Giải pháp nào đảm bảo điện cho miền Bắc trong dài hạn?

Đã khôi phục được 1.000 MW công suất đi vào vận hành góp phần cải thiện được nguy cơ thiếu điện, tuy nhiên miền Bắc vẫn cần các giải pháp cung ứng đủ điện trong dài hạn.

Xử lý trong ngắn hạn

Thông tin từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), ngày 10/6 đã khắc phục được sự cố của ba tổ máy nhiệt điện tại (Quảng Ninh, Nghi Sơn 1, Thái Bình 2 đã góp phần hỗ trợ thêm 1.000 MW công suất điện cho khu vực miền Bắc.

Tuy nhiên, với cảnh báo hiện tượng El Nino có nguy cơ ảnh hưởng nặng nề, nguồn nước ở các hồ thủy điện về dưới mực nước chết, các tổ máy nhiệt điện liên tục gặp sự cố vì quá tải. Vừa qua tại các tỉnh, thành miền Bắc, cắt điện không chỉ có 2-3 tiếng mà có nhiều địa phương cắt từ nửa ngày đến cả ngày, hoặc cả đêm, thậm chí không đủ điện phục vụ cho sản xuất như một số nơi ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng….

Đại diện một số doanh nghiệp sản xuất cho biết, mặc dù nguồn điện tăng nhưng trước dự báo sắp tới vẫn còn nhiều đợt nắng nóng gay gắt thì người dân vẫn nên sử dụng điện tiết kiệm và Bộ Công Thương cũng cần có biện pháp lâu dài cho khả năng cung điện ổn định tại khu vực miền Bắc, giảm tối đa sự cố mất điện nhằm đảm bảo đủ điện phục vụ cho nhu cầu kinh doanh sản xuất.

Vậy vấn đề; Giải pháp nào để đảm bảo cung ứng điện cho miền Bắc? đang được các chuyên gia và doanh nghiệp quan tâm đưa ra nguyên nhân và phương án khắc phục.

Chuyển điện năng lượng tái tạo từ miền Nam, miền Trung ra miền Bắc để đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao ở miền Bắc

Chuyển điện năng lượng tái tạo từ miền Nam, miền Trung ra miền Bắc để đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao ở miền Bắc

Thông tin về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Trung - Phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết toàn hệ thống có công suất là 29.500 MW, gồm thủy điện là 9.700 MW, thủy điện nhỏ 3.300 MW. Như vậy, công suất thực tế huy động được tại miền Bắc chỉ vào khoảng 16.000 MW, trong khi nhu cầu tiêu dùng trong thời điểm nắng nóng có thể lên tới 19.000 MW. Năm nay ảnh hưởng do thời tiết cực đoan và việc huy động sản lượng công suất từ thủy điện, nhiệt điện giảm, nên chúng ta phải tính đến nhiều phương án để khắc phục.

Một trong các giải pháp khác cũng tính tới là chuyển điện từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc. Thông thường, công suất truyền tải trên đường dây là 2.400 MW, nhưng trong ngắn hạn đã tăng lên 2.500 MW, nhưng đây là mức tương đối khó khăn trong vận hành hệ thống điện” - ông Trung cho biết.

Lý giải về nguyên nhân này, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung nhận định, miền Bắc với 10 năm nay có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, kéo theo nhu cầu về điện tăng trong khi không có nguồn nào được bổ sung. Thiếu điện do nguyên nhân nắng nóng và hạn hán kéo dài, nhưng không phải chúng ta không dự báo từ trước. Thế nhưng trong tình thế này chúng ta không có nguồn mới và không có nguồn dự phòng, nên buộc phải huy động theo kiểu “giật gấu vá vai” trong khi điện dư thừa ở miền Trung và Nam, nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn khi chuyển ra miền Bắc do hạn chế công suất đường truyền tải.

Thứ hai, muốn thúc đẩy các dự án đã có chủ trương đầu tư, như nhiều dự án đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện 7 và Quy hoạch điện 7 điều chỉnh nhưng chưa hoàn thành do thiếu chính sách.

Cũng theo chuyên gia kinh tế này, chúng ta chưa hành động quyết liệt. Bên cạnh đó nguyên nhân sâu xa hơn nữa là hệ thống của chúng ta không phản ứng. Mặc dù là biết trước, đã có dự báo sẽ thiếu điện vào năm 2023 cho phát triển kinh tế - xã hội, thế nhưng chúng ta không hành động. "Trong kinh tế thị trường, nhìn thấy nguy cơ thiếu hụt chúng ta phải biến nó thành cơ hội đầu tư, cơ hội kinh doanh, cơ hội phát triển chứ không phải là “nút thắt” để kìm hãm sự phát triển. Do đó chúng ta phải thay đổi cách làm chính sách, vận hành chính sách linh hoạt, và giải quyết được vấn đề theo cơ chế thị trường, phải cần hành động...... nếu khó quá để cho các doanh nghiệp tư nhân làm, họ triển khai rất nhanh…” - TS Trần Đình Cung nhấn mạnh.

Tìm giải pháp cho dài hạn

80MW được xây dựng từ các khối pin Lithium-ion Tesla Powerpack 2 thương mại, tại California (Ảnh: Tesla)

80MW được xây dựng từ các khối pin Lithium-ion Tesla Powerpack 2 thương mại, tại California (Ảnh: Tesla)

Đề cập khả năng truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN cho biết: Hệ thống điện của chúng ta rất mạnh, nhưng chủ yếu là năng lượng tái tạo, tập trung ở miền Nam, Trung Bộ, cho nên sự phân bổ công suất không đều, gây khó khăn cho hệ thống truyền tải.

Về hệ thống truyền tải Việt Nam sở hữu, vận hành là lớn nhất Đông Nam Á. Với hệ thống lưới truyền tải Bắc - Nam, chúng ta đã có 2 đường dây 500kV mạch 1 và mạch 2 và đã xây dựng mạch 3 từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đi vào phía Nam. Ngoài ra, tổng sơ đồ Quy hoạch điện VIII đã đặt ra kế hoạch làm đường dây 500kV mạch 3 từ Hà Tĩnh trở ra miền Bắc kết nối đến Hưng Yên để khép kín mạch vòng trên, thời gian thực hiện từ nay đến năm 2030.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia Việt Nam cần nguồn tài chính để đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống truyền tải. Ngoài ra, cần sớm có các quy định, hướng dẫn để áp dụng, luật hóa cho việc xã hội hóa đầu tư đường truyền tải, song song với đó là tận dụng các nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để phát triển hệ thống lưới điện thông minh theo như mục tiêu của Quy hoạch điện VIII.

Trước tình hình trên, chuyên gia Phan Công Tiến cho biết để đảm bảo an ninh năng lượng cho dài hạn, Việt Nam cần sớm có hướng dẫn cho lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với mô hình tự dùng để bổ sung thêm công suất cho nhu cầu phụ tải đang tăng cao ở miền Bắc. Khuyến khích đầu tư, sử dụng năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh sản xuất, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc các nguồn nguyên liệu hóa thạch trong phát điện.

Đưa ra giải pháp tận dụng được nguồn năng lượng tái tạo ở khu vực miền Bắc, theo nhóm chuyên gia Nghiên cứu chính sách chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIETSE), chúng ta cần vận hành linh hoạt hệ thống điện, Đặc biệt đối với hệ thống điện Việt Nam, hướng đến nâng cao tỷ trọng sản lượng điện năng lượng tái tạo bao gồm thủy điện lên đến từ 30-39% trong tổng lượng điện thương mại. Bối cảnh này đòi hỏi áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới và cũng sẽ hình thành các dịch vụ mới nhằm hỗ trợ công tác vận hành hệ thống điện.

Trong đó cần đánh giá nhu cầu lưu trữ năng lượng và dự báo giá điện sản xuất kinh doanh sẽ là những tín hiệu quan trọng. Để làm được điều này, Việt Nam cần huy động tất cả các nguồn lực linh hoạt của mình: tăng giảm các nhà máy điện hiện có, định hình nhu cầu, lưới điện và lưu trữ. Theo đó nhóm chuyên gia nghiên cứu kiến nghị cần đặt 2000 MW các bộ lưu trữ điện tại miền Bắc để giảm ảnh hượng việc thiếu nguồn tại khu vực này. Đồng thời tiến hành lắp đặt các bộ lưu trữ điện còn lại tại các khu vực tập trung cao các nguồn năng lượng tái tạo, cụ thể là đặt 1000 MW tại khu vực Bắc Trung Bộ và 1500 MW tại khu vực Tây Nguyên.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/giai-phap-nao-dam-bao-dien-cho-mien-bac-trong-dai-han-686988.html