Giải pháp hữu hiệu nào huy động nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế?

Nâng cao hiệu quả đầu tư công, hình thành trung tâm tài chính là đề xuất của chuyên gia và doanh nghiệp nhằm huy động được nguồn tài lực cho phát triển kinh tế.

Tài lực, vật lực và nhân lực là 3 yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước, trong đó nguồn lực tài chính được nhận định là yếu tố có tác động rất lớn. Tại Hội thảo “Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính, phát triển kinh tế trong bối cảnh mới” do Ban Kinh tế Trung ương và Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức gần đây, các chuyên gia đã khuyến nghị nhiều mô hình chính sách đặc thù nhằm huy động nguồn lực này cho phát triển kinh tế.

Cho rằng đầu tư công là nguồn lực rất quan trọng trong thúc đẩy kinh tế vĩ mô, PGS. TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam - nhận định, trước hết phải tăng được vốn đầu tư công thông qua tăng nguồn thu ngân sách, đồng thời tái cơ cấu để có nguồn thu bền vững. “Chúng ta còn nhiều dư địa để tăng vốn đầu tư công. Đơn cử, thuế sử dụng đất đai hiện nay đang bị lãng quên”, PGS. TS Hoàng Văn Cường nói.

Nhiều chuyên gia đóng góp ý kiến nhằm huy động được nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế đất nước. Ảnh: Vneconomy

Nhiều chuyên gia đóng góp ý kiến nhằm huy động được nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế đất nước. Ảnh: Vneconomy

Cùng đó, cần tiếp tục đổi mới phương thức đầu tư công. Thời gian qua đã có thay đổi rất lớn về phân bổ vốn đầu tư công. Thời kì trước năm 2016 tổng vốn đầu tư công thấp nhưng số lượng dự án đầu tư công rất nhiều, tới trên 10.000 dự án nhưng hiện nay chỉ còn 5.000 dự án. “Như vậy có thể thấy nguồn vốn đầu tư công đã tập trung hơn rất nhiều”, PGS. TS Hoàng Văn Cường cho hay.

Dù có tác động rất lớn nhưng theo PGS.TS Hoàng Văn Cường, đầu tư công không thể giải quyết được tất cả các biến động. Đầu tư công dẫn dắt thế nào đầu tư tư phát triển mới là mấu chốt.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Johnathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Liên Thái Bình Dương thì cho rằng, cần có cơ chế thu hút nguồn lực từ tư nhân và thúc đẩy hợp tác công - tư (PPP). Hiện nay, thu hút PPP mới chỉ ở các dự án hạ tầng nên mở sang các dự án tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm, các chương trình đầu tư khởi ngiệp, năng lượng, công nghệ…

Ngoài ra, để thu hút nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế đất nước, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Liên Thái Bình Dương còn đề xuất, Chính phủ có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế tư nhân tiếp cận thị trường vốn quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu quốc tế; thúc đẩy quá trình hình thành các sàn giao dịch quốc tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn lớn từ nhà đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, Chính phủ xem xét thành lập và có cơ chế vận hành Trung tâm tài chính quốc tế nhằm huy động nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế đất nước.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Liên Thái Bình Dương. Ảnh: Vneconomy

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Liên Thái Bình Dương. Ảnh: Vneconomy

Về lợi ích của việc thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - phân tích, Trung tâm tài chính quốc tế sẽ giúp gia tăng hiệu quả phân bổ nguồn lực tài chính. Hiện tại Việt Nam đã có nền tảng tốt với hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính đang phát triển tuy nhiên việc tập trung các cơ sở tài chính vào một trung tâm quy mô lớn sẽ tạo sự kết nối tốt hơn nữa giữa các nguồn vốn trong nước và quốc tế.

Cùng đó, sẽ giúp thu hút các định chế tài chính quốc tế và dòng vốn FDI chất lượng cao. Điều này không chỉ mang lại nguồn vốn dồi dào mà còn thúc đẩy quá tình chuyển giao công nghệ và kiến thức tài chính tiên tiến cho nền kinh tế Việt Nam.

Việc có một Trung tâm tài chính quốc tế sẽ sẽ giúp Việt Nam xác lập vai trò và vị thế của mình trong vị thế toàn cầu. Qua đó, mở rộng thêm cơ hội hợp tác quốc tế và tham gia sâu hơn vào các tổ chức tài chính quốc tế. Ngoài ra, Trung tâm tài chính quốc tế sẽ giúp thúc đẩy cơ chế hợp tác tài chính và thương mại với các quốc gia khác tạo điều kiện cho dòng vốn xuyên biên giới đổ về Việt Nam.

Hiện đề án thành lập Trung tâm tài chính quốc tế do Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đề xuất đã được các bộ, ngành đồng thuận, tuy nhiên vẫn thiếu một chiến lược tổng thể rõ ràng và chưa có chiến lược dài hạn, cơ chế chính sách cũng như lộ trình phát triển tạo ra sự không chắc chắn cho các nhà đầu tư lớn khi đổ vốn vào thị trường. Các nhà đầu tư cần sự cam kết của Chính phủ và chiến lược rõ ràng để có thấy thấy đây là kế hoạch bền vững”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho hay.

Trên thực tế, việc huy động nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế đất nước theo các chuyên gia cần những giải pháp đồng bộ, từ đầu tư công, thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán, các quỹ đầu tư… Tuy nhiên, hơn hết cần một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và có cơ chế kiểm soát hữu hiệu để các dòng vốn luân chuyển hiệu quả, tránh rủi ro cho nhà đầu tư và khuyến khích được đầu tư tư nhân vào phát triển kinh tế đất nước.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/giai-phap-huu-hieu-nao-huy-dong-nguon-luc-tai-chinh-cho-phat-trien-kinh-te-341236.html