Giải pháp nào để vốn ngân hàng và doanh nghiệp nhỏ và vừa 'gặp được nhau'?
Phương án kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa rất yếu, phương án kinh doanh mới không có. Ngân hàng vì thế không có cơ sở để cho vay mới…
Đi tìm “nút thắt”
Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Gỡ nút thắt về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” diễn ra mới đây, bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (HANOISME) thừa nhận bản chất doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) yếu và thiếu nhiều mặt như: Vốn, năng lực quản trị, điều hành, kinh nghiệm.
Theo bà Ngân, từ nhiều năm nay việc doanh nghiệp muốn vay tiền, ngân hàng muốn cho vay nhưng để song hành lại là bài toán cực kỳ khó khăn, nan giải. Bà Ngân nêu thực trạng, doanh nghiệp luôn kêu khó tiếp cận ngân hàng, trong khi ngân hàng nói rằng lúc nào cũng thoải mái để cho vay.
“Giai đoạn vừa qua có rất nhiều rủi ro nên ngân hàng phải chặt chẽ hơn trong thủ tục, sâu sát hơn đối với nội tại của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề thủ tục có những chỗ cần nới, có những chỗ cần chặt chứ không phải cái gì cũng chặt quá” - bà Ngân nêu quan điểm.
Mặt khác, đại diện HANOISME cũng thẳng thắn nhìn nhận, các doanh nghiệp đừng đổ cho ngân hàng khó. Ngân hàng huy động vốn để cho vay, việc khó hay không là do doanh nghiệp chứ không phải do ngân hàng.
Theo bà Ngân, nút thắt khiến doanh nghiệp SME và ngân hàng chưa gặp được nhau đầu tiên từ phía doanh nghiệp. Nếu muốn gỡ là phải do doanh nghiệp, khi doanh nghiệp có nhu cầu, có phương án sản xuất kinh doanh tốt thì chắc chắn ngân hàng sẽ tiếp cận. Còn về phía ngân hàng cần gỡ thủ tục hành chính và phải có cái nhìn khách quan hơn cho doanh nghiệp.
Ông Trần Anh Quý, Trưởng phòng Tín dụng chính sách Nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho biết, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp SME còn nhiều nút thắt. Ngân hàng Nhà nước nhận thức rõ ràng và phân loại ra 2 loại khó khăn:
Thứ nhất là khó khăn về vấn đề tài chính, áp lực trả nợ ngân hàng. Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện giải pháp cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và đặc biệt là không chuyển nhóm nợ, giữ nguyên nhóm nợ, là giải pháp giữ minh bạch về tài chính cho doanh nghiệp.
Khó khăn thứ hai là nhiều doanh nghiệp SME có phương án kinh doanh rất yếu, thậm chí không có. Ngân hàng vì thế không có cơ sở để cho vay mới. Tức là điều kiện cơ bản để vay vốn chưa có. Ngân hàng không thể cho khách hàng cầm tiền để “thích làm gì thì làm”.
“Trong điều kiện quản lý khoản vay cũng như điều kiện quản lý minh bạch rất cao, nhất là khi ngân hàng đang áp dụng chuyển đổi số và có nhiều quy định quản trị rủi ro, quản trị điều hành theo tiêu chuẩn quốc tế Base II, các ngân hàng không dám cho vay mạo hiểm” - ông Quý nêu quan điểm.
Đồng thời ông Quý khẳng định: “Doanh nghiệp phải nhìn nhận lại quá trình sản xuất kinh doanh của mình, rộng hơn là thị trường, phương án kinh doanh khả thi không, đem lại khả năng phục hồi không. Nếu tốt, tôi cam đoan ngân hàng rất sẵn sàng tài trợ đầy đủ nhu cầu vốn cho doanh nghiệp thực hiện phương án sản xuất kinh doanh ấy”.
Nhận định về “nút thắt” vốn hiện tại của doanh nghiệp SME, ông Ngô Bình Nguyên, Giám đốc Khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chia sẻ vẫn là phương án kinh doanh hiệu quả.
Doanh nghiệp cần phải xác định, nếu đưa ra một sản phẩm hoặc một dịch vụ cho khách hàng thì sẽ giải quyết vấn đề gì của khách hàng.
Tiếp đó, khi đã định vị được giá trị về sản phẩm, dịch vụ của mình, giải quyết vấn đề của khách hàng thì doanh nghiệp phải làm sao để kiếm tiền trên những sản phẩm, dịch vụ đó. Tức là doanh nghiệp phải có phương án tài chính, mô hình tài chính để phát triển được các sản phẩm, dịch vụ đem lại được doanh thu, lợi nhuận,… đó chính là phương án kinh doanh.
“Về các rào cản pháp lý, có rất nhiều ngành nghề hiện đang đòi hỏi tính pháp lý chặt chẽ và khi doanh nghiệp SME tham gia các sân chơi đó, họ cần có những am hiểu rõ để quản trị được chính rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp và đáp ứng được yêu cầu về pháp lý khi giao dịch tín dụng với ngân hàng” - ông Nguyên cho hay.
Hạn chế tiếp theo đại diện OCB đưa ra là về tài sản đảm bảo. Hiện nay, ở thị trường Việt Nam, các giao dịch về quản trị dòng tiền, tài chính của doanh nghiệp SME vẫn bị lẫn lộn giữa câu chuyện tài chính của doanh nghiệp và tài chính cá nhân. Chủ doanh nghiệp có thể dùng dòng tiền của doanh nghiệp để phục vụ cho một số hoạt động cá nhân và ngược lại.
“Vậy nên sự không minh bạch đó nếu tiếp tục bị lẫn lộn, dẫn đến không thấy được bức tranh thực tế của doanh nghiệp sẽ tạo ra điểm mờ và có thể đi đến các quyết định tín dụng phù hợp dành cho doanh nghiệp SME” - ông Nguyên nói.
Đồng quan điểm, ông Lê Duy Bình, Chuyên gia kinh tế cũng nhận định, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nâng cao năng lực quản trị dòng tiền và tìm cách sử dụng nguồn vốn tốt nhất để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp cần làm đúng với yêu cầu đã cam kết với ngân hàng khi vay vốn, phục vụ sự phát triển bền vững của chính doanh nghiệp và hoàn trả lại vốn cho ngân hàng. Đây là công cụ quan trọng giúp họ tăng trưởng, phục hồi sản xuất kinh doanh.
“Năng lực quản trị của doanh nghiệp, đặc biệt là quản trị về mặt tài chính, rủi ro trong quá trình hoạt động, rủi ro trong tài chính, rủi ro về thị trường, rủi ro về mặt pháp lý là điều các doanh nghiệp phải tính đến khi vay vốn từ ngân hàng” - ông Bình nhận định.
Doanh nghiệp SME là thị trường tiềm năng
Trước câu hỏi liệu có câu chuyện “oan” cho các ngân hàng khi doanh nghiệp kêu nhiều, nhưng ngân hàng cũng rất muốn rót hầu bao cho vay. Với góc nhìn bên ngoài, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho rằng, bây giờ ngân hàng không cho doanh nghiệp SME vay thì cho ai vay.
“Tôi nghĩ rằng cho doanh nghiệp SME vay vốn là điều tất yếu đối với các ngân hàng. Bởi doanh nghiệp SME đang là một thị trường rất lớn. Hiện có khoảng 850.000 doanh nghiệp đang hoạt động, mục tiêu của Chính phủ đặt trong khoảng 10 năm nữa sẽ có 1,5 triệu doanh nghiệp. Ngân hàng nào không làm sớm chắc chắn sẽ bị chậm chân” - ông Bình nhận định.
Vị chuyên gia kinh tế nói thêm, việc cho vay doanh nghiệp SME không chỉ là xu thế tất yếu và áp lực nội tại của chính ngân hàng mà trong tương lai, ngân hàng phải coi đây là thị trường tiềm năng, là thị trường quyết định sự thành công của rất nhiều ngân hàng ở Việt Nam hiện nay.
Ở một góc độ khác, ông Bình cũng nhìn nhận, thời gian qua, các ngân hàng đã cải cách nhiều về thủ tục cho vay. Tuy nhiên, những quy định pháp luật hiện nay ngày một chặt chẽ, minh bạch và khắt khe. Điều này sẽ tốt cho chính ngân hàng và cho người vay vốn. Khi cho vay, chắc chắn ngân hàng phải lựa chọn những khách hàng tốt, chưa nói về vấn đề về phương án sản xuất kinh doanh, chưa nói về khả năng trả nợ.
Một ý rất quan trọng là năng lực quản trị của các doanh nghiệp SME. Nếu các doanh nghiệp không có hệ thống sổ sách kế toán rõ ràng, không nộp thuế đầy đủ… thì rõ ràng ngân hàng sẽ không sẵn sàng cho doanh nghiệp vay tiền. “Bởi tiền không phải của ngân hàng mà của người dân gửi gắm. Do đó, ngân hàng phải có trách nhiệm với tiền của người dân. Việc ngân hàng vẫn phải giữ chuẩn mực cho vay là điều cần thiết vì sẽ bảo vệ được cả lợi ích của người gửi tiền và xã hội” - ông Bình cho hay.
Theo chuyên gia Bình, nguồn lực để cho vay trong nền kinh tế có giới hạn. Tổng dư nợ của toàn bộ nền kinh tế hiện là 12,2 triệu tỉ đồng, tương đương khoảng 125% GDP của Việt Nam. Đây là mức gần như cao nhất trong ASEAN, cao hơn rất nhiều so với các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế).
“Chúng ta không thể nâng quá cao mức tổng dư nợ của nền kinh tế. Nếu chúng ta cho vay quá nhiều, điều đó sẽ tổn hại đến kinh tế vĩ mô. Đồng thời, sẽ đưa nền kinh tế của Việt Nam trở thành nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào ngân hàng, đi ngược lại tất cả thông lệ tốt của quốc tế” - ông Bình nêu.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, trong hơn 12 triệu tỉ dư nợ của toàn nền kinh tế, các doanh nghiệp nhỏ vừa phải cạnh tranh vô cùng khốc liệt với doanh nghiệp lớn và vay tiêu dùng. Ông Bình nêu ví dụ: Chỉ cần người dân vay khoản tiền mua một căn hộ chung cư cũng đã bằng khoản vay của một doanh nghiệp SME. Hơn hết, lượng người vay để đầu tư bất động sản cũng rất nhiều, chưa kể các doanh nghiệp lớn. Một tập đoàn lớn, mỗi khoản vay có thể bằng khoản vay của 10.000 doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ cộng lại…
“Chính vì vậy, với con số 19% trong tổng dự nợ toàn nền kinh tế dành cho doanh nghiệp SME đã là sự cố gắng lớn của ngành ngân hàng, bởi trước đây con số này chỉ là 5 - 10%” - ông Bình nhận định.