Giải pháp khai thác sử dụng đất nông nghiệp
Để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, thời gian qua, các ngành chức năng và địa phương trong tỉnh đã tích cực thực hiện các biện pháp để tăng hiệu quả sử dụng 111.668ha đất nông nghiệp của tỉnh. Quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, thời gian qua, các ngành chức năng và địa phương trong tỉnh đã tích cực thực hiện các biện pháp để tăng hiệu quả sử dụng 111.668ha đất nông nghiệp của tỉnh.
Quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa đã kéo theo những diện tích đất nông nghiệp (bao gồm cả đất trồng lúa) được chuyển đổi sang xây dựng phát triển hệ thống đô thị, các khu dân cư, công tác an ninh, quốc phòng và xây dựng kết cấu hạ tầng… Trong khi sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực tạo nguồn sinh kế chủ đạo cho khoảng 50% lực lượng lao động của tỉnh. Vì vậy, thời gian qua, trong việc quyết định chuyển đổi, tỉnh đã quan tâm đến yêu cầu bảo vệ đất chuyên lúa cũng như cân nhắc khi chuyển từ đất trồng lúa sang các mục đích khác. Tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), các địa phương tích cực khai hoang, cải tạo đất chưa sử dụng để mở rộng diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp, góp phần bù đắp phần diện tích đất nông nghiệp phải chuyển sang đất phi nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Việc chuyển đổi mục đích, cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa nước, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được tuân thủ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và Nghị quyết của HĐND tỉnh, văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Việc thực hiện giao đất sản xuất nông nghiệp ổn định cùng với các chính sách đẩy mạnh sản xuất hàng hóa đã giúp nông dân năng động hơn, bố trí hợp lý cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra, ngành NN và PTNT, các địa phương đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức để bà con nông dân, các doanh nghiệp đổi mới nhận thức từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị, phù hợp với yêu cầu của thị trường. Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp dựa trên lợi thế của tỉnh, sản xuất hàng hóa có giá trị cao, hiện đại, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao trên cơ sở phát triển đa dạng hóa các loại hình canh tác như: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn... Tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng có tiềm năng, lợi thế, có sản lượng lớn, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, ngành NN và PTNT, các địa phương đã quan tâm dồn điền đổi thửa, đẩy mạnh hỗ trợ bà con nông dân, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tích tụ, chuyển đổi ruộng đất ở những vùng manh mún phân tán nhằm tạo thuận lợi cho việc canh tác theo phương thức sản xuất hàng hóa, hiện đại, nâng cao hệ số sử dụng đất và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác. Những nỗ lực đó đã thúc đẩy người sử dụng đất đầu tư mở rộng sản xuất, khuyến khích nông dân gắn bó, yên tâm đầu tư lâu dài vào sản xuất nông nghiệp, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội. Các quyền của người sử dụng đất nông nghiệp được mở rộng, được Nhà nước bảo đảm thực hiện tạo điều kiện để người sử dụng đất gắn bó hơn với đất đai, người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo ngành Tài nguyên và Môi trường việc khai thác, sử dụng đất nông nghiệp của tỉnh còn một số khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục được tháo gỡ. Việc thực hiện giao đất nông nghiệp bình quân theo nhân khẩu nông thôn trước đây dù đã được từng bước khắc phục những hệ quả bất cập qua việc “dồn điền, đổi thửa”, xây dựng “cánh đồng lớn”, nhưng đến nay tình trạng ruộng đất phân tán, manh mún vẫn phổ biến, gây cản trở việc ứng dụng cơ giới hóa, khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân có khả năng và muốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn còn gặp nhiều trở ngại do các chính sách pháp luật về đất nông nghiệp vẫn còn một số hạn chế, bó hẹp. Cụ thể: Việc quy định hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lúa, nếu không trực tiếp sản xuất nông nghiệp hoặc đất nông nghiệp trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng (nếu không sinh sống trong khu rừng đó) dẫn đến chưa khuyến khích quá trình tích tụ, tập trung đất đai của hộ sản xuất hàng hóa lớn. Quản lý đất nông nghiệp còn dựa vào quản lý cây trồng, vật nuôi cụ thể trên đất mà không dựa theo đặc tính chất lượng từng loại đất, làm cho người sản xuất khó điều chỉnh sản xuất theo tín hiệu thị trường. Các thủ tục hành chính liên quan đến việc thực hiện “chuyển quyền sử dụng đất” nông nghiệp chưa thực sự thông thoáng. Giá chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp theo quy định thường thấp hơn so với giá thị trường dẫn đến hộ gia đình nông dân không muốn chuyển nhượng, cho thuê mặc dù họ sản xuất không hiệu quả, không có nhu cầu sản xuất, thậm chí có nơi còn để hoang. Đó là những vấn đề mà người nông dân, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thường xuyên kiến nghị, đề xuất tháo gỡ tại nhiều diễn đàn như các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh hay các buổi lãnh đạo tỉnh gặp mặt doanh nghiệp, doanh nhân.
Với mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp thời kỳ 2021-2030 theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh chỉ đạo các cấp chính quyền, ngành chức năng tiếp tục thực hiện các biện pháp thiết thực hỗ trợ nông dân, các tổ chức, doanh nghiệp khắc phục trở ngại, khai thác, sử dụng hiệu quả hơn nguồn tài nguyên đất nông nghiệp. Trong đó, tỉnh yêu cầu duy trì tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp hợp lý, đặc biệt là đất trồng lúa, để thực hiện đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và ổn định đời sống nông dân. Bố trí đất trồng rừng phòng hộ ở những vùng ven sông, ven biển, các khu vực xung yếu để giữ đất và phòng hộ cho các công trình sản xuất, dân sinh, giao thông, thủy lợi, khu dân cư, bảo vệ gen động vật hoang dã, bảo vệ môi trường. Tăng cường các biện pháp thâm canh, tăng vụ, tăng hệ số sử dụng đất và hiệu quả sản xuất trên từng đơn vị diện tích. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, sinh thái, hữu cơ; nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt theo hướng giảm tỷ trọng giá trị sản xuất cây lương thực xuống còn khoảng 60%, cây công nghiệp ngắn ngày khoảng 5%, rau đậu các loại và hoa khoảng 26%, cây lâu năm (cây ăn quả, cây dược liệu lâu năm, cây cảnh…) khoảng 8% nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và bảo đảm an ninh lương thực. Triển khai quyết liệt, đồng bộ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng thương hiệu để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế các sản phẩm đặc trưng của địa phương, tạo điều kiện cho việc tiêu thụ sản phẩm. Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, xây dựng hệ thống trang trại đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản hàng hóa theo hình thức nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; quy hoạch phát triển các vùng nuôi trồng tập trung đảm bảo an toàn dịch bệnh. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã, trang trại và hộ sản xuất cá thể hình thành các chuỗi khép kín từ khâu sản xuất nguyên liệu tới chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh và chia sẻ rủi ro. Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển nông nghiệp. Khuyến khích tập trung ruộng đất để phát triển trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng. Nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết, tổ chức các chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của ngành trồng trọt.
Ngày 16-6-2022, BCH Trung ương đã ban hành Nghị quyết 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, đã đặt ra nhiệm vụ và giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp. Trong đó, yêu cầu mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương, với việc chuyển đổi nghề, việc làm, lao động ở nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch... thể chế hóa các quan điểm định hướng của Nghị quyết 18, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới đây đã bổ sung một loạt các quy định nhằm khắc phục các vấn đề trở ngại hiện tại về mặt chính sách như mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; đồng thời, giao thẩm quyền cho HĐND cấp tỉnh quy định hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp; bổ sung quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp; quy định về các hình thức tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp, cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại quyền sử dụng đất đối với các dự án tập trung đất nông nghiệp; sửa đổi, bổ sung chế độ sử dụng một số loại đất... Khi các quy định mới của Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực, được triển khai áp dụng được kỳ vọng sẽ khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất nông nghiệp./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy