Vì sao Suleiman vĩ đại không xây dựng cung điện hoành tráng?
Không có cung điện nào đúng nghĩa, không có tòa nhà nào phản ánh sự vĩ đại và quyền lực của đế chế.
Thủ đô tất nhiên là trung tâm của nghệ thuật. Khi Suleiman lên ngôi, Istanbul đã là một thành phố lớn. Nó còn được tô điểm bởi những nhà thờ Hồi giáo mà ông đã cho xây dựng và những tòa công trình kiến trúc mọc lên khắp mọi phía, nhưng lại không có bất kỳ cung điện hay dinh thự nào có chức năng thiết thực hoặc tôn giáo. Không gì có thể so sánh được với những cung điện mà các vị vua phương Tây bắt đầu xây dựng cho mình trong cùng thời kỳ (thế kỷ XVI).

Vẻ tráng lệ của nhà thờ Hồi giáo. Ảnh: Gezibilen.
Topkapi không phải là Fontainebleau hay Hampton Court và cũng không làm gợi nhớ đến những cung điện của các hoàng đế Byzantine. Nó được hình thành từ sự kết hợp các khu nhà tạm (pavilion), một số trong đó rất thanh tao và quyến rũ, nhưng không được xem là xứng đáng để làm chỗ ở của một vị vua hay hoàng đế ở châu Âu thời xưa. Các vị quốc vương tìm kiếm sự yên bình và tĩnh lặng giữa những hàng cây ở đó, vì vậy kiến trúc rất đơn giản - điều mà chúng ta có thể gọi là chức năng - mặc dù không phải là không thanh lịch.
Các tòa nhà được xây dựng theo phong cách giản dị và được sử dụng làm văn phòng, trường học, các dịch vụ của cung điện và tư phòng của Quốc vương cũng như nơi ở cho các quan chức; ở xa phía sau là hàng loạt tòa nhà xếp thành Hậu cung và được xây nối vào nhau khi cần và không có bất kỳ loại quy hoạch tổng thể nào.
Việc đặt koshk, một loại gian nhà nhỏ, từ này về sau đã sinh ra từ ki-ốt trong tiếng Anh) được quyết định bởi vẻ đẹp của cảnh quan hoặc vì lý do đơn giản là thuận tiện. Ví dụ, Phòng Hội đồng được đặt gần khu Tư phòng của Quốc vương để ông có thể đến đó dễ dàng; điều tương tự cũng áp dụng với căn phòng chứa thánh tích.
Những công trình mà Suleiman xây thêm cho Topkapi không xa hoa hơn mà cũng không kém xa hoa hơn so với những công trình do các vị quốc vương khác dựng lên. Cũng giống như bao người phàm trần khác, Quốc vương biết rằng cả đàn ông lẫn phụ nữ đều chỉ được định sẵn sẽ sống một khoảng thời gian ngắn ngủi trên trần gian. Nơi ở của họ chỉ là tạm thời và chẳng có ý nghĩa gì để mà làm các công trình xây dựng đó trở nên trường tồn vĩnh cửu - mọi thứ đều sẽ biến mất vào một ngày nào đó. “Tất cả những người sống trên trái đất đều phải chết,” ông đọc được trong Kinh Koran.
Niềm tin vào tính nhất thời này của sự sống đã truyền cảm hứng cho kiến trúc dân dụng Thổ Ottoman cho đến thế kỷ XIX: không có cung điện nào đúng nghĩa, không có tòa nhà nào phản ánh sự vĩ đại và quyền lực của đế chế. Có một sự tương phản hoàn toàn giữa sự đơn giản của các công trình kiến trúc và vẻ sang trọng trong cách bài trí nội thất cũng như phong cách sống nói chung.
Nhưng những nhà thờ Hồi giáo mà họ đã xây dựng thật tuyệt vời! Nhà tế bần họ xây thực sự đã chữa bệnh và nuôi sống nhiều người nghèo, trường học kiến thức và trường thần học Hồi giáo thực sự đã giảng dạy tôn giáo và kiến thức hữu ích cho giới trẻ, và những tác phẩm nghệ thuật quả thực đã mang đến sự phong phú cho cuộc sống của con người!