Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua cú sốc Covid-19: Cần đồng bộ và thiết thực hơn
Trong suốt hơn 1 năm qua, dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ đã có các giải pháp đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, sẽ là không đủ nếu DN không nhận được thêm những giải pháp thiết thực, hiệu quả khác…
Các giải pháp đồng bộ
Ngày 19/4, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.
Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp (DN), tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong hơn 50 lĩnh vực cụ thể cả trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp-xây dựng và dịch vụ; cũng như các DN nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; và cả các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là DN, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Thời gian được gia hạn từ 3-6 tháng và người nộp thuế phải thực hiện nộp ngân sách chậm nhất vào cuối năm 2021; Tổng số tiền dự kiến được hoãn, giãn nộp thuế ước tính khoảng 115.000 tỷ đồng.
Nghị định 52/2021/NĐ-CP có đối tượng áp dụng mở rộng hơn, thời gian giãn nộp kéo dài hơn so với Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2020 và Nghị định số 109/2020/NĐ-CP ngày 5/9/2020 về gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Trước đó, ngày 10/6/2020, với 95,24% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội khóa 14 đã thông qua Nghị quyết về kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp tới năm 2025 và có hiệu lực từ 1/1/2021. Số thuế được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm nhằm khuyến khích đầu tư sản xuất nông nghiệp và giúp người nông dân cải thiện cuộc sống.
Trong bối cảnh dịch vẫn hoành hành và diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là ở nhiều nước khu vực châu Á trong năm 2021, việc đồng bộ hóa các giải pháp với nội dung thiết thực nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn là cần thiết không chỉ cho DN, mà còn cho người lao động, cũng như toàn bộ đời sống và sự phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương và cả quốc gia.
Với tinh thần đó, việc giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất giúp DN có thêm nguồn lực tài chính, tăng sức chống chịu trước các nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, bất ổn hoặc giảm sút sức mua thị trường.
Các chính sách hỗ trợ trên phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và xu hướng hiện hành chung trên thế giới. Tất nhiên, so về quy mô tài chính, phương thức, giải pháp và đối tượng các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người dân của chính phủ nhiều nước chống dịch Covid-19 năm 2020 và 2021, thì các gói hỗ trợ của Việt Nam còn khiêm tốn và chưa đa dạng bằng…
Còn đó những băn khoăn
Tuy nhiên, sẽ là không đủ nếu DN bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 không nhận được thêm những giải pháp thiết thực khác, như giảm lãi suất cho vay và linh hoạt hơn các điều kiện tiếp cận thực tế tín dụng ngân hàng.
Các quy trình và giá cả dịch vụ quản lý dịch vụ công phải bảo đảm sự thuận lợi và tiết giảm chi phí trong lưu thông hàng hóa thông suốt cả giữa các thị trường trong nước với nước ngoài, cũng như giữa các tỉnh có dịch với các địa phương giáp ranh…
Theo kết quả điều tra PCI 2020 do VCCI công bố ngày 16/4, Việt Nam ghi nhận có xu hướng cải thiện theo thời gian, cả về chi phí không chính thức, an ninh trật tự, cải cách hành chính và sự bình đẳng trong môi trường kinh doanh, cũng như sự năng động, tiên phong của chính quyền cấp tỉnh...
Song, kết quả điều tra PCI 2020 cũng cho thấy những cứ liệu đáng quan ngại, khi mà còn 1/4 trong tổng số gần 12.300 doanh nghiệp tư nhân và FDI phản hồi khảo sát cho rằng, địa phương ưu ái các DN nhà nước, gây khó khăn cho DN tư nhân; 1/3 DN cho rằng, chính quyền còn ưu ái cho DN FDI.
Ngoài ra, còn 40% DN chưa sẵn sàng sử dụng tòa án để giải quyết các tranh chấp về kinh tế; gần 45% DN phải trả các chi phí không chính thức; 54% DN vẫn còn bị nhũng nhiễu; 20% DN đánh giá cán bộ nhà nước trong xử lý công việc còn chưa hiệu quả, chưa thân thiện và 3% DN bị thanh tra, kiểm tra quá 5 lần/năm; Đặc biệt, chỉ có 41% DN cả tư nhân trong nước và FDI dự kiến mở rộng kinh doanh trong 2 năm tới, giảm hơn 10 điểm phần trăm so với năm 2019.
Còn theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2021, so với cùng kỳ năm trước, cả nước có 29,3 nghìn DN đăng ký thành lập mới, giảm 1,4%; có 14,7 nghìn DN quay trở lại hoạt động, giảm 0,5%; đồng thời, có 40,3 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 15,6%, trung bình mỗi tháng có tới 13,4 nghìn DN rút lui khỏi thị trường, trong khi chỉ có gần 14,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Thực tế này đòi hỏi cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng thực thi của hệ thống chính quyền cấp cơ sở, tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm gánh nặng thanh tra, kiểm tra và chi phí không chính thức cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, cần tiếp tục kiểm soát tham nhũng, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công, hoàn thiện hệ thống thủ tục, quy định và nâng cấp mạnh mẽ chất lượng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý nhà nước các cấp …
Đặc biệt, DN phải được giảm thiểu thực tế các chi phí tuân thủ trong quản lý nhà nước. Sự nhũng nhiễu DN trong điều kiện bình thường đã cần lên án, thì trong bối cảnh dịch Covid-19 càng không thể chấp nhận được.
Dịch Covid -19 đã, đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi thế giới đương đại, cả trong tư duy và phương thức quản lý, sản xuất, phân phối, tiêu dùng các nguồn lực và của cải xã hội, cả vĩ mô và vi mô, cả quản trị DN, cũng như quản lý nhà nước đối với hoạt động của các DN.