BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giai-phap-go-vuong-cac-du-an-truyen-tai-qua-dia-ban-tinh-nghe-an/295027.html