Giải pháp nào cho dinh dưỡng học đường?
Các chuyên gia khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của dinh dưỡng học đường và đưa giải pháp cho vấn đề này.
PGS.TS Nguyễn Phương Mai - Chuyên gia Tư vấn và đào tạo tại Culture Move (Hà Lan): Cần lấp đầy khoảng trống pháp luật về dinh dưỡng học đường
Mối kết nối giữa não bộ và hệ thần kinh đường ruột có ảnh hưởng sâu sắc đến các chức năng nhận thức và sức khỏe tinh thần, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên. Bộ não của các em trải qua nhiều khoảng thời gian nhạy cảm trong quá trình phát triển. Việc xây dựng một hệ vi sinh vật đường ruột cân bằng thông qua các bữa ăn học đường giúp học sinh không chỉ phát triển thể chất, mà còn nâng cao hiệu suất học tập và duy trì khả năng điều phối cảm xúc.
Học sinh thường dành phần lớn thời gian sinh hoạt và học tập tại trường. Điều này khiến trường học trở thành môi trường lý tưởng để giải quyết những vấn đề sức khỏe đại chúng ở quy mô lớn. Một bữa ăn học đường cân bằng sẽ cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu nhằm hỗ trợ sự phát triển thể chất, hiệu suất học tập và ổn định tâm lý. Ngày càng có nhiều quốc gia cung cấp bữa trưa miễn phí, thực hiện các chính sách đảm bảo không có trẻ em nào bị bỏ lại phía sau và tạo cơ hội công bằng cho tất cả học sinh.
Những bữa ăn ở trường mẫu giáo, tiểu học và các trường bán trú đã xuất hiện từ rất lâu tại Việt Nam khi bố mẹ các em phải tăng ca sản xuất. Tuy nhiên cho đến nay, hoạt động này vẫn còn nhiều bất cập. Hầu hết trường học không có chuyên gia dinh dưỡng và thường sử dụng các công ty dịch vụ bên ngoài. Điều này dẫn tới sự khó khăn để đảm bảo cho học sinh một bữa ăn đủ dinh dưỡng, ngon miệng, đa dạng, đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, có giá thành phù hợp với điều kiện kinh tế và văn hóa của từng địa phương. Ở cấp vĩ mô, đó là khoảng trống pháp luật, góp phần tạo ra khó khăn trong việc hướng dẫn các chính sách và tiêu chuẩn hóa chất lượng bữa ăn học đường.
Một số chuyên gia dinh dưỡng và đại diện doanh nghiệp đề xuất cần sớm dự thảo luật về dinh dưỡng học đường. Tính đến tháng 10/2024, các quy định, nghị định và hướng dẫn đã có rải rác trong một số văn bản, nhưng chưa được tập hợp lại và luật hóa một cách có hệ thống, cũng như chưa được áp dụng thống nhất cho các doanh nghiệp cung cấp bữa ăn học đường. Những đóng góp của ngành khoa học não bộ cho thấy một bộ luật như vậy cần được nghiêm túc cân nhắc bởi đó chính là khoản đầu tư cho tương lai của đất nước.
Thứ nhất,bữa ăn học đường là biện pháp hiệu quả trong các nỗ lực xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ trẻ bị thiệt thòi và thu hẹp bất bình đẳng xã hội.
Thứ hai, một chương trình dinh dưỡng học đường sẽ có lợi cho tất cả học sinh chứ không chỉ học trò nghèo, nâng cao hiệu quả học tập, giúp xây dựng nguồn lực trí tuệ của quốc gia trong tương lai gần.
Tất nhiên, ngoài khía cạnh dinh dưỡng, sức khỏe tổng thể đòi hỏi nhiều yếu tố khác phải hoạt động song song. Một số nghiên cứu đã làm nổi bật tầm quan trọng của phương pháp quản lý lo âu căng thẳng; kết nối xã hội; sống có ý nghĩa; hoạt động thể chất và chất lượng giấc ngủ. Sự hiểu biết về những mối tương tác đan xen này phản ánh một cách tiếp cận toàn diện đối với sức khỏe, đồng thời đóng góp vào nguồn kiến thức tổng quan về một cuộc sống được bừng nở hết tiềm năng nhưng vẫn cân bằng và khỏe mạnh.
GS.TS.BS Lê Thị Hợp - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam: Tận dụng giai đoạn vàng để nâng cao thể trạng
Trẻ em lứa tuổi học đường có tốc độ tăng trưởng nhanh với chiều cao trung bình tăng khoảng 6,2 cm/năm. Ở lứa tuổi dậy thì, chiều cao và cân nặng của trẻ đều tăng nhanh, đỉnh tăng trưởng chiều cao là khoảng 10 - 15 cm/năm và mức tăng sẽ giảm dần sau đó. Đỉnh tốc độ tăng trưởng của trẻ gái ở độ tuổi 10 - 12 và của trẻ trai ở độ tuổi 12 - 14.
Dinh dưỡng hợp lý giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần, phòng ngừa nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây và có tác động bền vững đến cả giai đoạn sau này khi trẻ trưởng thành.
Với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, trẻ em lứa tuổi học đường cần được đáp ứng đầy đủ năng lượng tăng dần theo từng độ tuổi. Vitamin và khoáng chất không thể thiếu trong chế độ ăn hằng ngày, giúp trẻ phát triển toàn diện. Trong đó, canxi, phospho, magie… là những chất dinh dưỡng không thể thiếu để hình thành nên hệ xương và răng chắc khỏe.
Sữa tươi và các sản phẩm từ sữa là nguồn cung cấp canxi dồi dào cho trẻ, được Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế đưa vào Khuyến nghị sử dụng sữa và các chế phẩm từ sữa cho người Việt Nam ban hành năm 2016 nhằm cải thiện khẩu phần canxi hằng ngày.
Ngày 2/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1660/QĐ-TTg về Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 nhằm mang đến thay đổi tích cực và toàn diện cho gần 23 triệu học sinh cả nước. Theo đó, dinh dưỡng học đường cũng được xác định là một trong những trụ cột chính của Chương trình.
Dinh dưỡng học đường có vai trò rất quan trọng. Đầu tư vào dinh dưỡng học đường đã và đang là một chiến lược bài bản để cải thiện tầm vóc, thể lực của trẻ trong độ tuổi tiền học đường và học đường, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của quốc gia trong tương lai.
Luật/chính sách hóa các vấn đề về dinh dưỡng học đường tại nước ta là vấn đề cấp thiết, cần có giải pháp bền vững và đồng bộ. Điều này không chỉ giúp chuẩn hóa bữa ăn cho học sinh và quy trình chế biến, tăng cường nhận thức dinh dưỡng lành mạnh để ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe cho thế hệ tương lai, mà còn là căn cứ để quy định cho những người làm công tác dinh dưỡng học đường phải được đào tạo bài bản; đưa kiến thức dinh dưỡng vào các bài học chính khóa; tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong lĩnh vực dinh dưỡng. Bên cạnh đó, việc ban hành hệ thống văn bản quy phạm đồng bộ sẽ tạo điều kiện, môi trường để có chuỗi cung ứng thực phẩm lành mạnh, thúc đẩy việc cung ứng và sản xuất thực phẩm an toàn.
PGS.TS Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế: 6 giải pháp cho dinh dưỡng học đường tại Việt Nam
Việt Nam đang phải đối mặt với một số gánh nặng về dinh dưỡng. Theo đó, tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi là 18,2% (năm 2023) vẫn ở ngưỡng trung bình có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng của Tổ chức Y tế Thế giới, trong đó đặc biệt còn tồn tại vùng trung du và miền núi phía Bắc là 24,8% và Tây Nguyên là 25,9%.
Thứ hai, tình trạng gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì ở các đối tượng. Trong đó phải kể đến là thừa cân, béo phì ở trẻ 5 - 19 tuổi gia tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19,0% vào năm 2020 (tăng hơn gấp đôi sau 10 năm), đặc biệt khu vực thành thị cao gấp đôi nông thôn. Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở người trưởng thành 19 - 65 tuổi tăng từ 12,0% năm 2010 lên 19,6% năm 2020 (tăng 1,6 lần sau 10 năm). Điều này cho thấy các nguy cơ tiềm ẩn về bệnh không lây nhiễm.
Thứ ba, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng đặc biệt là kẽm ở phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai và trẻ dưới 5 tuổi với tỷ lệ tương ứng (49,5%; 63,5% và 58,0%) và rất cao ở khu vực miền núi với tỷ lệ tương tứng (69,8; 83,3% và 70,1%). Tiếp theo là tình trạng thiếu máu, trong đó tỷ lệ này ở phụ nữ có thai là 25,6%, nhưng vùng miền núi rất cao vẫn còn tới 39,0%; và thiếu máu ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi là 32,1% đặc biệt vùng miền núi là 45,3%.
Thứ tư, sự gia tăng của các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng (cao huyết áp, bệnh ung thư, đái tháo đường, tim mạch) do các hành vi thói quen, lối sống không lành mạnh diễn ra trong khoảng thời gian dài gây ra.
Cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng và đặc biệt tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ lứa tuổi học đường rất quan trọng, góp phần cải thiện tầm vóc và kiểm soát sự tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì và các bệnh mạn tính không lây ở người trưởng thành.
Liên quan đến dinh dưỡng học đường, Việt Nam có thuận lợi là nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến dinh dưỡng học đường được ban hành. Tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với vấn đề sức khỏe đã được xã hội, nhà trường và phụ huynh quan tâm. Một số mô hình về bữa ăn học đường, giáo dục dinh dưỡng trong trường học được triển khai, cho thấy tính khả thi, bền vững góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng. Sự quan tâm của các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp trong triển khai phối hợp hoạt động.
Tuy nhiên, vấn đề này tại Việt Nam còn nhiều thách thức. Ngoài gánh nặng kép về dinh dưỡng, thách thức lớn nhất là chưa có luật/chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về dinh dưỡng học đường để đảm bảo hoạt động dinh dưỡng trong trường học được triển khai tổng thể, đồng bộ và hiệu quả. Bữa ăn học đường chưa có sự chuẩn hóa nên việc tổ chức, quản lý, giám sát bữa ăn học đường và công tác chăm sóc dinh dưỡng học đường vẫn còn nhiều hạn chế. Còn tồn tại nhiều rào cản, khó khăn từ cơ sở vật chất, nhân lực, định mức thu, kiến thức và thực hành của người cấp dưỡng, giáo viên, nhân viên y tế.
Xin chia sẻ một số giải pháp cho dinh dưỡng học đường tại Việt Nam như sau:
Thứ nhất, xây dựng các chính sách dinh dưỡng học đường tập trung nội dung: Cơ sở vật chất, nhân lực, đào tạo; tiêu chuẩn bữa ăn học đường; giáo dục dinh dưỡng trong trường học; vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát cung ứng thực phẩm và suất ăn trường học, giáo dục thể chất; môi trường thực phẩm, tiếp thị quảng cáo thực phẩm; theo dõi sức khỏe, tư vấn dinh dưỡng cho trẻ học đường.
Thứ hai, xây dựng mô hình điểm về bữa ăn học đường phù hợp tình hình, kinh tế, xã hội địa phương đảm bảo bữa ăn học đường cân đối, hợp lý; giáo dục dinh dưỡng cho học sinh và gia đình; phối hợp với giáo dục thể chất và đảm bảo cơ sở vật chất, nhân lực, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thứ ba, truyền thông, vận động xã hội các cấp, ban ngành, tổ chức xã hội, nhà trường và gia đình để huy động các nguồn lực xã hội trong xây dựng và triển khai các chính sách, can thiệp về dinh dưỡng học đường, chính sách dinh dưỡng học đường.
Thứ tư, huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ kinh phí tổ chức bữa ăn cho trẻ em, học sinh thuộc hộ nghèo, vùng khó khăn để phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng.
Thứ năm, xây dựng hệ thống giám sát quốc gia về tình trạng dinh dưỡng trẻ em các cấp học để theo dõi tình trạng biến động về dinh dưỡng, có giải pháp can thiệp kịp thời.
Thứ sáu, kiểm soát các công ty cung ứng thực phẩm suất ăn cho trường học (từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông) đảm bảo tiêu chuẩn dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cần nhắc lại chế độ ăn uống những năm niên thiếu có tính dai dẳng, đi cùng trẻ từ tuổi thơ và tạo tiền đề cho thói quen ăn uống trong cả đời. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết của một bộ luật dinh dưỡng học đường. Với những can thiệp dinh dưỡng phù hợp, lợi ích gặt hái được có thể tiết kiệm cho đất nước một khoản ngân sách khổng lồ vốn sẽ bị chi tiêu cho các vấn đề sức khỏe toàn dân và những tổn thất không thể đo đếm về suy giảm năng suất lao động. - PGS.TS Nguyễn Phương Mai
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giai-phap-nao-cho-dinh-duong-hoc-duong-post710400.html