Giải pháp nào để hoàn thành NMNĐ Thái Bình 2?
Có rất nhiều câu hỏi đang được đặt ra về Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (NMNĐ TB2) như thực trạng của dự án, những vướng mắc về cơ chế pháp lý, đặc biệt là giải pháp cấp bách nào để hoàn thành nhà máy trong thời gian nhanh nhất.
Dự án NMNĐ Thái Bình 2 là dự án trọng điểm quốc gia thuộc Trung tâm Điện lực Thái Bình. Đến nay, tiến độ đạt trên 85%. Giá trị thực hiện đạt khoảng 35 nghìn tỷ VNĐ. Dự án đã chạy thử thành công các hạng mục như Lò hơi phụ, khí nén, hệ thống xử lý nước, đóng điện vào nhà Điều khiển Trung tâm, đã vận hành SPP 200kV… Nếu đối với một dự án xây dựng nguồn điện thông thường thì chắn chắn đã chuẩn bị sẵn sàng vào giai đoạn hoàn thành để phát điện cho hệ thống. Tuy nhiên đối với NMNĐ Thái Bình 2 thì vẫn còn nhiều khó khăn đòi hỏi các bên phải nỗ lực vượt qua.
Trước tiên, phải khẳng định rằng đối với dự án khá đặc biệt này, Lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã có ý kiến, Thường trực Chính phủ đã kết luận (Thông báo số 42/TB-VPCP ngày 25/3/2020) để PVN tiếp tục hoàn thành dự án và sử dụng vốn chủ sở hữu để giải ngân, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã có văn bản chính thức cho phép PVN được sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu trên cơ sở đảm bảo đúng mục đích, đạt hiệu quả theo quy định của pháp luật để đưa Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 vào vận hành. Được biết, Chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam còn thuê cả đơn vị tư vấn độc lập tính toán các kịch bản. Kết quả cho thấy dự án vẫn có khả năng thu hồi vốn và đạt hiệu quả kinh tế.
Như vậy, có thể khẳng định rằng mục tiêu cuối cùng là phải hoàn thành dự án sớm nhất có thể.
Để thực hiện mục tiêu trên, các yêu cầu đặt ra là phải tuân thủ pháp luật, an toàn, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, không vượt Tổng mức đầu tư (TMĐT) được phê duyệt… Đây đều là những thách thức rất lớn trong bối cảnh hiện nay của dự án.
Thứ nhất, về cơ chế thực hiện. Dự án được triển khai theo cơ chế 2414 (Quyết định số 2414 của Thủ tướng Chính phủ về các dự án nguồn điện cấp bách) từ năm 2014 và giải ngân theo giá trị tạm xác định trên cơ sở TMĐT điều chỉnh (lần 2) được các Bộ Công Thương, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính thẩm định, và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Mặc dù được áp dụng các cơ chế đặc thù theo QĐ 2414 nhưng là dự án được bổ sung trong khi đang dở dang nên chưa có hành lang pháp lý hướng dẫn thực hiện chuyển tiếp. Nhiều vấn đề phải chờ xin chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện của các cấp có thẩm quyền. Đặc biệt là nhiều nội dung pháp lý được các cơ quan khác nhau có cách hiểu khác nhau, dẫn đến khó vận dụng, nhiều rủi ro trong cả khâu tham mưu và khâu ra quyết định.
Thứ hai là về vấn đề chi phí triển khai dự án, do TMĐT của Dự án thiếu, giá trị hợp đồng EPC thấp. Mặc dù đã được điều chỉnh nhưng so với mặt bằng giá các dự án khác vẫn thấp. Hiện dự án đang đối mặt với các phát sinh nếu tiếp tục kéo dài tiến độ như lãi vay, bảo hiểm, tỷ giá, chi phí QLDA, bảo dưỡng & bảo hành thiết bị. Ước tính các phát sinh, tổn thất khoảng 12,2 tỷ đồng/ngày (gồm phát sinh trực tiếp là 2,6 tỷ/ngày và tổn thất gián tiếp là 9.6 tỷ/ngày) chưa kể chi phí nguyên nhiên liệu, điện; chi phí sửa chữa, thay thế vật tư, thiết bị do hỏng hóc (nếu có).
Về chất lượng thiết bị, theo kết luận của HĐNTNN, kết quả kiểm tra của các chuyên gia nước ngoài thì thiết bị tại dự án được bảo quản đảm bảo chất lượng. Đoàn kiểm tra kỹ thuật từ Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (có cấu hình tương tự) cũng đánh giá tốt, rất khả quan để chạy thử, vận hành. Tuy nhiên, thời hạn bảo hành sắp hết hạn, thiết bị đã được lắp đặt trong thời gian dài trong lúc khả năng bảo quản, bảo dưỡng hạn chế của Tổng thầu vẫn tiềm ẩn nguy cơ tại dự án.
Đặc biệt, dự án đang phải đối mặt với việc nguồn nhân lực đang thiếu hụt. Nhiều cán bộ có trình độ cao đã chuyển đi làm việc nơi khác có thu nhập tốt hơn, “an toàn” hơn. Từ năm 2018 đến nay, trên 50 cán bộ Ban QLDA đã xin chuyển công tác, còn tại Ban Điều hành PVC số lượng cán bộ chuyên viên chuyển việc lại càng cao hơn. Đáng lo ngại nhất là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến việc huy động chuyên gia vận hành quốc tế, cung cấp vật tư, tổ chức thi công các hạng mục dang dở... gặp nhiều khó khăn, chậm trễ khiến tăng chi phí và kéo dài tiến độ.
Từ thực tiễn nêu trên, theo thông tin từ Ban QLDA Nhiệt Điện Dầu khí Thái Bình 2 vẫn phải duy trì các công việc cấp thiết vừa tiếp tục báo cáo, chờ đợi các hướng dẫn để tháo gỡ về các vướng mắc như duy trì Tổng thầu EPC, áp dụng cơ chế 2414, tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2, giá hợp đồng EPC để làm cơ sở thực hiện. Trước hết phải thống nhất cách hiểu, cách áp dụng cho dự án; có các hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn, khai phóng LLSX - các yếu tố tạo nên nguồn lực - đang bị hạn chế đối với Dự án. Đặc biệt, có cơ chế phòng ngừa rủi ro, bảo vệ pháp lý cho đội ngũ những người thực hiện.
Trong khi đó, Ban QLDA cùng tổng thầu tiếp tục rà soát tổng thể giá trị khối lượng hoàn thành, khối lượng thi công còn lại; tiết giảm chi phí, bố trí vốn, quản lý dòng tiền. Đồng thời xem xét cắt giảm, giãn đầu tư một số hạng mục như cảng dầu, hệ thống cấp dầu từ cảng vào bồn chứa, khu nhà chung tại công trường... Xử lý các khoản dự kiến phát sinh lớn như lãi vay, chi phí chạy thử, chuẩn bị sản xuất, quản lý dự án.
Về tổ chức thực hiện, đối với nguồn nhân lực, cần duy trì, bổ sung cán bộ có kinh nghiệm, giỏi chuyên môn. Xây dựng lực lượng nhân sự đáp ứng cho cả giai đoạn thi công, chạy thử và chuẩn bị sản xuất, tiếp quản vận hành; Rà soát các quy định, thực hiện phân cấp; giảm bớt các khâu trung gian; rút ngắn thủ tục trình, duyệt; Cắt giảm các công việc PVC không thể hoàn thành.
Trong nhóm giải pháp cấp bách tại dự án, đáng chú ý là việc Ban QLDA Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2 và các nhà thầu đã hoàn thiện và triển khai kế hoạch ứng phó với việc dịch bệnh COVID-19. Theo đó, phân loại công việc, ứng dụng các giải pháp công nghệ để làm việc trực tuyến, giảm thiểu huy động chuyên gia, tiết giảm chi phí. Hiện nay Ban QLDA đang xem xét áp dụng giải pháp công nghệ tích hợp trực tuyến cho công tác chạy thử.
Có thể khẳng định rằng, việc đưa NMNĐ Thái Bình 2 nhanh chóng vào phát điện là nhiệm vụ cấp bách đối với an ninh năng lượng quốc gia nhưng để các giải pháp có hiệu quả trong thực tiễn để phục vụ mục tiêu trên vẫn đang rất cần sự quan tâm, tháo gỡ kịp thời từ các cấp thẩm quyền.