Giải pháp nào giúp dự án nâng cấp QL8 về đích sớm, hạn chế sạt lở?

Mưa kéo dài, sạt lở đất khiến những nỗ lực đưa dự án cải tạo nâng cấp QL8 về đích sớm, tiếp tục gặp trở ngại.

Mưa lũ cản trở tiến độ về đích

Kỹ sư Kiều Vĩnh Phương - Cán bộ Ban QLDA 4, phụ trách Dự án nâng cấp sửa chữa QL8A cho biết: Sau lần kiểm tra tiến độ của lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam vào ngày 7/9, Ban đã yêu cầu các nhà thầu tăng cường nhân lực, thiết bị đẩy nhanh tiến độ. Thế nhưng, từ ngày 14/9 đến nay được đúng 1 ngày nắng. Khối lượng thi công được chủ yếu tập trung ở hạng mục đổ bê tông tường chắn. Còn lại, các đơn vị tập trung hót dọn sạt lở, đảm bảo giao thông.

Mưa kéo dài, sạt lở khiến 2 gói thầu 5 và 6, Dự án cải tạo, nâng cấp QL8 từ thị trấn Sơn Kim lên Cửa khẩu Cầu Treo có nguy cơ khó cán đích vào cuối năm nay.

Mưa kéo dài, sạt lở khiến 2 gói thầu 5 và 6, Dự án cải tạo, nâng cấp QL8 từ thị trấn Sơn Kim lên Cửa khẩu Cầu Treo có nguy cơ khó cán đích vào cuối năm nay.

"Cái khó nhất ở dự án này vẫn là thời tiết. Hiện nay, khu vực này ảnh hưởng bởi thời tiết của nước bạn Lào nên cứ đến chiều là mưa. Trong khi muốn thảm thì phải chờ nắng 1 tuần, base khô mới đảm bảo kỹ thuật được", ông Phương nói.

Theo báo cáo của Ban QLDA 4, 5/6 gói thầu của giai đoạn 2 Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 8 đang được triển khai (từ gói XL 05 đến XL09, riêng XL10 đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu). Trong 5 gói, có 2 gói 5 và 6 triển khai thi công từ tháng 9/2021, đến nay nhà thầu gói 5 đã thực hiện giá trị ước đạt 97,2 tỷ/126,3 tỷ đồng (đạt 77%); gói 6 đạt 89,4 tỷ/132,8 tỷ đồng (đạt 67%). So với kế hoạch đề ra đã đáp ứng khoảng 75%.

Gói 7 và gói 8 khởi công tháng 2/2022, đến nay gói ước đạt 46 tỷ/129,6 tỷ đồng (tương đương 35,5%), đáp ứng 75% so với kế hoạch; gói 8 đạt giá trị thấp nhất là 28,7 tỷ/169,7 tỷ đồng (tương đương 17%); Gói 9 đang trong giai đoạn chuẩn bị thi công do mới đấu thầu xong.

Các nhà thầu tập trung thi công nền đường đoạn nắn chỉnh tuyến ở gói XL07.

Các nhà thầu tập trung thi công nền đường đoạn nắn chỉnh tuyến ở gói XL07.

Cho rằng tiến độ thi công như hiện nay sẽ khó đạt các mốc Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam đề ra, ông Nguyễn Xuân Ảnh - Cục phó Cục ĐBVN yêu cầu Ban phải làm việc với các nhà thầu vạch ra tiến độ chi tiết, đồng thời ký cam kết khối lượng làm căn cứ xử lý.

Ông Nguyễn Đình Phúc - Phó Giám đốc Ban QLDA 4, giải thích: Hai gói 5 và 6 các nhà thầu đã cơ bản làm xong phần nền và móng, phần việc hiện nay là hoàn thiện nốt các hạng mục và chờ thời tiết thuận lợi để thảm nhựa. Tất cả vật liệu, trang thiết bị, máy móc nhà thầu đã tập kết đủ, nhưng vừa rồi thời tiết mưa và xảy ra sụt, sạt lở hàng loạt. Đến giờ cũng mới nắng ngày thứ 2. Theo thông số thủy văn hàng năm, đến mùa này ở đây là mùa mưa, nên không thể hứa hẹn trước.

"Chúng tôi chỉ cần 1 tuần nắng, đường khô và 1 tuần nữa nắng là nhà thầu sẽ làm cơ bản xong phần mặt", ông Phúc khẳng định.

Điểm trước cầu Sơn Hải do nền đường biến dạng. Đoạn này vào năm 2014 bị sạt mất 80m đường và được đắp lại nền bằng rọ đá.

Điểm trước cầu Sơn Hải do nền đường biến dạng. Đoạn này vào năm 2014 bị sạt mất 80m đường và được đắp lại nền bằng rọ đá.

TÌm phương án tối ưu cho các điểm sạt lở

Tuyến Quốc lộ 8 trải qua hàng chục năm khai thác, nhưng vì địa hình địa chất phức tạp, đoạn từ km 75 (xã Sơn Kim) - km 85 (cửa khẩu Cầu Treo) đi qua khu vực đồi núi cheo leo, bên núi bên vực. Gần như năm nào tuyến đường này cũng xảy ra sạt lở, đứt đường. Trong giai đoạn thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp QL8, 2 gói thầu 5 và 6 rơi vào đúng vùng "lõi" của các điểm sạt.

Kỹ sư Nguyễn Ngọc Dũng - Công ty cp Tư vấn thiết kế đường bộ (Tư vấn thiết kế dự án) cho biết, đợt mưa cuối tháng 9 và hoàn lưu bão Soru đã khiến QL8 xảy ra sạt lở và có thời điểm giao thông bị chia cắt tới hơn 12 tiếng. Thống kê có 20 điểm sụt taluy dương với số lượng sạt lên đến hàng chục ngàn khối, 2 điểm sạt taluy âm vào lề, nền khoảng 30 - 40 cm. Hiện các nhà thầu đang tập trung gia cố lại lề vị trí bị sạt nền. Các đoạn sụt trượt thì vẫn tập trung hót dọn, đang đảm bảo giao thông.

Lãnh đạo Cục ĐBVN yêu cầu Ban, tư vấn, nhà thầu cùng họp bàn tìm giải pháp tối ưu khắc phục các điểm sạt.

Lãnh đạo Cục ĐBVN yêu cầu Ban, tư vấn, nhà thầu cùng họp bàn tìm giải pháp tối ưu khắc phục các điểm sạt.

Theo kỹ sư Dũng, hiện có 2 đoạn đáng lo ngại. Đoạn thứ nhất là đoạn trước Cầu Sơn Hải. Đoạn này có hiện tượng nứt rãnh dọc và lún nứt chéo mặt đường. Chính vị trí này vào năm 2014 đã xảy ra sạt lở cuốn luôn 80m đường, sau đó được xử lý đảm bảo giao thông từ đó đến nay. Nguyên nhân của hiện tượng chưa thể xác định chính xác nhưng có thể do lúc đảm bảo giao thông, đơn vị thi công đắp nhanh và dùng vật liệu tại chỗ dẫn đến thành phần hạt không đồng bộ, dẫn đến khi mưa bị ngấm nước và biến dạng nền đường.

Đối với đoạn này tư vấn đề xuất tiếp tục theo dõi và tạm thời không thảm nhựa mà chỉ làm đá dăm thấm nhựa đáp ứng nhu cầu xe lưu thông. Trong thời gian khai thác nếu tường chắn, nền ổn định thì sẽ tiến hành thảm nhựa. Về lâu dài, nếu đoạn này tiếp tục sụt thì đề xuất cho làm cầu tránh và khắc phục luôn điểm eo Cô gái (km81).

Sạt lở ngày mưa bão luôn là mối lo với các tuyến quốc lộ huyết mạch đi qua khu vực rừng núi.

Sạt lở ngày mưa bão luôn là mối lo với các tuyến quốc lộ huyết mạch đi qua khu vực rừng núi.

Tại Km84 có đoạn đường cắt sát chân đồi. Khi bạt mái phát hiện thành phần hạt chủ yếu là cát. Sau mưa xảy ra sạt lên cả tim đường. Đề xuất chỉnh tuyến ra phía âm 3m và dùng ô địa để giảm tải.

Về dự án QL8, ông Ảnh yêu cầu: Ban và nhà thầu phải tiếp tục khắc phục khó khăn, lấy mốc tiến độ ngày 31/12 năm nay sẽ về đích, trừ điều kiện thời tiết bất khả kháng, mưa lũ không cho phép. Tuy nhiên, Ban phải theo dõi, ghi nhật ký từng ngày mưa để làm căn cứ đối chiếu.

Đối với các điểm sạt, lãnh đạo Cục ĐBVN yêu cầu Ban và nhà thầu làm việc nhanh với phía Bảo hiểm thực hiện bồi thường. Cắt cử người đảm bảo giao thông và xe máy để san gạt không để ách tắc giao thông. Các vị trí đề xuất cải tuyến phải tính toán các giải pháp để chọn phương án tối ưu, đảm bảo hiệu quả, an toàn và tiết kiệm.

Trước đó, đoàn đi kiểm tra Dự án nâng cấp QL7 trị giá 1.300 tỷ đồng. Dự án này được khởi công gói thầu xây lắp đầu tiên (XL02) từ ngày 7/9/2022.

Đến nay các nhà thầu vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị thi công vì số lượng mặt bằng các địa phương bàn giao còn quá ít. Để đảm bảo tiến độ hoàn thành đoạn km0 - 5 vào tháng 7/2023 nhằm kết nối với dự án cao tốc đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, Cục ĐBVN yêu cầu Ban QLDA 4 phải tích cực phối hợp với địa phương đẩy nhanh tiến độ GPMB. Đồng thời, chỉ đạo các nhà thầu triển khai thi công ngay trên các đoạn đã tiếp nhận mặt bằng.

Văn Thanh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/giai-phap-nao-giup-du-an-nang-cap-ql8-ve-dich-som-han-che-sat-lo-d569270.html