Giải pháp nào giúp nông sản Việt tránh rủi ro khi vào EU?
Điều quan trọng khi xuất khẩu là phải bám sát được yêu cầu của thị trường. Nông sản vào EU phải đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không được vượt quá mức tối đa cho phép theo luật của EU.
Sáng 14/6, tại Phú Yên, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) phối hợp với Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên tổ chức hội nghị phổ biến các quy định và cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).
Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, việc cập nhật và phổ biến các quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) đối với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân là đặc biệt quan trọng.
Bởi, quy định SPS là quy định bắt buộc áp dụng, nếu vi phạm sẽ bị đối tác nhập khẩu cảnh báo vi phạm, thậm chí có thể dẫn tới bị cấm. Việc này, sẽ gây ảnh hưởng, thiệt hại cho doanh nghiệp và đặc biệt là ảnh hưởng đến cả ngành hàng và thương hiệu nông sản của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hay, các quy định về chất phụ gia thực phẩm, vật liệu tiếp xúc với thực phẩm, quy định về sản phẩm phối trộn, quy định về vùng an toàn dịch bệnh, quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với các cơ sở chế biến, quy định IUU, quy định chống phá rừng (EUDR) hoặc các quy định liên quan khác…
Chi tiết quy định đối với từng sản phẩm, nhà xuất khẩu nên tham khảo chính thức các cơ quan có thẩm quyền hoặc Văn phòng SPS Việt Nam để được hướng dẫn.
"Hiện EU chia sản phẩm nông sản thực phẩm nhập khẩu thành 2 loại, ít rủi ro và rủi ro cao. Trong đó, những sản phẩm ít rủi ro, thông qua các đánh giá của phía bạn, sẽ không yêu cầu kiểm soát tại cửa khẩu một cách hệ thống. Ngược lại, sản phẩm rủi ro cao sẽ cần nhiều biện pháp soát", ông Nam cho biết.
Mới đây sản phẩm mỳ ăn liền của Việt Nam được EU cho ra khỏi danh sách kiểm soát, ông Phạm Trung Thành, Trưởng bộ phận đối ngoại, Công ty cổ phần Acecook Việt Nam cho biết, đây là một thông tin tốt, không chỉ đối với hoạt động sản xuất của Acecook Việt Nam mà còn cho tất cả các doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền khác tại Việt Nam cũng như các doanh nghiệp đang có ý định xuất khẩu vào thị trường châu Âu.
Việc EU đưa sản phẩm ăn liền của Việt Nam ra khỏi danh sách kiểm tra tại biên giới cho thấy những nỗ lực đáng ghi nhận của các nhà sản xuất Việt Nam trong kiểm soát, đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như những hướng dẫn đúng đắn của cơ quan quản lý, giúp giải quyết kịp thời tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp. Đồng thời, điều này cũng tạo niềm tin đối với các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tại EU về chất lượng sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam sau một thời gian giám sát và đánh giá chất lượng trước khi xuất khẩu
Thời gian qua, Công ty cổ phần Acecook Việt Nam luôn cố gắng duy trì các biện pháp kiểm soát chặt chẽ cho từng nhóm nguyên liệu đầu vào thông qua đánh giá rủi ro. Toàn bộ quá trình sản xuất được áp dụng các công cụ quản lý an toàn thực phẩm hiện đại dựa theo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế. Do đó, thành phẩm được kiểm tra đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn trước khi xuất hàng.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang đồng hành và nâng cao năng lực quản lý chất lượng của các đối tác cung ứng các nguyên vật liệu đầu vào. Đối với doanh nghiệp, đây là khâu rất quan trọng, vì đây là điểm bắt đầu của chuỗi cung ứng. Khi nguyên liệu an toàn thì chất lượng sản phẩm cuối cùng mới được đảm bảo.
Theo ông Phạm Trung Thành, điều quan trọng khi xuất khẩu là phải bám sát được yêu cầu của thị trường. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã giúp thuế quan hạ thấp. Tuy nhiên, hàng hóa phải đối mặt với hàng rào kỹ thuật và những yêu cầu quy định và cập nhật liên tục của thị trường đó. Cho nên việc cập nhật những thông tin này cũng như để hiểu đúng, hiểu rõ và thực hiện được thì doanh nghiệp cần có sự phối hợp với các cơ quan ban, ngành quản lý.
Thông tin về quy định mới của EU về sản phẩm tổng hợp, ông Nguyễn Hoàng Long, Văn phòng SPS Việt Nam nhấn mạnh: Đây là sản phẩm có nguồn gốc thực vật và sản phẩm chế biến có nguồn gốc động vật.
Tất cả các sản phẩm chế biến có nguồn gốc động vật có trong các sản phẩm tổng hợp phải đến từ các cơ sở được EU phê duyệt đặt tại các quốc gia được phép xuất khẩu các sản phẩm chế biến có nguồn gốc động vật đó sang EU. Nước xuất xứ của sản phẩm tổng hợp phải được liệt kê trong Phụ lục –I của Quy định thực hiện của Ủy ban (EU) 2021/405.
Quốc gia xuất xứ của sản phẩm tổng hợp có kế hoạch kiểm soát dư lượng (RCP) đã được phê duyệt đối với các hoạt chất dược lý và dư lượng, chất gây ô nhiễm và dư lượng thuốc trừ sâu. Sản phẩm tổng hợp phải chịu sự kiểm soát của BCP được liệt kê trong Quy định (EU) 2021/632.
Sản phẩm tổng hợp sẽ ngoại trừ collagen, gelatine và các sản phẩm tinh chế cao được liệt kê trong phần XVI, điểm 1, Phụ lục III của Quy định (EC) số 853/2004.
Thông tin về các sản phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu vào EU, ông Lương Ngọc Quang, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, các sản phẩm có nguồn gốc thực vật của Việt Nam xuất khẩu sang EU, bao gồm cả rau quả và nhà xuất khẩu không cần có phê duyệt chính thức từ cơ quan quản lý của EU. Sản phẩm phải được đánh giá nguy cơ theo cách tiếp cận theo dịch hại. Các biện pháp kiểm soát của EU được nâng cao nếu không có biện pháp khắc phục.
Theo ông Lương Ngọc Quang, tất cả các lô hàng xuất khẩu vào EU phải đáp ứng yêu cầu là sản phẩm không được nằm trong danh mục thực vật, sản phẩm thực vật bị cấm hoặc tạm dừng nhập khẩu vào các nước EU. Sản phẩm không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của EU và hầu như không bị nhiễm các loài dịch hại khác.
Theo đó, sản phẩm phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật (PC); trừ các loại trái cây dứa, chuối, dừa và chà là không cần có PC. Bên cạnh đó, vật liệu đóng gói bằng gỗ phải đạt tiêu chuẩn quốc tế về vật liệu đóng gói bằng gỗ (ISPM-15).
Riêng về quy định về an toàn thực phẩm, ông Lương Ngọc Quang nhấn mạnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm xuất khẩu sang EU không được vượt quá mức tối đa cho phép theo luật của EU. Cơ sở dữ liệu thuốc bảo vệ thực vật của EU cho phép người sử dụng tìm kiếm thông tin về hoạt chất đã được phê duyệt sử dụng ở EU và MRL trên sản phẩm thực phẩm.
Nếu một thuốc bảo vệ thực vật cụ thể chưa được EU thiết lập MRL và không có trong cơ sở dữ liệu thuốc bảo vệ thực vật của EU, thuốc đó sẽ được áp dụng mức MRL mặc định 0,01 mg/kg, trừ khi giá trị mặc định khác được quy định trên cơ sở xem xét các phương pháp phân tích thông thường hiện có.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giai-phap-nao-giup-nong-san-viet-tranh-rui-ro-khi-vao-eu/337477.html