Giải pháp nào cho 11 điểm đen ngập úng nặng ở Hà Nội?
Những trận mưa đầu mùa làm nhiều tuyến phố Hà Nội bị ngập úng nặng. Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Cty Thoát nước) cho biết, trên địa bàn thành phố đang tồn tại 11 điểm đen ngập úng.
Ngập sâu tại quận Bắc Từ Liêm ngày 26/4
Công trình thi công làm tắc cống thoát nước
Ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Cty Thoát nước Hà Nội (HSDC) cho biết, bằng nhiều giải pháp, trong năm 2020 đơn vị đã giải quyết được một số điểm ngập úng, dềnh nước cục bộ tồn tại nhiều năm nay. “Nhờ vậy bước sang mùa mưa năm 2021, từ 16 điểm ngập úng các năm trước đơn vị đã xử lý được 5 điểm ngập úng thường xuyên, trong đó có các tuyến phố như Phạm Văn Đồng, Đội Cấn, Trường Chinh, Thanh Đàm và Giải Phóng…”, ông Sơn nói.
Tuy nhiên, ông Sơn cho biết, trên địa bàn thành phố hiện vẫn còn tồn tại 11 điểm đen ngập úng. Các điểm đen này bao gồm: Ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Ngã 5 Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa, Vũ Trọng Phụng, Ngọc Lâm; Hoàng Như Tiếp, Đại Lộ Thăng Long, Thụy Khuê, Cao Bá Quát, Minh Khai, Hoa Bằng, Nguyễn Khuyến.
Chiều 4/5, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, để đảm bảo công tác thoát nước mùa mưa 2021, những ngày tới Sở Xây dựng sẽ chủ trì phối hợp với Sở GTVT và UBND các quận huyện đi kiểm tra các công trình, dự án thi công trên đường, tại các mương, cống trong việc tuân thủ các quy định của giấy phép. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện công trình nào vi phạm sẽ bị lập biên bản tạm dừng thi công.
Đề cập đến nguyên nhân gây ra các điểm ngập úng trên, ông Sơn thông tin, do lượng mưa vượt quá khả năng thiết kế là 70mm/2 giờ của hệ thống thoát nước thành phố; tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến ngập úng. Cùng với đó, ông Sơn cũng nhấn mạnh, việc gây ngập trên các tuyến phố hiện nay cũng có cả nguyên nhân chủ quan. Nêu dẫn chứng cho nhận định này, ông Sơn cho biết, trên địa bàn thành phố vẫn còn tồn tại tình trạng tập kết rác trên các rãnh, miệng cống, hố ga thu nước, khi mưa các túi rác này sẽ trôi theo nước gây tắc dòng chảy. Tình trạng người dân sử dụng các tấm tôn, gỗ, tấm sắt... làm cầu lên xuống vỉa hè cũng gây bịt các miệng hố ga thu nước. Đặc biệt trên địa bàn thành phố hiện có 24 dự án, công trình thi công đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến dòng thoát lũ, có công trình còn thu hẹp, làm tắc dòng chảy thoát lũ ra các sông hồ. “Hiện các điểm ngập trên các tuyến phố như Thụy Khuê, Lê Duẩn - Trần Hưng Đạo, Minh Khai, Đại La, Lê Văn Lương... đang có nguyên nhân trực tiếp từ các công trình thi công tại đây”, ông Sơn thống kê.
Giải pháp tạm thời
Đánh giá về khả năng tiêu thoát của hệ thống thoát nước Hà Nội, ông Trịnh Ngọc Sơn cho rằng, tuy đã hoàn thành cơ bản dự án thoát nước trong khu vực nội đô nhưng hiện hệ thống hạ tầng chỉ đáp ứng được cho các trận mưa có cường độ nhỏ dưới 50mm/2 giờ. Với các trận mưa có cường độ từ 50mm/2h đến 100mm/2 giờ, thành phố sẽ xuất hiện 11 trọng điểm úng ngập. Theo đại diện Cty Thoát nước Hà Nội, hầu hết các trận mưa vừa qua, tuy đầu mùa nhưng đều có cường độ trên 50mm/2 giờ, thậm chí tại Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân còn có cường độ từ 60 đến 100mm/2 giờ, tình trạng này đã gây ngập trên một số tuyến phố vừa qua, trong đó có Đại lộ Thăng Long, Quang Trung - QL6 (Hà Đông), Bùi Xương Trạch...
Lãnh đạo Cty Thoát nước Hà Nội cho biết, đơn vị tập trung thực hiện 5 giải pháp chính trên toàn địa bàn, trong đó chú trọng đến cơ giới hóa, hiện đại hóa công tác thoát nước; phối hợp với các đơn vị liên quan như CSGT, thanh tra GTVT cảnh báo, hướng dẫn nhân dân đi qua các điểm úng ngập khi có mưa lớn. Trang bị camera, xây dựng bản đồ số cho các điểm úng ngập để người dân truy cập, tra cứu thông tin trực tuyến để chủ động phòng tránh, đi lại khi mưa lớn xảy ra.
Với 11 điểm ngập úng thường xuyên, ông Sơn cho biết, Cty duy trì các chốt có nhân viên thoát nước trực cảnh báo, hướng dẫn người dân đi lại trong thời gian xảy ra ngập. Với 24 dự án đang thi công, gây ảnh hưởng đến dòng chảy, lãnh đạo Cty Thoát nước thông tin: Đơn vị đã có văn bản báo cáo thành phố, Sở Xây dựng chỉ đạo các chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu thanh thải lòng mương, cống, hoàn thiện các thủ tục, bàn giao các dự án, hạng mục công trình liên quan đến thoát nước đã hoàn thành. Với các dự án đang thi công, chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện nghiêm các quy định của giấy phép để đảm bảo giao thông, thoát nước, tránh tình trạng thi công ra ngoài phạm vi được cấp phép, gây thu hẹp, tắc dòng chảy.