Giải pháp nào cho biệt thự bỏ hoang lãng phí?
Mặc dù đã có 2 biệt thự và đang bỏ hoang, không sử dụng, song một nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ rằng vẫn có ý định mua thêm bởi lý do: 'Ai cũng có nhu cầu đầu tư khi giá trị tài sản vẫn gia tăng'.

Nhiều khu biệt thự hoang vắng, ít người ở tại Hà Nội. Ảnh minh họa
Biệt thự bỏ hoang nhưng giá vẫn tăng ầm ầm
Nhìn cảnh những biệt thự bỏ hoang, cỏ mọc, nhiều người đã tưởng đây là những món hàng "bán ế". Tuy nhiên, thực tế thì các dự án liền kề, biệt thự đều đã được bán (sơ cấp) tới tay khách hàng từ cả chục năm trước. Thị trường thứ cấp (bán lại) cũng tăng giá không ngừng.
Theo thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản năm 2024 của Bộ Xây dựng, phân khúc nhà liền kề, biệt thự trong dự án vẫn giao dịch mạnh. Trong năm 2024, giá bán cơ bản của biệt thự trong dự án tại Hà Nội là từ 100 đến 200 triệu đồng/m2, một số dự án có mức giá bán 300 triệu đồng/m2. Đặc biệt, một số dự án có giá ở mức rất cao, trên 800 triệu đồng/m2.
Trong các dự án, nhà liền kề có diện tích từ 80 đến 120m2, các biệt thự có diện tích từ 150m2 đến 400 m2. Tại khu vực Hà Nội, giá bán nhà ở trong dự án năm 2024 đã tăng 30%-40% so với năm 2023, một số dự án có mức tăng giá 60%-70%. Với mức giá bán trung bình 160 triệu đồng/m2 với biệt thự tại Hà Nội (theo ước tính của Bộ Xây dựng), mỗi căn biệt thự có giá bán từ 20 đến hàng trăm tỉ đồng.

Hàng trăm căn biệt thự bỏ không, không sử dụng, tương đương hàng nghìn tỉ đồng đang bị lãng phí. Ảnh minh họa
Trong nhiều cuộc hội thảo về bất động sản, các chuyên gia đã nêu ra nghịch lý nan giải kéo dài nhiều năm là những khu đô thị hàng trăm căn hộ bỏ không thì hàng nghìn tỉ đồng đang bị lãng phí, không khai thác hết. Trong quy hoạch, các khu đô thị, các dự án biệt thự khi được cấp phép xây dựng hướng tới việc trở thành nơi ở của hàng trăm nghìn người, song thực tế thì chỉ lác đác người ở.
Theo thống kê của Savills Việt Nam, đầu năm 2025 sẽ có thêm khoảng 3.000 căn hộ liền kề, biệt thự đến từ các dự án nằm tại Mê Linh (Vĩnh Phúc), Thường Tín, Đông Anh, Hà Đông (Hà Nội). Nhiều chuyên gia bất động sản đã bày tỏ sự lo ngại tình trạng thừa nhà biệt thự, chỉ mua không ở, sẽ lại tiếp tục tăng lên.
Anh Minh Hoàng - một nhà đầu tư tại Hà Nội - cho biết: "Tôi có 2 căn biệt thự tại Hà Nội, 1 căn mua năm 2012 và 1 căn mua năm 2014. Tính ra năm vừa qua, công ty tôi với 80 nhân sự làm cả năm nhưng rút cuộc lợi nhuận chưa bằng tiền tăng giá của 2 căn biệt thự này".
Đã nhiều lần, vợ chồng anh Minh Hoàng bàn bạc chuyển về ở 1 trong 2 căn biệt thự đã mua, thuộc dự án nằm cạnh đại lộ Thăng Long với 3 tầng 650m2 sàn, rộng rãi thoải mái. Nhưng vợ anh lại sợ... "Cả khu vắng tanh, nửa đêm nhỡ trộm vào nhà, có hô to cũng không ai trợ giúp. Tối đến là hàng quán, dịch vụ đóng cửa, có đặt mua cốc trà sữa cũng không shipper nào nhận giao hàng vào tận đây, đi ăn gì lại phải lái xe cả tiếng vào trung tâm" - anh Hoàng cho biết. Anh dự định bao giờ dự án này đông người đến ở thì gia đình anh sẽ chuyển về nhưng qua 5 năm rồi, cả khu mới thêm được vài nhà có người ở.
Mặc dù vậy, anh Hoàng vẫn có ý định mua thêm: "Ai cũng có nhu cầu đầu tư để gia tăng tài sản. Tôi có dự định mua thêm căn nữa nhưng hiện giá đang lên cao quá. Không có điều luật nào bắt buộc người sở hữu phải vào ở, phải sử dụng căn nhà của mình, phải làm đẹp cho cả khu đô thị".
Quản lý chặt quy hoạch và tiến hành đánh thuế bất động sản bỏ hoang lãng phí
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, cho rằng các dự án, khu đô thị bỏ hoang không chỉ gây lãng phí nguồn lực đất đai mà còn gây ra hàng loạt hệ lụy cho thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến nền kinh tế và quy hoạch đô thị: "Hàng nghìn tỉ đồng đã chôn vào đất nhưng không tạo ra giá trị thực sự mà lại làm tăng thêm tình trạng tăng giá ảo trên thị trường nhà đất".

Nhiều chuyên gia cho rằng nên đánh thuế các bất động sản để không, không sử dụng. Ảnh minh họa
Theo Giáo sư Đăng Hùng Võ, muốn làm giảm tình trạng các khu đô thị bỏ không thì cần các giải pháp đồng bộ và hiệu quả, quản lý chặt chẽ ngay từ việc quy hoạch các dự án xây dựng. Điều này đòi hỏi tầm nhìn chiến lược trong quy hoạch và thực hiện.
"Chúng ta đang làm ngược về quy hoạch, lẽ ra phải quy hoạch hạ tầng giao thông trước, sau đó tổ chức các đô thị, không gian đô thị tại gần các nút giao thông, tận dụng hạ tầng để phát triển đô thị. Chúng ta cần tạo ra các đô thị nhỏ gọn nhưng hiện đại, đầy đủ tiện ích công cộng, trường học, bệnh viện, từ đó hình thành cộng đồng dân cư văn hóa, văn minh. Chúng ta có tình trạng thừa nhà cho người giàu nhưng lại quá thiếu nhà cho những đối tượng khác, nơi để không lãng phí, còn người cần có nhà để ở thì khó mua", ông Đặng Hùng Võ cho biết.
Giáo sư Đăng Hùng Võ cũng cho rằng, cần đánh thuế cao đối với những bất động sản hiện hữu nhưng không sử dụng. Vấn đề này đã được đưa ra bàn thảo nhưng cho đến nay câu chuyện vẫn dậm chân tại chỗ, chúng ta chưa có sắc thuế phù hợp để xóa tình trạng có nhiều bất động sản nhưng không đưa vào sử dụng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, cho rằng, trong quy hoạch, chúng ta cần khuyến khích các dự án đáp ứng được nhu cầu ở thực của càng nhiều khách hàng càng tốt. Cần có những giải pháp đồng bộ để điều tiết lại thị trường khi có thừa các sản phẩm bất động sản cao cấp từ nhà biệt thự đến chung cư nhưng lại rất thiếu nhà ở bình dân.