Giải pháp nào để nâng cao giá trị cây sắn Việt Nam?

Hiện nay, sắn là một trong số những mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu có kim ngạch hàng năm trên 1 tỷ USD của nước ta. Tuy vậy, tiềm năng gia tăng giá trị của ngành hàng này vẫn còn rất lớn.

Nhằm tìm giải pháp nâng cao giá trị cây sắn, hôm nay (8/4), tại thành phố Pleiku, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị Thực trạng và định hướng phát triển sắn tại Việt Nam.

Hiện nay, nước ta có trên 528.000 ha sắn, trồng chủ yếu tại trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung nộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Năm 2021, sản lượng sắn cả nước đạt gần 10,7 triệu tấn, trong đó có 2,9 triệu tấn được xuất khẩu, kim ngạch gần 1,2 tỷ USD. Nước ta hiện là quốc gia có sản lượng sắn đứng thứ 3 và xếp thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu trên thế giới. Trong nước, hiện có 120 nhà máy tinh bột sắn với công suất chế biến trên 8,6 triệu tấn củ tươi/ năm.

Giống sắn mới KM94 cho năng suất từ 30 đến 40 tấn sắn/ ha đang được nông dân huyện Krông Pa (Gia Lai) canh tác. Ảnh: Tuấn Anh- Báo Nông nghiệp Việt Nam

Giống sắn mới KM94 cho năng suất từ 30 đến 40 tấn sắn/ ha đang được nông dân huyện Krông Pa (Gia Lai) canh tác. Ảnh: Tuấn Anh- Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động sản xuất và chế biến sắn ở nước ta còn nhiều hạn chế như: liên kết sản xuất lỏng lẻo, công nghệ chế biến ở mức trung bình, chủ yếu là sản phẩm thô, ít sản phẩm chế biến sâu; các hệ thống xử lý chất thải từ nhà máy chế biến chưa đạt hiệu quả cao về bảo vệ môi trường; hoạt động xuất khẩu sắn còn trải qua nhiều khâu trung gian, chi phí logistic cao.

Bà Bùi Thị Quy - Giám đốc tài chính Công ty TNHH Thương mại chế biến Nông lâm sản- đường Vạn Phát (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) cho biết: “Hiện nay, bất cập nhất là chúng tôi lệ thuộc 95% vào thị trường tiêu thụ của Trung Quốc, khi vào vụ thì giá thấp xuống, rất khó phát triển kinh tế. Hiện nay là điều kiện tốt để có thể xuất khẩu sang châu Âu. Chúng tôi mong muốn rằng, cây cầu nối là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương nhân rộng cửa này để chúng tôi được tham gia”.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, thời gian tới, các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tăng cường nghiên cứu các giống sắn mới năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh. Thứ trưởng đề nghị các địa phương và doanh nghiệp tăng cường tổ chức sản xuất theo hướng giảm chi phí, tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm; đổi mới công nghệ, đẩy mạnh chế biến sâu, bảo vệ môi trường và liên kết sản xuất bền vững.

“Điều rất quan trọng là sự liên kết, tổ chức lại sản xuất. Hiện nay, nhà máy ở đó, nhưng rất lỏng lẻo liên kết và hỗ trợ người dân vùng nguyên liệu. Tới đây, vai trò của Hiệp hội Sắn Việt Nam và các doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa, cần chung sức với bà con nông dân từ tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật trồng, liên kết từ đầu trong tổ chức sản xuất, rồi thu mua thế nào để lợi ích hài hòa giữa nhà máy, địa phương và bà con nông dân” - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói./.

Nguyễn Thảo/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/giai-phap-nao-de-nang-cao-gia-tri-cay-san-viet-nam-post935883.vov