Giải pháp nào để hiện thực hóa mục tiêu Net Zero vào năm 2050?

Net Zero 2050 không phải mục tiêu đặt ra cho có, mà cấp bách và cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để hiện thực hóa, bởi 25 năm là thời gian không còn dài.

Cấp bách thức hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050

Ngày 10/9, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam năm 2024.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam năm 2024 (Ảnh: NH)

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam năm 2024 (Ảnh: NH)

Phát biểu tại Hội thảo chuyên đề "Thúc đẩy quản trị bền vững và tạo tác động xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp" diễn ra vào sáng 10/9 trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2024 , ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) cho biết: Năm 2024 là năm thứ 11 VBCSD tổ chức diễn đàn. Đây là một trong những sáng kiến bền bỉ và thành công của VBCSD, là hơi thở của doanh nghiệp tiên phong trong phát triển bền vững, lan tỏa hành động tốt vì sự phát triển bền vững.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Quang Vinh, những nội dung được thảo luận tại các kỳ Diễn đàn phát triển bền vững đã tiếng nói quan trọng trong tham mưu Chính phủ vào triển khai các hoạt động phát triển bền vững tại Việt Nam. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững, sáng kiến truy xuất nguồn gốc trong nông nghiệp đã được khởi xướng và hiện nay đã trở thành hơi thở trong hoạt động của doanh nghiệp.

Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững cho biết, Diễn đàn năm nay tổ chức đúng vào thời điểm các tỉnh khu vực Bắc Bộ mới trải qua những ngày giông bão theo đúng nghĩa đen khi mà siêu bão Yagi quét qua một loạt các tỉnh thành trong khu vực, trong đó có Hà Nội, gây ra những thiệt hại đặc biệt nặng nề về con người và cơ sở vật chất. Đây là tác động của biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính do chính con người gây ra.

“Nếu chúng ta không hành động để giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính, Trái đất sẽ tiếp tục nóng lên và chính chúng ta sẽ gánh chịu mọi tổn thất nặng nề hơn trong một tương lai không xa” – ông Nguyễn Quang Vinh khẳng định và cho rằng: Mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 và tiến đến phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 là điều cần phải thực hiện, đó là câu chuyện sát sườn với tất cả quốc gia, nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

“Net Zero 2050 không hề là một mục tiêu đặt ra cho có, mà ngược lại rất cấp bách và cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để có thể hiện thực hóa, bởi 25 năm không còn dài” – ông Nguyễn Quang Vinh thông tin và cho rằng: “Bồi đắp niềm tin – Kiến tạo chuyển đổi” là những động lực quan trọng để Việt Nam đi đến đích. Đây cũng là thông điệp quan trọng của Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam năm 2024 năm thứ 11.

Các diễn giả thảo luận tại hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ diễn đàn (Ảnh: NH)

Các diễn giả thảo luận tại hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ diễn đàn (Ảnh: NH)

Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp

Theo đại diện VCCI, trên hành trình hướng tới Net Zero 2050 hay xây dựng một tương lai bền vững cho tất cả nhân loại, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững đã được khẳng định là đặc biệt quan trọng. Và ngược lại, thúc đẩy phát triển bền vững, doanh nghiệp sẽ đảm bảo được giấy phép kinh doanh (business license), kế hoạch kinh doanh liên tục (business continuity plan), nâng cao uy tín thương hiệu, từ đó đảm bảo tăng trưởng dài hạn cho chính doanh nghiệp.

Xây dựng chiến lược, thực hành, đánh giá theo khung Môi trường – Quản trị - Xã hội (ESG) trong phát triển bền vững doanh nghiệp đã, đang nhận được nhiều sự quan tâm và tích cực triển khai từ nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, theo phân tích của Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh: Từ khía cạnh doanh nghiệp, khi nhắc đến Net Zero, giảm phát thải khí nhà kính, chắc hẳn sẽ có nhiều doanh nghiệp nghĩ điều này chủ yếu liên quan đến khía cạnh môi trường, đến những hoạt động sản xuất-kinh doanh tạo ra khí thải, chỉ cần tập trung vào thay đổi công nghệ sản xuất, dây chuyền máy móc, tiêu hao bớt lượng năng lượng và khí thải tạo ra.

Tuy nhiên, khi nhìn vào “chiếc kiềng ba chân” ESG, chúng ta thấy rõ để phát triển bền vững doanh nghiệp, từ đó đóng góp cho mục tiêu Net Zero, doanh nghiệp không thể bỏ qua hai thành tố: “quản trị công ty” (G) và nguồn vốn con người (S).

Nhắc đến quản trị công ty, sự cam kết và tham gia tích cực của Hội đồng quản trị, lãnh đạo cấp cao trong doanh nghiệp từ khâu xây dựng chiến lược đến lan tỏa và thực hành là yếu tố cốt lõi quyết định thành công của chiến lược phát triển bền vững doanh nghiệp. Hay nhắc đến nguồn vốn con người, ở khía cạnh nội bộ doanh nghiệp – đó sẽ là những yếu tố về lãnh đạo, đội ngũ, văn hóa doanh nghiệp; ở khía cạnh bên ngoài doanh nghiệp – cần quan tâm đến việc tạo tác động xã hội tích cực bền vững như đóng góp xây dựng lực lượng lao động xanh, tạo sinh kế bền vững cho nhóm yếu thế, hay thúc đẩy quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Đặt con người vào trung tâm của chiến lược phát triển bền vững là điều mà mọi doanh nghiệp muốn phát triển bền vững cần ghi nhớ.

Để hỗ trợ và thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thực hành quản trị doanh nghiệp bền vững hiệu quả hơn, tiết kiệm nguồn lực hơn, VCCI, với hạt nhân là VBCSD, đã phối hợp với các chuyên gia hàng đầu xây dựng và giới thiệu Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI). Bộ chỉ số CSI cũng được sử dụng làm căn cứ đánh giá mức độ phát triển bền vững của các doanh nghiệp tham gia Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam do VCCI tổ chức thường niên từ năm 2016 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Bước sang năm thứ 9, Chương trình CSI năm nay tiếp tục có sự phối hợp của Ban Kinh tế trung ương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Dự kiến cuối tháng 11 tới đây, VCCI sẽ tiếp tục vinh danh Top 100 doanh nghiệp bền vững 2024.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/giai-phap-nao-de-hien-thuc-hoa-muc-tieu-net-zero-vao-nam-2050-344799.html