Giải pháp nâng cao chất lượng tập san nghiên cứu lý luận và thực tiễn của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa
Nâng cao chất lượng Tập san nghiên cứu lý luận và thực tiễn là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần đổi mới đồng bộ, toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa.
Những năm qua, Tập san không ngừng được đổi mới về nội dung, hình thức phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng và công tác lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền cấp xã. Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới hiện nay, việc nâng cao chất lượng Tập san được nhà trường tập trung thực hiện với các giải pháp cụ thể.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường trong công tác biên soạn, phát hành Tập san
Tăng cường vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng ủy, Ban Giám hiệu đối với công tác biên soạn, phát hành Tập san. Quán triệt, triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về hoạt động báo chí, xuất bản; tập trung định hướng những thông tin có trọng tâm, trọng điểm gắn với nhiệm vụ chính trị của tỉnh, địa phương và của nhà trường. Ban hành Quy chế hoạt động công tác xuất bản Tập san trong từng giai đoạn, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của nhà trường.
Tiếp tục đẩy mạnh vai trò chỉ đạo của Ban Giám hiệu trong việc nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch, tổ chức biên tập, phát hành Tập san. Hằng năm hoặc trong từng giai đoạn cụ thể, Ban Giám hiệu chủ động ban hành kế hoạch, chỉ đạo kịp thời nội dung, phân công cụ thể công việc cho từng bộ phận và các cá nhân; định hướng những chuyên trang, chuyên mục, các bài viết chuyên sâu nghiên cứu về những vấn đề mới, mô hình, kinh nghiệm, điển hình trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ sở; hướng dẫn, chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; chỉ đạo biên tập, phát hành chặt chẽ, hiệu quả.
Quan tâm xây dựng lực lượng giảng viên nòng cốt tham gia viết bài đảm bảo đủ về số lượng, tinh túy về chất lượng. Tiếp tục quan tâm nâng cao trình độ lý luận và kiến thức thực tiễn cho giảng viên, động viên, chọn cử cán bộ, giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ nhất là đào tạo tiến sỹ và các khóa bồi dưỡng chuyên sâu. Tiếp tục định hướng, hỗ trợ cán bộ giảng viên chủ trì đề tài khoa học cấp tỉnh, cấp Bộ. Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa hoạt động nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn của giảng viên, có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích giảng viên đi tìm hiểu, nghiên cứu ở địa phương, cơ sở.
Định kỳ hằng năm, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Ban Biên tập tổ chức sơ kết, tổng kết công tác biên tập; đánh giá những kết quả đạt được, những kinh nghiệm và chỉ ra những hạn chế để có biện pháp khắc phục. Biểu dương, khen thưởng những tác giả có bài viết hay, chất lượng, có tác dụng tích cực đối với công tác chính trị tư tưởng, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ...
Nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo khoa, phòng và nhận thức của cán bộ, giảng viên, học viên về vai trò, ý nghĩa của Tập san và việc xuất bản Tập san
Lãnh đạo các khoa, phòng cần quan tâm hơn nữa đến số lượng và chất lượng bài viết của cán bộ, giảng viên của khoa, phòng mình quản lý. Thông qua các kỳ sinh hoạt chuyên môn, các buổi họp khoa, phòng định hướng, quán triệt, nhận xét, đánh giá nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên về vai trò, ý nghĩa của Tập san.
Phát huy tính chủ động, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên trong việc đào sâu nghiên cứu về lý luận và thực tiễn
Trong thời gian tới, nhà trường cần tăng cường phát huy tính chủ động, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên trong việc đào sâu nghiên cứu về lý luận và thực tiễn, trên cơ sở đó đưa tri thức khoa học vào các bài viết trong Tập san, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của Tập san.
Để thực hiện được điều này, đòi hỏi cán bộ, giảng viên phải là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn kiên định, tin tưởng tuyệt đối vào vai trò lãnh đạo của Đảng, không dao động trước khó khăn, tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, trước những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Trong thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học phải phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, tác phong làm việc khoa học, dân chủ, chuẩn mực trong nói, viết và hành động. Không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, sẵn sàng thâm nhập thực tiễn để làm giàu hơn kiến thức thực tiễn. Tất cả những yếu tố này sẽ góp phần “cộng hưởng”, nâng cao vị thế, hình ảnh của giảng viên trường chính trị trong công tác nghiên cứu khoa học.
Đa dạng hóa chủ đề bài viết, mở rộng phạm vi đối tượng đặt bài
Cần mở rộng phạm vi bài viết với các chủ đề phong phú, thiết thực, đa dạng, gắn các vấn đề lý luận với thực tiễn, cần được lý giải về chính trị, hành chính và kỹ năng vận hành công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nhất là đội ngũ cán bộ đang công tác ở cơ sở - đối tượng đào tạo, bồi dưỡng chính của nhà trường.
Theo đó, ngoài bài viết theo kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ khoa học hàng năm của cán bộ, giảng viên, Ban Biên tập cần tiếp tục mở rộng phạm vi đặt bài theo 3 cấp độ: Bài viết của lãnh đạo tỉnh và Vụ Các trường chính trị; bài viết của lãnh đạo cấp huyện và bài viết của cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở.
Xây dựng tiêu chí đánh giá, thẩm định chất lượng bài viết Tập san
Xây dựng tiêu chí đánh giá, thẩm định chất lượng bài viết đăng Tập san là nhiệm vụ quan trọng, then chốt nhằm nâng cao chất lượng Tập san. Theo đó, bộ tiêu chí cần đảm bảo yêu cầu về nội dung, hình thức.
Trong đó, nội dung của bài viết Tập san phải đảm bảo tuân theo những yêu cầu chung đối với các tác phẩm báo chí, đó là:
Đảm bảo tính chính trị, tính Đảng: Nội dung bài viết không được trái với quan điểm của Đảng về đường lối đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, không ngừng phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường hội nhập quốc tế và khu vực... Bài viết phải góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đảm bảo tính khách quan, chân thật: Đây là yêu cầu hàng đầu tạo nên tính hấp dẫn, thuyết phục, hiệu quả của Tập san.
Đảm bảo tính thời sự: Bài viết phải phản ánh những giá trị mới dựa trên chức năng, nhiệm vụ chính trị của nhà trường.
Tóm lại, nâng cao chất lượng Tập san là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi phải có những giải pháp toàn diện, đồng bộ từ nhiều khâu, nhiều nội dung. Xuất bản Tập san là hoạt động rất quan trọng thuộc nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Do vậy, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa cần quan tâm, chú trọng, thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên; cần có sự vào cuộc, chung tay của tất cả cán bộ, giảng viên, học viên; sự nhạy bén, linh hoạt của lãnh đạo nhà trường; sự tham mưu thực hiện hiệu quả, tích cực của lãnh đạo các khoa, phòng. Đồng thời, nhà trường cần tăng cường giao lưu, gặp gỡ, tham khảo kinh nghiệm của các trường chính trị trong hệ thống để cùng phát triển, thực hiện đạt các tiêu chí Trường Chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư (khóa XII)./.