Giải pháp mở rộng, phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển

Bình Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, có bờ biển dài 192km với vùng lãnh hải rộng 52 nghìn km2 nên giàu tiềm năng về kinh tế.

Bình Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, có bờ biển dài 192km với vùng lãnh hải rộng 52 nghìn km2 nên giàu tiềm năng về kinh tế; trong đó có ngành công nghiệp năng lượng, nhất là nhiệt điện và năng lượng tái tạo (điện LNG, điện gió, điện mặt trời, đặc biệt điện gió ngoài khơi).

Một góc du lịch Mũi Né (Bình Thuận) . Ảnh: TTXVN

Một góc du lịch Mũi Né (Bình Thuận) . Ảnh: TTXVN

Nhằm biến các tiềm năng trên thành nguồn lực, động lực đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉnh Bình Thuận tập trung triển khai nhiều biện pháp tích cực, đẩy mạnh phát triển toàn diện, bền vững kinh tế biển gắn với tái cơ cấu kinh tế của tỉnh.

* Tiềm năng kinh tế biển

Ngư trường Bình Thuận được biết đến là một trong ba ngư trường lớn nhất của cả nước, trữ lượng khai thác đánh bắt hải sản hàng năm đạt 240 nghìn tấn hải sản các loại, phong phú về chủng loại với nhiều loại hải đặc sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao.

Bình Thuận còn có tiềm năng về năng lượng gió và mặt trời thuộc loại cao nhất nước, số giờ gió, giờ nắng trung bình cao hơn so với số giờ trung bình ở phía Nam, tốc độ gió và bức xạ mặt trời cao và ổn định, rất phù hợp và thuận lợi để phát triển điện gió, điện mặt trời. Với các lợi thế đó, Bình Thuận được coi là Trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tỉnh Bình Thuận có vị trí địa chính trị, địa kinh tế rất quan trọng, là “nút giao thông” giúp kết nối vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ với khu kinh tế trọng điểm phía Nam, là “cửa ngõ” hướng biển của các tỉnh Tây Nguyên.

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, cùng với nền tảng vững chắc là những thành tựu khá toàn diện trên các mặt kinh tế - xã hội mà tỉnh đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt sau khi hai tuyến cao tốc Bắc - Nam (phía Đông) được thông xe, sân bay Phan Thiết hoàn thành và sắp đưa vào sử dụng, Bình Thuận hội đủ các điều kiện quan trọng để bứt phá mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông biển của Bình Thuận đang được đầu tư và hình thành các cảng biển như Cảng Phan Thiết, Cảng Phú Quý, đặc biệt là Cảng Vĩnh Tân, cơ sở hạ tầng của Cảng tổng hợp Vĩnh Tân hiện nay đã đáp ứng cho tàu trọng tải lên đến 50.000 DWT, dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư bến cập tàu trọng tải 70.000 DWT.

Thời gian qua, các ngành công nghiệp, dịch vụ khu vực biển đảo trên địa bàn tỉnh Bình Thuận từng bước được đầu tư, khai thác có hiệu quả, đáng chú ý tiềm năng dầu khí trên vùng biển của tỉnh đã, đang được khai thác mang lại hiệu quả lớn. Hiện có ba mỏ dầu khí đã khai thác là Rạng Đông, Ru Bi, Sư Tử Đen (sản lượng 80 nghìn thùng dầu ngày/đêm).

Hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ khu vực ven biển và hải đảo phát triển ổn định. Một số mặt hàng xuất khẩu quan trọng thuộc khu vực biển, đảo của tỉnh như dầu khí, thủy sản, tinh quặng ilmenit đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu.

Theo Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ phối hợp với các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố ở vùng biển các tỉnh Đông Nam Bộ mở rộng, tạo dựng cụm liên kết ngành kinh tế biển phát triển hiệu quả, có sức cạnh tranh hội nhập cao gắn với các trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia.

Qua đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi. Phát triển nghề cá xa bờ, đánh bắt, nuôi trồng hải sản giá trị hàng hóa cao gắn kết với dịch vụ thương mại nghề cá và chế biến xuất khẩu tập trung; phát triển khu căn cứ dịch vụ hậu cần trên biển tại Phú Quý. Hình thành các khu đô thị, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển gắn với cảng biển của tỉnh và cảng biển khu vực Đông Nam bộ,…

Những trụ điện gió tại huyện Bắc Bình, Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh-TTXVN

Những trụ điện gió tại huyện Bắc Bình, Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh-TTXVN

* Nhiều giải pháp thúc đẩy

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển, UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp mở rộng, thực hiện lồng ghép nội dung nhiệm vụ phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan.

Đồng thời, chú trọng bố trí quy hoạch, sắp xếp, bố trí kết nối cơ sở hạ tầng kinh tế biển, khu công nghiệp tập trung, vùng du lịch, đô thị ven biển, hiện đại tạo sức hấp dẫn để thu hút đầu tư. Cùng đó, đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ các doanh nghiệp, các hội ngành nghề trên địa bàn tỉnh thiết lập, mở rộng quan hệ đối tác, tham gia vào mạng lưới cụm liên kết ngành kinh tế biển.

Tỉnh Bình Thuận cũng củng cố, tăng cường năng lực thực thi pháp luật, quốc phòng, an ninh trên các vùng biển đảo, bảo vệ quyền hoạt động trên biển theo pháp luật Việt Nam, nghiên cứu cơ chế phối hợp, liên kết các thành phần trong phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh biển đảo.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng nhấn mạnh, một trong những trọng tâm là phát triển của tỉnh là công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ cao được tổ chức thành các cụm liên ngành.

UBND tỉnh đã báo cáo, đề xuất Bộ Công Thương xem xét đưa vào dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) tất cả các dự án, công trình nguồn, lưới điện trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt là đề xuất các dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất khoảng 25.200 MW để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét ưu tiên phê duyệt danh mục phát triển các dự án nguồn điện trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng của địa phương, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển Bình Thuận thành Trung tâm năng lượng tái tạo Quốc gia, nhất là điện gió ngoài khơi.

Hiện, tỉnh có 48 nhà máy điện đã hoàn thành thi công xây dựng; trong đó, có 47 nhà máy điện đã vận hành, phát điện với tổng công suất 6.521 MW.

Thời gian tới, tỉnh Bình Thuận tăng cường thu hút đầu tư, xây dựng cảng biển La Gi, Sơn Mỹ, đầu tư nâng cấp cảng vận tải Phan Thiết, nạo vét, khơi thông luồng lạch tại các cửa sông, cửa biển. Quản lý, khai thác có hiệu quả cảng Phú Quý, Vĩnh Tân, Phan Thiết, đầu tư, phát triển đội tàu vận chuyển khách từ đất liền ra đảo Phú Quý.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh Bình Thuận cần tính toán kỹ thúc đẩy liên kết vùng, nhất là với các địa phương thuộc động lực phía Nam, các tỉnh Tây Nguyên và các khu vực khác, phát huy lợi thế là cửa ngõ kết nối giao lưu kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội giữa các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ với các tỉnh thuộc vùng động lực phía Nam.

Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cũng kiến nghị Trung ương nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường bộ; xây dựng đề án thành lập khu công nghệ cao và khu kinh tế ven biển; về dự án hồ La Ngà 3 và phát triển hạ tầng nghề cá; về đầu tư một số công trình tại huyện Phú Quý như xây dựng hồ chứa nước ngọt, nâng cấp sân bay Phú Quý, xây dựng đảo Phú Quý trở thành trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá và trung tâm tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ trên biển tại khu vực Nam Trung Bộ,…/.

Hồng Đạt/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giai-phap-mo-rong-phat-trien-cum-lien-ket-nganh-kinh-te-bien/304017.html