Giải pháp nào để sản phẩm Việt vào thị trường tốt hơn?
Sản phẩm thương hiệu Việt, nhất là chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm'(OCOP) tại các tỉnh, thành đang ngày càng được chuẩn hóa với mẫu mã, hình thức và chất lượng tốt hơn, thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để đưa các sản phẩm hiện diện nhiều hơn trên hệ thống siêu thị, nhà phân phối cho rằng, cần có sự cạnh tranh bình đẳng và tính ổn định cao.
Hàng Việt trong siêu thị chiếm tỷ lệ cao
Riêng địa bàn Hà Nội, qua khảo sát một số siêu thị như Co.opmart, Winmart, Hapro… cho thấy, hàng Việt đang chiếm tỷ lệ áp đảo với 90 - 95%. Còn tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài như AEON, Mega Market, Big C, hàng Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ từ 60 - 96%. Ngoài ra, tại kênh phân phối là các chợ, các cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng từ 60% trở lên. Điều này cho thấy, hiện tại, hàng Việt Nam đã trở thành lựa chọn không thể thiếu của người tiêu dùng Việt.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, các sản phẩm OCOP của các địa phương cũng đã bước đầu chinh phục người tiêu dùng với mẫu mã, chất lượng ngày một tốt hơn và một số sản phẩm đã lên kệ được một số hệ thống phân phối, siêu thị. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng các chủ thể OCOP tiếp cận được các nhà phân phối còn khá khiêm tốn, nhất là việc tiếp cận với hệ thống phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất chế biến và thương mại Hà Trung - đơn vị sản xuất bò một nắng nổi tiếng của Phú Yên cho biết, qua các cuộc kết nối giao thương, công ty cũng đã giới thiệu và kết nối được với các nhà phân phối lớn trên cả nước, vào được các hệ thống bán lẻ lớn trên toàn quốc để tiếp cận được nhiều người tiêu dùng hơn.
Theo bà Hà, để các nhà phân phối chấp nhận đưa hàng lên kệ, doanh nghiệp đã phải nỗ lực rất nhiều trong việc hoàn thiện quy trình sản xuất, chất lượng nguồn hàng phải đảm bảo và ổn định, mẫu mã bắt mắt, chuyên nghiệp, cùng với đó giá thành cũng phải rất cạnh tranh để mang lại giá tối ưu cho người tiêu dùng. Trên thực tế, trong “cuộc đua” chạy vào siêu thị, doanh nghiệp cũng chịu khá nhiều áp lực, bởi để đưa được hàng vào một số siêu thị, nhiều nơi đòi hỏi đưa giá lên cao và chiết khấu lại cho siêu thị khá lớn. Trong khi nhà sản xuất luôn muốn sản xuất hàng thật với chi phí và giá thành hợp lý nhất, nếu muốn chiết khấu cao cho hệ thống phân phối, vô hình trung đẩy giá cao đến tay người tiêu dùng, gây khó cho cả doanh nghiệp và thiệt hại cho người tiêu dùng. Do vậy, doanh nghiệp sản xuất và các chủ thể OCOP đều rất mong muốn có một cuộc cạnh tranh công bằng giữa các sản phẩm có chất lượng thực sự trong nước đến được tay người tiêu dùng với mức giá thành hợp lý, nhất là qua các kênh phân phối.
Nhiều giải pháp hỗ trợ
Dưới góc độ nhà phân phối, bà Nguyễn Thị Mai Phương, đại diện nhà phân phối Central Retail cho biết, sản phẩm OCOP được ưu tiên các vị trí trưng bày tốt trong siêu thị, và được miễn phí thuê quầy kệ. Tuy nhiên, đối với các sản phẩm này, khó khăn nhất chính là câu chuyện logistic. Các sản phẩm sẽ xuất hiện trên trang điện tử của toàn bộ hệ thống Central Retail với mức giá giống nhau. Tuy nhiên, câu chuyện để mức giá giống nhau với các sản phẩm đến từ các địa phương trên cả nước là khó khả thi. Chính vì thế, thời gian tới, nhà nước và các cơ quan quản lý cần có biện pháp hỗ trợ về chi phí để các sản phẩm OCOP của cả nước có thể đến được tới tay của người tiêu dùng với mức giá phù hợp.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tổ chức rất nhiều chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm vùng miền, đặc biệt là sản phẩm OCOP. Qua các chương trình, các chủ thể, nhà cung ứng đã trao đổi, kết nối với các nhà phân phối trong và ngoài nước, hệ thống siêu thị thậm chí là các nhà nhập khẩu, một số chủ thể OCOP đã tiếp cận được và ký kết để đưa hàng hóa vào kênh phân phối. Tuy nhiên, thực tế cũng có những điểm khó là các siêu thị khi nhập hàng hay các nhà phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài khi nhập hàng đòi hỏi một số lượng lớn, tiêu chuẩn đảm bảo, ổn định, giá thành cạnh tranh. Nhưng đa phần các chủ thể OCOP kinh tế quy mô nhỏ và rất nhỏ, tạo ra khối lượng hay quy mô sản phẩm không mang tính thương mại, không đạt được quy mô thương mại quốc tế.
Ông Vũ Bá Phú cho rằng, bên cạnh các kênh truyền thống, thông qua hoạt động thương mại điện tử thì chủ thể OCOP có thể đưa sản phẩm của mình đi xa và đi rộng, đồng thời tiết kiệm được chi phí. Đặc biệt quan trọng, thông qua thương mại điện tử, các sản phẩm OCOP được bán dưới dạng chính thương hiệu của mình, thương hiệu của gia đình, hợp tác xã. Còn như nếu đưa vào hệ thống siêu thị thì phải bán dưới thương hiệu của nhà phân phối. Đặc biệt, công tác thông tin thị trường rất quan trọng. Cần đẩy mạnh để cung cấp cho các chủ thể OCOP tiếp cận được thị trường và đáp ứng nhu cầu thị trường một cách tốt nhất.
Để tiếp tục hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền về cuộc vận động và các nội dung “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”. Việc này nhằm quảng bá cho hàng Việt có chất lượng và doanh nghiệp Việt Nam uy tín, sản xuất xanh, áp dụng truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm, Qua đó, khuyến khích doanh nghiệp trong nước tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, mở rộng kênh phân phối hàng Việt nhằm nâng cao nhận thức về thói quen và hành vi tiêu dùng.