Giám sát chặt chất lượng ATTP trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng

Ngày 11/7, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) quận Nam Từ Liêm tổ chức hội nghị tọa đàm 'Giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm'.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm

Chủ tịch Hội LHPN quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, hiện quận Nam Từ Liêm có 3.996 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó, 504 cơ sở do TP quản lý; 563 cơ sở do quận quản lý và 2.929 cơ sở do phường quản lý.

Quận là nơi tập trung hàng vạn học sinh, sinh viên, người lao động đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm, dịch vụ ăn uống nhà hàng phát triển mạnh mẽ. Một số làng nghề truyền thống sản xuất, chế biến thực phẩm như: bún Phú Đô, cốm Mễ Trì trên địa bàn quận cũng là nơi luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Chủ tịch Hội LHPN quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Kim Dung phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch Hội LHPN quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Kim Dung phát biểu tại hội nghị.

Từ khi thành lập đến nay, quận Nam Từ Liêm luôn là đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm (ATTP), công tác thanh kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm ATTP, nên chưa để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào. Mặc dù, quận Nam Từ Liêm không phải là điểm nóng về mất ATTP của TP, nhưng nguy cơ luôn tiềm ẩn.

Qua thống kê, hiện toàn quận có gần 16.000 hội viên phụ nữ với 147 chi tổ hội. Hội LHPN quận luôn xác định cán bộ, hội viên phụ nữ là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền và vận động người dân thực hiện ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm.

Hội LHPN quận nêu cao vai trò của tổ chức Hội, cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân tham gia hoạt động kiểm tra, giám sát, hậu kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về ATTP đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, làng nghề...

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Phối hợp tuyên truyền, giám sát chặt ATTP

Hàng năm, Hội đã tuyên truyền, vận động hàng nghìn lượt hội viên phụ nữ, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thay đổi; xóa bỏ những hành vi không đảm bảo ATTP. Cùng với đó, tuyên truyền các biện pháp đảm bảo an toàn khi sử dụng thực phẩm; nâng cao kiến thức nhận diện thực phẩm an toàn. Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Hội LHPN quận đã tuyên truyền, vận động cho 100% cán bộ, 85% hội viên về kiến thức ATTP, tập trung vào các nhóm đối tượng phụ nữ kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, kinh doanh khối chợ, bếp ăn tập thể… Hội đã mở các lớp tập huấn, hướng dẫn hội viên cách chế biến và nhận diện thực phẩm an toàn, kiến thức về truy xuất nguồn gốc thực phẩm, quy trình trồng rau sạch, rau an toàn, bữa ăn dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo sức khỏe.

Trưng bày sản phẩm cốm Mễ Trì tại hội nghị.

Trưng bày sản phẩm cốm Mễ Trì tại hội nghị.

Bên cạnh đó, Hội cũng thường xuyên phối hợp tổ chức các buổi thăm quan mô hình rau sạch, thực phẩm sạch, hướng dẫn, tập huấn cách phân loại và xử lý rác thải tại nguồn cho cán bộ, hội viên phụ nữ; duy trì và phát huy vai trò của các mô hình phụ nữ thực hiện sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn ở làng nghề truyền thống trên địa bàn.

Từ sự cần thiết đó, Hội LHPN quận đã ra mắt và duy trì nâng cao chất lượng hoạt động của 119 mô hình “Chi hội thay đổi hành vi trong ATTP”. Các chi hội duy trì sinh hoạt đều đặn hàng tháng, hàng quý và hoạt động đa dạng dưới nhiều hình thức và nội dung phong phú, thu hút được nhiều đối tượng tham gia. Các mô hình này góp phần tạo chuyển biến trong thực hành các hành vi bảo đảm ATTP.

Ngoài ra, Hội phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức giám sát việc thực hiện các quy định về ATTP tại các chợ, cơ sở, hộ gia đình, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; tăng cường hoạt động phối hợp giám sát cộng đồng phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Giới thiệu bún Phú đô tại hội nghị.

Giới thiệu bún Phú đô tại hội nghị.

Từ kết quả giám sát, các cấp Hội đã kịp thời phát hiện những vấn đề tồn tại và kiến nghị kịp thời với Ban quản lý các chợ, UBND quận và các phường. Đồng thời, cơ quan chức năng hướng dẫn nhắc nhở các cơ sở kinh doanh, dịch vụ thực hiện tốt quy định ATTP, kịp thời phát hiện, đấu tranh trước những sai phạm về ATTP tại địa phương, góp phần thực hiện tốt tiêu chí “3 sạch” của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.

Tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm” là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng.

Đồng thời, tọa đàm đánh giá đúng thực trạng tình hình ATTP hiện nay để có những giải pháp nhằm thay đổi tư duy, nhận thức, hành động của các cấp, các ngành đặc biệt là cán bộ, hội viên phụ nữ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.

Trần Thảo

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giai-phap-nang-cao-chat-luong-bao-dam-attp-trong-san-xuat-kinh-doanh-tieu-dung.html