Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục huyện Hướng Hóa
Huyện Hướng Hóa có 60 đơn vị trường học; trong đó có 26 trường mầm non, 34 trường phổ thông, với 208 điểm trường, 1.015 lớp/27.208 học sinh. Tỉ lệ học sinh đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 50%. Với đặc thù địa bàn rộng, nhiều điểm trường, nhiều khu vực lẻ đường sá đi lại khó khăn, song giáo dục Hướng Hóa đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong quản lý, chỉ đạo dạy và học, huy động các nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, đạt được những kết quả rất đáng tự hào.

Chất lượng giáo dục mầm non vùng bản xã Xy, huyện Hướng Hóa ngày càng được nâng cao - Ảnh: N.T.H
Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa Hoàng Văn Sơ cho biết, kết quả nổi bật của giáo dục huyện thời gian qua là duy trì và phát triển hiệu quả mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú huyện, thành lập và phát triển phù hợp 7 trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), trong đó có 2 trường PTDTBT trung học cơ sở và 5 trường PTDTBT tiểu học và trung học cơ sở, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn được nâng lên; tỉ lệ học sinh tham gia dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm sau cao hơn năm trước, bình quân hằng năm tăng khoảng 8 - 10%.
Năm học 2023 - 2024, tỉ lệ học sinh huyện Hướng Hóa tham gia dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh tăng 10,2%, xếp thứ 4 toàn tỉnh; năm học 2024 - 2025 tỉ lệ học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh cấp THCS chiếm 54,41% trên tổng số học sinh dự thi.
Ngành giáo dục huyện đã nỗ lực phấn đấu giảm tỉ lệ học sinh yếu kém và tỉ lệ học sinh không hoàn thành chương trình xuống dưới 0,15%. Công tác phổ cập giáo dục (PCGD), xóa mù chữ (XMC) được chú trọng.
Kết quả PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi đạt chuẩn; PCGD tiểu học đạt mức độ 3; XMC đạt mức độ 2; PCGD trung học cơ sở đạt mức độ 2; PCGD bậc trung học phổ thông đạt 2/21 xã. Đặc biệt, công tác xã hội hóa giáo dục được quan tâm đẩy mạnh, góp phần tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện bữa ăn cho học sinh bán trú và trẻ em mầm non.
Trung bình hằng năm các đơn vị trường học trên địa bàn huyện huy động nguồn lực xã hội hóa từ các nhà tài trợ và các cá nhân hảo tâm đóng góp hơn 10 tỉ đồng để hỗ trợ cho các hoạt động giáo dục.
Thời gian qua, trên địa bàn huyện có 66 hộ dân tự nguyện hiến đất xây dựng trường học với tổng diện tích hơn 46.600 m2 Công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo trên các lĩnh vực có nhiều đổi mới, tạo được sức lan tỏa và sự quan tâm của xã hội. Môi trường văn hóa giáo dục được nâng cao, góp phần xây dựng trường học văn minh, học sinh thân thiện, an toàn, hạnh phúc.
Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được, giáo dục huyện Hướng Hóa vẫn còn một bộ phận học sinh ý thức học tập hạn chế, số lượng học sinh chưa đạt, yếu kém vẫn còn tồn tại. Chất lượng điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 có cải thiện về điểm số nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; còn học sinh điểm thấp, điểm liệt rơi vào các trường hợp học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó, không có điều kiện và phương tiện học tập ở nhà. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học còn thiếu, nhất là trên địa bàn có nhiều điểm trường lẻ và còn tình trạng có điểm trường thiếu giáo viên phải ghép 3 trình độ đối với bậc tiểu học.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục huyện Hướng Hóa đề ra nhiều giải pháp tập trung chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đảm bảo chất lượng và hiệu quả công tác.
Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại quy mô trường lớp theo hướng tinh gọn. Triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với đặc thù vùng miền và đối tượng học sinh; chú trọng tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá tích cực theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; đa dạng hóa các hình thức giáo dục, chú trọng các hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học của học sinh gắn với định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở.
Ứng dụng công nghệ số, các phần mềm trong dạy và học; chú trọng công tác hỗ trợ chuyên môn, kịp thời nắm bắt tình hình và chỉ đạo việc triển khai nhiệm vụ năm học. Đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục thực chất ở các cấp học, bậc học; tạo chuyển biến về chất lượng giáo dục ở các trường vùng bản, vùng sâu, vùng xa, các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông dân tộc nội trú.
Theo ông Hoàng Văn Sơ, thời gian tới, ngành giáo dục Hướng Hóa tập trung xây dựng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 huy động tối đa các nguồn lực để đáp ứng tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường học cho thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Chỉ đạo các trường học chủ động, tham mưu UBND xã, thị trấn rà soát, đôn đốc, tổ chức thực hiện Kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, trong đó định hướng mục tiêu phấn đấu cụ thể theo từng năm và giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị trường học.
Các trường học xây dựng các mục tiêu và giải pháp cụ thể, phù hợp để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu về công tác kiểm định chất lượng và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục - đào tạo tới mọi tầng lớp trong xã hội, tạo sự hiểu biết, đồng thuận và đánh giá đúng về những đổi mới, thành quả của ngành đạt được cũng như sự quan tâm của toàn xã hội chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo trên địa bàn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.