Giải pháp hiệu quả để xuất khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ
Ngày 6-9, tại TP HCM, Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ 2019 với chủ đề 'Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu – Cơ hội thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư song phương'.
Tham dự sự kiện có khoảng 300 đại biểu là doanh nghiệp (DN) trong nước, DN Hoa Kỳ đầu tư tại Việt Nam, hiệp hội ngành hàng, đại diện cơ quan quản lý nhà nước các địa phương...
Trong nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là đối tác kinh tế - thương mại hàng đầu của Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2018 Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 47,5 tỷ USD, tăng 14,2%, chiếm hơn 20% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.
Nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam cũng tăng cao, đạt 12,8 tỷ USD, tăng 36,4% so với năm 2017. Tới tháng 7-2019, kim ngạch thương mại song phương đã đạt 41,1 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ. Hoa Kỳ thuộc “Top 10” nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn của Việt Nam với tổng vốn đăng ký lũy kế năm 2018 đạt 9,3 tỷ USD.
Theo đại diện Bộ Công Thương, Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu lớn các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hoặc những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh dựa trên điều kiện kinh tế tự nhiên thuận lợi, lợi thế về nhân công trong nhiều lĩnh vực như dệt may, da giày, máy móc thiết bị điện tử...
Ở chiều ngược lại, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu lớn nhiều loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông, các sản phẩm nông nghiệp phục vụ đầu vào cho hoạt động sản xuất, để đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao và sự mở rộng nhanh chóng của nền kinh tế.
Với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình gần 7%/năm, dân số gần 100 triệu người, Việt Nam dự báo sẽ là thị trường đầy tiềm năng cho các công ty Hoa Kỳ hoạt động trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ đang ngày càng căng thẳng khiến DN Việt Nam đứng trước những cơ hội xen lẫn với không ít thách thức.
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng: “Khó khăn đối với xuất khẩu của Việt Nam hiện nay là sự hiểu biết về hệ thống pháp luật các cấp của Hoa Kỳ, xu hướng tăng cường bảo hộ thông qua việc ban hành các quy định, tiêu chuẩn mới về chất lượng, ATTP, nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông-lâm-thủy sản.
Mặc dù thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản, nhưng ông Phạm Hồng Hưng – Giám đốc công ty CP cơ khí Thăng Long cho biết, DN đã gặp không ít khó khăn bởi tác động của cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ. Hàng hóa Trung Quốc dư thừa nên khách hàng Nhật Bản trước đây đặt hàng của công ty Thăng Long đã chuyển sang mua hàng của Trung Quốc.
Cũng trong thời điểm đó, công ty Thăng Long lại nhận được một số đơn đặt hàng từ Mỹ, nhưng điều kiện làm hàng cho Mỹ rất khó khăn. Cụ thể, họ đánh giá rất cao tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội đối với DN, người lao động (NLĐ). Trong khi đó, việc dịch chuyển đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam, nên DN bị áp lực về nguồn lao động phải làm tăng ca, tăng giờ. Chính vì vậy, DN hiện nay đang làm hàng cho thị trường Mỹ nhưng gặp khó khăn như trên.
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cũng nêu lên thực tế, là chúng ta phải nhìn nhận về tình trạng gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Tính đến nay, Việt Nam có 19 vụ điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu.
Riêng trong năm 2019 có tới 7 vụ. Các sản phẩm bị điều tra gồm: nhôm, thép, sợi, đồ gia dụng, đồ điện tử, thủy sản, gỗ ván ép, lốp xe, pin mặt trời... Các mặt hàng bị điều tra đều là những mặt hàng mà Hoa Kỳ, EU đã áp thuế phòng vệ thương mại (PVTM) đối với sản phẩm của Trung Quốc. Như vậy phần chênh lệch thuế của hàng hóa Trung Quốc với hàng hóa xuất xứ Việt Nam khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ rất lớn.
“Trong thời gian tới, khi diễn biến chiến tranh thương mại “leo thang”, rất nhiều dòng thuế của Trung Quốc chịu mức thuế 30% thì nguy cơ rất lớn xảy ra hiện tượng chuyển tải bất hợp pháp, gian lận xuất xứ”, ông Dũng cảnh báo.
Theo ông Dũng, một trong những nguyên nhân rất lớn dẫn đến tình trạng gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp là một số nước, kể cả Hoa Kỳ, EU, cho phép DN tự chứng nhận xuất xứ sản phẩm xuất khẩu của mình mà không cần chứng nhận xuất xứ của cơ quan quản lý Nhà nước. Chính vì lý do này mà cơ quan chức năng Việt Nam khó kiểm soát được các DN kê khai xuất xứ như thế nào, dẫn đến rất khó khăn trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương cũng nhiều lần trao đổi với cơ quan liên quan phía Hoa Kỳ về cơ chế này và có kiến nghị để 2 bên xem xét, mục đích là để theo dõi vấn đề này chặt chẽ hơn. Đặc biệt, trước tình hình diễn biến phức tạp này Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quyết định 824 ngày 4-7-2019 về tăng cường quản lý nhà nước chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ.
Trong tình hình chiến tranh thương mại đang căng thẳng, để xuất khẩu vào Hoa Kỳ hiệu quả, ông Đỗ Thắng Hải cũng kêu gọi, khuyến khích các DN chủ động nghiên cứu nhập khẩu từ Hoa Kỳ các hệ thống máy móc, thiết bị, công nghệ cao phù hợp phục vụ sản xuất, xuất khẩu.
“Sản xuất, xuất khẩu đi Hoa Kỳ bằng chính công nghệ và nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Hoa Kỳ, gắn với xây dựng chuỗi cung ứng khép kín sẽ là bước đi chắc chắn, nhanh và hiệu quả nhất cho DN”, ông Hải khẳng định.