Giải pháp khả thi nhất để chấm dứt xung đột Nga - Ukraine

Có những ý kiến cho rằng việc chấm dứt xung đột Nga-Ukraine thông qua đàm phán là bất khả thi. Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyên gia cho rằng quan điểm này là sai lầm và cực kỳ nguy hiểm cho tương lai của Ukraine.

Bản báo cáo dài 43 trang do Viện Quản lý Nhà nước có trách nhiệm Quincy (QIRS) xuất bản mới đây đã bác bỏ quan điểm cho rằng con đường ngoại giao không thể chấm dứt xung đột Nga-Ukraine.

Hai tác giả của báo cáo, cựu nhà phân tích CIA George Beebe và chuyên gia Á-Âu Anatol Lieven, cũng nêu lý do vì sao ngoại giao là giải pháp cấp bách hiện nay.

Vẫn chưa có giải pháp khả thi để chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Ảnh: AFP/Getty.

Vẫn chưa có giải pháp khả thi để chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Ảnh: AFP/Getty.

“Người ta cho rằng việc kết thúc xung đột Nga-Ukraine thông qua đàm phán là điều không thể và không thỏa đáng. Quan điểm này là sai lầm và cực kỳ nguy hiểm cho tương lai của Ukraine. Cuộc xung đột không diễn ra theo xu hướng bế tắc ổn định mà hướng tới sự sụp đổ của Ukraine”, các tác giả nhận định.

Sự phản kháng ban đầu của Ukraine đã thu hút sự quan tâm và ủng hộ cũng như chiến dịch trừng phạt rộng rãi do các nước phương Tây tiến hành nhằm cô lập Moscow. Tuy nhiên, báo cáo cho rằng cả áp lực quân sự và kinh tế đối với Điện Kremlin sau đó đã suy yếu đi đáng kể.

Theo bản báo cáo, hiện nay, hy vọng tốt nhất của Ukraine nằm ở giải pháp thương lượng nhằm đảm bảo an ninh của nước này, giảm thiểu rủi ro xảy ra các cuộc tấn công hoặc động thái leo thang mới, đồng thời thúc đẩy sự ổn định rộng rãi hơn ở châu Âu và thế giới.

Xung đột tiếp diễn sẽ dẫn tới sự sụp đổ của Ukraine

Những câu chuyện không xác thực của phương Tây về tình trạng quản lý yếu kém, tình báo tệ hại và việc lên kế hoạch không phù hợp của Moscow đã làm xấu đi hình ảnh cường quốc quân sự hàng đầu của Nga kể từ đầu cuộc xung đột. Nhưng khi chiến sự bùng nổ, Moscow đã nỗ lực giải quyết những thiếu sót và tận dụng những lợi thế vốn có.

Việc tính toán lại của Nga bao gồm cải thiện chiến thuật, mở rộng tác chiến điện tử và tăng đáng kể quy mô lực lượng mặt đất trên chiến trường, từ khoảng 180.000 quân vào tháng 2/2022 lên khoảng 450.000 quân vào tháng 12/2023.

Báo cáo cũng nhấn mạnh sự chênh lệch lớn về nhân lực – 141 triệu người ở Nga so với ước tính 36,7 triệu người ở các vùng lãnh thổ Ukraine hiện chưa bị Nga kiểm soát.

Vũ khí Nga cũng đã được chứng minh là có khả năng mạnh về phòng thủ hơn so với các hoạt động tấn công, một yếu tố quan trọng trong bối cảnh bế tắc trên thực địa.

Nhiều thị trấn và thành phố của Ukraine diễn ra các trận chiến ác liệt kéo dài nhiều tháng nhưng cả 2 bên đều không làm thay đổi đáng kể chiến tuyến.

“Với tình hình hiện tại, nếu một trong hai bên trong xung đột Nga-Ukraine sụp đổ thì có vẻ như đó là Kiev”, tác giả George Beebe và Anatol Lieven dự đoán.

Bản báo cáo của QRSC được công bố trước khi Avdiivka thất thủ và Ukraine tuyên bố rút quân khỏi thành trì chiến lược. Diễn biến mới này đánh dấu sự thay đổi lớn nhất trên chiến tuyến kể từ khi Nga kiểm soát được Bakhmut vào tháng 5/2023.

Giới hạn của viện trợ nước ngoài

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, Mỹ và phương Tây đã viện trợ hàng trăm tỷ USD cho Kiev cả về kinh tế và quân sự. Tuy nhiên, sự ủng hộ tưởng chừng vô hạn này thực tế lại có giới hạn.

Mỹ, nước viện trợ nhiều nhất cho Ukraine, đang bị chia rẽ về gói viện trợ trị giá 60 tỷ USD cho Kiev. Thượng viện do đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden chiếm đa số đã thông qua gói viện trợ này, nhưng Hạ viện do đảng Cộng hòa chiếm đa số vẫn chưa chuẩn thuận.

Báo cáo nhấn mạnh: “Tại Mỹ, viện trợ bổ sung cho Ukraine đang bị mắc kẹt tại Quốc hội bất chấp những cảnh báo về khả năng sụp đổ năng lực quân sự quan trọng của Kiev. Ngay cả khi tình trạng bế tắc được tạm thời phá vỡ để Washington tiếp tục cung cấp các gói viện trợ mới nhỏ hơn, những khó khăn hiện tại vẫn sẽ là điềm báo cho khả năng hỗ trợ trong tương lai”.

Theo báo cáo, gần 160 tỷ USD đã được cam kết hỗ trợ Kiev kể từ khi xung đột nổ ra. Chính phủ Ukraine dự kiến thâm hụt ngân sách năm 2024 vào khoảng 43 tỷ USD và Kiev cần thêm viện trợ từ phương Tây. Các tác giả cũng chỉ ra ước tính của Ngân hàng Thế giới rằng chi phí tái thiết Ukraine hiện nay là hơn 400 tỷ USD.

Nga không có lý do gì để sớm thỏa hiệp

Kể từ khi các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine sụp đổ trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, một số sáng kiến do Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Brazil và các quốc gia châu Phi dẫn đầu đã được thực hiện nhằm đưa hai bên ngồi vào bàn đàm phán.

Tuy nhiên, trở ngại cho nỗ lực đó là rất lớn, đặc biệt là khi Nga không có lý do gì để phải sớm thỏa hiệp với Ukraine và phương Tây. Moscow có nhiều lý do để tin rằng tiếp tục giao tranh sẽ cải thiện vị thế của họ.

Điều kiện tiên quyết để đưa Điện Kremlin đến bàn đàm phán là nguồn viện trợ phương Tây cho Ukraine chỉ đủ để bảo toàn các chiến tuyến hiện tại thay vì đẩy các lực lượng Nga ra khỏi lãnh thổ Ukraine hoàn toàn. Thứ hai sẽ là khôi phục liên lạc trực tiếp giữa Washington và Moscow, đặc biệt là các kênh hậu trường như đã từng được sử dụng trong Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.

Để thúc đẩy Nga tham gia đàm phán dự, báo cáo của QIRS cho rằng, Mỹ nên tranh thủ ảnh hưởng của các cường quốc ngoài phương Tây đối với Nga. Đó là những quốc gia có ảnh hưởng ở Nam bán cầu, như Brazil và Nam Phi, cũng như Trung Quốc - đối tác chiến lược hàng đầu của Nga và là đối thủ hàng đầu của Mỹ.

Mặc dù Trung Quốc chắc chắn hài lòng rằng việc hỗ trợ cho Ukraine đã làm cạn kiệt kho dự trữ vũ khí của Mỹ mà lẽ ra có thể sẵn sàng để bảo vệ Đài Loan, nhưng cuộc xung đột Nga-Ukraine tiếp diễn sẽ chỉ khuyến khích mở rộng sản xuất quân sự ở Mỹ và Châu Âu.

“Động lực lớn nhất để Nga thỏa hiệp sẽ là địa chính trị: triển vọng dần lấy lại vai trò ngoại giao vốn đã được công nhận trong các vấn đề an ninh châu Âu. Điều này sẽ làm giảm sự phụ thuộc của Moscow vào Trung Quốc và mang lại quyền tự chủ địa chiến lược lớn hơn trong việc đối phó với cả phương Tây và phương Đông”.

Lựa chọn ngoài đàm phán sẽ chỉ tồi tệ hơn

Bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng sẽ phải giải quyết ít nhất ba mục tiêu chính của Ukraine, Nga, Mỹ và châu Âu.

Đối với Ukraine, đó là sự đảm bảo rằng nước này sẽ không dễ bị tổn hại trước một cuộc tấn công khác của Nga và có một con đường khả thi để tái thiết và dẫn đến thịnh vượng kinh tế.

Đối với Nga, đó sẽ là sự đảm bảo đáng tin cậy rằng Ukraine sẽ không phải là đồng minh của Mỹ hoặc tiếp nhận vũ khí hay lực lượng của NATO.

“Đối với Mỹ và châu Âu, đó là sự đảm bảo rằng Moscow sẽ không biến thành công quân sự ở Ukraine thành mối đe dọa lớn hơn đối với các nước láng giềng của Moscow hoặc các quốc gia thành viên NATO”.

Các sáng kiến được đề xuất bao gồm việc thiết lập giới hạn về vũ khí mà Nga và Ukraine được triển khai tới các khu vực nhất định, cùng với các biện pháp giám sát lẫn nhau. Đề cập đến vấn đề lãnh thổ, các tác giả cho rằng có thể áp dụng mô hình đường ranh giới ngừng bắn đã được thiết lập ở Síp và bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, quá trình thỏa hiệp sẽ không dễ dàng hay đơn giản. Nhưng những lựa chọn thay thế khác ngoài đàm phán sẽ còn tồi tệ hơn nhiều đối với Ukraine và thế giới.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo Newsweek

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/giai-phap-kha-thi-nhat-de-cham-dut-xung-dot-nga-ukraine-post1077374.vov