Giải pháp nào hồi sinh những dòng sông chết ở Thủ đô?
Hà Nội đang triển khai các dự án nạo vét lòng sông, thu gom toàn bộ các nguồn xả, cửa xả nước thải ra sông Tô Lịch, sau đó đưa về xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Công việc này được hoàn tất trước ngày 30/8.
Hệ thống sông, hồ ở Hà Nội có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước, điều hòa khí hậu và là một phần của cảnh quan đô thị. Tuy nhiên, nhiều con sông, đặc biệt là các sông nội đô như Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Sét và sông Lừ đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.
Tại tọa đàm "Giải pháp hồi sinh những dòng sông chết" do Văn phòng UBND TP Hà Nội phối hợp với báo Tiền Phong tổ chức ngày 10/7, ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Hà Nội cho rằng, nguyên nhân chính gây ô nhiễm là do tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Trong khi đó, ý thức của người dân chưa cao, do vẫn còn tình rạng vứt rác, lấn chiếm lòng sông, hồ.

Sông Tô Lịch khi chưa được cải tạo. Ảnh: Đoàn Bổng
Ngoài ra, còn nguyên nhân bắt nguồn từ quy hoạch. Trước đây tất cả hệ thống xả thải, kể cả xả thải sinh hoạt, công nghiệp từ các cụm công nghiệp chưa có thiết kế xử lý, thu gom vào khu vực riêng. Nhiều nơi vẫn xả thải trực tiếp ra các dòng sông.
Tình trạng ô nhiễm nặng nề hơn khi các dòng sông không còn dòng chảy. Theo ông Hoa, hiện mực nước của hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình thấp hơn so với trước đây. Có thời điểm thấp hơn so với thiết kế đê lên tới 14m nên ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống thủy lợi.
“Có những công trình xây dựng từ thời Pháp hay những năm 60-70, thiết kế mực nước so với hiện nay chênh 2-4m. Vì vậy nay phải đầu tư máy bơm thì mới có thể bơm lên được. Đây là nguyên nhân chính gây ra nước sông nội đô bị thấp hơn, nếu không bơm vào thì không có dòng chảy”, ông Hoa nói.
Giải pháp 'chuyển đổi số' cho những dòng sông
Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực làm sống lại những dòng sông “chết”. Trong đó có việc rốt ráo thay thế nguồn nước, thau rửa các sông bị ô nhiễm, trong đó có sông Tô Lịch. Tuy nhiên, các chuyên gia nhìn nhận cần những giải pháp đồng bộ hơn.
Ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nhìn nhận TP Hà Nội có rất nhiều biện pháp đúng và trúng, thể hiện sự quyết tâm của chính quyền.
Khi Hà Nội đã triển khai chính quyền 2 cấp, ông Tùng cho rằng phải tăng cường trách nhiệm của cấp xã phường. Giống như các nước, họ có KPI, dùng hệ thống GIS rõ phường nào, xã nào chịu trách nhiệm. Họ biết ngay nơi nào đang phát thải cái gì. Từ đó yêu cầu các cơ sở sản xuất xả thải hơn 10m³ phải lắp đồng hồ quan trắc thông minh.
"Dùng bao nhiêu, thải bao nhiêu, phát trực tiếp để đơn vị quản lý biết ngay. Như thế tất cả hệ thống kiểm soát các nguồn thải, cảm biến quan trắc đến hàng giây, điều tiết rất nhanh. Đó là những cái phải học tập", ông Tùng nói.

Ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường. Ảnh: Duy Phạm
Vị chuyên gia cũng mong muốn Hà Nội có thêm các giải pháp đổi mới tư duy, chuyển đổi số hơn cho những dòng sông. Trong đó, cần quan trắc trực tuyến để có thêm nhiều số liệu, thông tin cụ thể hơn. Toàn bộ dữ liệu sẽ hiện lên, phân bố trên bản đồ GIS cụ thể cho từng tiểu lưu vực.
Với trường hợp sông Tô Lịch, ông Lê Đình Du, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng cấp thoát nước, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thành phố đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hồi sinh con sông này.
Trước mắt, thành phố đang triển khai các dự án nạo vét lòng sông, thu gom toàn bộ các nguồn xả, cửa xả nước thải ra sông Tô Lịch, sau đó đưa về xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Các dự án thu gom và cải tạo lòng sông Tô Lịch, thành phố yêu cầu chậm nhất đến ngày 30/8/2025 phải hoàn thành.
Tiếp đó, các đơn vị có liên quan sẽ tiến hành lấy nước vào để phục hồi dòng chảy trên sông Tô Lịch. Về nguồn nước lấy vào sông Tô Lịch, trước mắt sẽ lấy chính từ nguồn nước thải đã xử lý ở Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá.
Khi nguồn nước này đã được xử lý đổ ra sông sẽ được hệ thống đập dâng được xây dựng ở cầu Quang (phường Hoàng Liệt) giữ lại ở độ sâu theo tính toán. Để tạo dòng chảy, sẽ lấy nước từ hồ Tây đã được xử lý trước khi đưa vào sông Tô Lịch ở Cửa điều tiết A (phường Tây Hồ). Từ hai nguồn nước này, sẽ tạo được dòng chảy trên sông Tô Lịch.