Giải pháp nào khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở Tây Nguyên?
Tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng ở các tỉnh Tây Nguyên - khu vực khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số - đã ảnh hưởng lớn đến phổ cập giáo dục, nâng cao trình độ, kiến thức cho người dân.
Tình trạng thiếu giáo viên xảy ra ngày càng trầm trọng, tại nhiều cấp học ở Tây Nguyên.
Đây là khu vực khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số, nên việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến phổ cập giáo dục, nâng cao trình độ, kiến thức cho người dân.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên, song chủ yếu là do quá trình luân chuyển, không tuyển được giáo viên hoặc do nhiều người không còn mặn mà với "nghề giáo" vì lương thấp. Đặc biệt, năm học 2023-2024, việc thiếu giáo viên đang khiến ngành Giáo dục các tỉnh Tây Nguyên "đau đầu" tìm giải pháp.
Nhiều nơi thiếu giáo viên trầm trọng
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo 5 tỉnh Tây Nguyên, hiện nay, toàn khu vực đang thiếu hơn 6.500 giáo viên ở các cấp học. Mặc dù ngành Giáo dục các tỉnh đã chủ động sắp xếp, bố trí giáo viên để đảm bảo công tác dạy và học, song không phải nơi nào cũng có thể thực hiện, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Gia Lai là địa phương có số giáo viên còn thiếu nhiều nhất của khu vực Tây Nguyên, với hơn 3.000 người. Tình trạng thiếu giáo viên trải đều trên tất cả cấp học, trong đó Mầm non thiếu 1.231, Tiểu học thiếu 817, Trung học Cơ sở thiếu 660 và Trung học Phổ thông thiếu 308 giáo viên.
Tại tỉnh Đắk Lắk, bước vào năm học 2023 - 2024, tỉnh vẫn thiếu khoảng 1.700 giáo viên. Số lượng giáo viên thiếu trải đều ở các cấp học. Hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đều thiếu giáo viên.
Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk , cho biết nguyên nhân việc thiếu giáo viên diễn ra nhiều năm là do số học sinh tăng theo hàng năm; Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có một số môn học bắt buộc như Tin học, Anh văn, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng dân tộc… Một số môn trước đây không có trong chương trình học thì nay là môn học bắt buộc.
Trong khi đó, tại tỉnh Kon Tum, qua rà soát, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh xác định vẫn còn thiếu 836 giáo viên. Tình trạng thiếu giáo viên xảy ra tại tất cả các địa phương trong tỉnh, nhiều nhất tại các huyện Ia H’Drai, Đăk Tô, Đăk Glei.
Bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum nhận định nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là trong khoảng gần 10 năm trở lại đây, tuy quy mô học sinh liên tục tăng, năm học sau luôn cao hơn năm học trước, tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp liên tục được cải thiện qua từng năm học nhưng ngành Giáo dục và Đào tạo vẫn phải thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định.
Tại tỉnh Đắk Nông, ngành Giáo dục và Đào tạo cũng xác định vẫn còn thiếu hơn 1.000 giáo viên so với quy định. Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết, hiện nay đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý của tỉnh khoảng hơn 11.000 người, trong khi tổng số học sinh của năm học 2023-2024 là gần 183.000 em, tăng hơn 7.000 em so với năm học trước.
Theo ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, trước tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng, ngành Giáo dục tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp kiện toàn sắp xếp mạng lưới trường lớp, điều tiết thừa thiếu giáo viên cục bộ, cắt chuyển biên chế sự nghiệp từ các khu vực khác sang,… Tuy nhiên, những giải pháp trên vẫn không đáp ứng được nhu cầu giáo viên ở mức tối thiểu để duy trì việc dạy và học.
"Việc biệt phái giáo viên hoặc phân công dạy nhiều nơi, dạy liên trường, liên cấp nảy sinh một số khó khăn, bất cập như một bộ phận giáo viên biệt phái có tâm lý không yên tâm công tác, không phát huy hết năng lực, sở trường trong giảng dạy, còn tâm lý đi biệt phái một thời gian rồi về; định mức, chế độ làm việc của giáo viên các cấp học khác nhau gây lúng túng trong quá trình thực hiện; việc phân công chuyên môn thường xuyên không ổn định, dễ bị xáo trộn. Khoảng cách từ nhà đến trường dạy biệt phái xa, gây khó khăn cho giáo viên đặc biệt là giáo viên nữ, giáo viên có con nhỏ…" - ông Lê Duy Định phân tích.
Tương tự, tại tỉnh Đắk Đắk, trước tình trạng thiếu giáo viên, nhiều địa phương đã tiến hành các giải pháp tạm thời như bố trí, sắp xếp giáo viên, để một giáo viên giảng dạy tại nhiều nơi, nhiều lớp, thậm chí là nhiều cấp học.
Thầy Nguyễn Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Trần Quang Diệu (thành phố Buôn Ma Thuột) cho biết trong thời gian chờ Phòng Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Nhân dân thành phố bổ sung, bố trí giáo viên còn thiếu, nhà trường đã động viên cán bộ giáo viên sẵn có, phân công tăng tiết cho giáo viên, một giáo viên tiến hành dạy nhiều lớp, nhiều môn… để thực hiện nhiệm vụ đầu năm học.
"Với các trường khác thì giáo viên môn Ngữ văn có thể dạy môn Lịch sử, Địa lý. Nhưng tại trường, giáo viên môn Ngữ văn đã thiếu 2 người. Các giáo viên chéo ban thì lại không thể phân lịch được nên rất khó cho nhà trường… Dù nhận được tiền thêm giờ do tăng tiết, nhưng sức khỏe của giáo viên không đảm bảo gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy học cho học sinh" - thầy Dũng chia sẻ.
Cũng do thiếu giáo viên nên tại Trường Trung học Cơ sở Trần Quang Diệu, thành phố Buôn Ma Thuột, theo dự toán chia chuyên môn của năm học 2023-2024, mỗi giáo viên dạy Ngữ Văn phải đảm nhận 25-26 tiết/tuần, cao hơn so với quy định là 19 tiết/tuần.
Không những vậy, giáo viên Ngữ Văn phải đảm nhiệm dạy các môn tích hợp hoặc các môn Lịch sử, Địa lý. Điều này khiến đội ngũ giáo viên Ngữ Văn chưa thể đáp ứng yêu cầu.
"Đối với tổ bộ môn Ngữ văn, giáo viên đang dạy 26 tiết/tuần, ngoài việc giảng dạy trên lớp, chúng tôi còn phải soạn kế hoạch bài dạy cho các chuyên đề, các nội dung khác , rất khó khăn. Gần như chúng tôi không còn thời gian để thực hiện nữa, áp lực rất lớn," cô Nguyễn Thị Tâm, giáo viên môn Ngữ văn, Trường Trung học Cơ sở Trần Quang Diệu, chia sẻ.
Khó tuyển dụng
Thực trạng thiếu giáo viên tại các tỉnh Tây Nguyên đã xảy ra trong một thời gian dài. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, ngành Giáo dục các địa phương vẫn chưa tìm ra phương án để giải quyết vấn đề này. Phần vì do vướng cơ chế, chính sách mới trong việc tuyển dụng giáo viên, phần vì khó thu hút được giáo viên đến các vùng khó khăn với mức lương chưa thực sự hấp dẫn.
Theo quy định của Luật Giáo dục 2019, giáo viên Tiểu học và Trung học Cơ sở buộc phải có trình độ đào tạo Đại học trở lên. Thế nhưng tại khu vực Tây Nguyên, đa phần con em đồng bào dân tộc tại chỗ do kinh tế khó khăn nên các em chọn theo học Cao đẳng, Trung cấp ở địa phương. Vì vậy, ngành Giáo dục không thể tuyển dụng những sinh viên này do vướng quy định của Luật dù thiếu giáo viên.
Bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum cho biết tỉnh đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên mới, chủ yếu là giáo viên Mầm non và giáo viên Tiểu học, tập trung ở một số huyện vùng sâu, vùng xa như Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei.
Nguyên nhân chủ yếu là Luật Giáo dục 2019 nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên Mầm non từ Trung cấp lên Cao đẳng, của giáo viên Tiểu học từ Trung cấp lên Đại học. Các sinh viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo thường tập trung dự tuyển tại các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội thuận lợi hơn.
Theo bà Phạm Thị Trung, đơn cử tại huyện Kon Plông, có 26 con em đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ tốt nghiệp Cao đẳng và Trung cấp sư phạm, thế nhưng khi có quy định mới, các em cũng không được tuyển dụng.
"Nếu hạ chuẩn một bậc so với Luật Giáo dục 2019 để tuyển dụng các em thì được, nhưng bảo họ đi học theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP lên để đạt chuẩn thì rất khó khăn bởi điều kiện gia đình khó khăn. Bên cạnh đó, 26 em ở 10 chuyên ngành khác nhau nên rất khó xếp lớp, có những em đăng ký 2, 3 năm nay nhưng không có lớp do chưa đủ số lượng," ông Nguyễn Minh Cường, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông cho hay.
Đầu năm học 2023-2024, ngành Giáo dục tỉnh và các huyện, thị xã của tỉnh Gia Lai đã tuyển dụng được 580 giáo viên. Mặc dù vẫn còn thiếu hơn 3.000 giáo viên nhưng tỉnh không thể tuyển dụng hết do thiếu nguồn giáo viên đạt chuẩn theo quy định.
Việc không thể tuyển được giáo viên tại chỗ do vướng cơ chế khiến các trường học buộc phải tuyển giáo viên ngoài địa bàn. Song thực tế, mức đãi ngộ đối với giáo viên chưa cao khiến không ít người, dù đã học tập và làm việc nhiều năm cũng không muốn "dấn thân," nhất là vào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tại các tỉnh Tây Nguyên.
Trường hợp chị Y Gia Nhi (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) là một ví dụ. Năm 2017, chị Gia Nhi được tuyển dụng làm giáo viên Tiểu học tại huyện Tu Mơ Rông với mức lương 3 triệu đồng. Không thể ổn định cuộc sống với mức lương này, chị Gia Nhi buộc phải dừng ước mơ trở thành cô giáo sau 3 năm đứng trên bục giảng để đi xuất khẩu lao động. Nhờ quyết định đó, thu nhập của chị Gia Nhi tăng từ 3-4 lần, cuộc sống dần ổn định hơn.
Cô Nguyễn Thị Tâm, giáo viên môn Ngữ văn, Trường Trung học Cơ sở Trần Quang Diệu, thành phố Buôn Ma Thuột cũng chia sẻ hiện chế độ ưu đãi, chính sách cho đội ngũ nhà giáo còn thấp, không đảm bảo được cuộc sống tối thiểu nên cơ quan chức năng cần nghiên cứu tăng phụ cấp, giáo viên mới có thể yên tâm công tác.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông nhận định chính sách tiền lương, phụ cấp cho giáo viên vẫn ở mức thấp, phần nào chưa thể thu hút được sinh viên mới ra trường.
Ủy ban Nhân dân tỉnh đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm điều chỉnh chính sách tiền lương đối với nhà giáo; điều chỉnh phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên trực tiếp công tác tại các cơ sở giáo dục công lập thuộc khu vực còn nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng xa; đề nghị xem xét, giao bổ sung cho tỉnh thêm 1.021 biên chế ngành Giáo dục để đáp ứng kịp thời sự gia tăng học sinh; ưu tiên nguồn lực để đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học để Đắk Nông thực hiện tốt hơn Chương trình Giáo dục Phổ thông mới.
Ngay cả khi tuyển dụng được giáo viên theo diện hợp đồng, các trường học tại khu vực Tây Nguyên vẫn không chắc chắn sẽ "giữ chân" được giáo viên bởi điều kiện khó khăn, phức tạp của địa hình cùng những thay đổi trong cuộc sống.
Ông Nguyễn Minh Cường, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum bộc bạch, mỗi năm ngành Giáo dục huyện thuyên chuyển hơn 150 giáo viên ra khỏi địa bàn. Phần vì giáo viên công tác xa nhà nên muốn xin về gần nhà để tiện chăm sóc gia đình, phần vì một số giáo viên lập gia đình nên xin nghỉ để đến một nơi khác sinh sống.
"Để giải quyết tốt nhất vấn đề này vẫn là sử dụng giáo viên người địa phương, không những thuận tiện cho công tác mà việc giao tiếp với học sinh bản địa cũng thuận tiện hơn. Thế nhưng con em đồng bào dân tộc thiểu số đa phần chỉ học Cao đẳng, không đảm bảo được yêu cầu theo Luật Giáo dục 2019, chúng tôi không thể tuyển dụng được nên tình trạng thiếu giáo viên vẫn xảy ra hàng năm," ông Nguyễn Minh Cường phân tích.
Chủ động các giải pháp
Năm học mới 2023-2024 đã bắt đầu song đến nay, nhiều trường học, cơ sở giáo dục tại khu vực Tây Nguyên vẫn đang "đau đầu" vì thiếu giáo viên. Ở một số địa phương, ngành Giáo dục chủ động bố trí, sắp xếp giáo viên dạy liên cấp, liên trường, thậm chí còn để các trường tự chủ trong việc tuyển giáo viên hợp đồng về giảng dạy tùy theo quỹ lương được cấp. Tuy nhiên, tất cả giải pháp đó đều mang tính tình thế, trước mắt, không phải là giải pháp lâu dài, triệt để.
Để tạm thời khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố lên phương án hợp đồng hơn 600 giáo viên phục vụ nhu cầu dạy và học của tỉnh.
Phương án này được tỉnh đưa ra dựa trên Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Trong số hơn 600 giáo viên hợp đồng, có 149 trường hợp thuộc Sở, số còn lại thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
Tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện giao cơ chế tuyển dụng cho các trường học trên địa bàn. Thầy Trần Thông, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dân tộc bán trú Măng Cành, huyện Kon Plông cho biết nhà trường chủ động tìm và hợp đồng với 6 giáo viên. Qua đó, tạm thời khắc phục tình trạng thiếu giáo viên năm học 2023-2024.
Tại Gia Lai, để ứng phó tình trạng thiếu giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức bồi dưỡng cho gần 1.300 giáo viên dạy các môn tích hợp (Lý-Hóa-Sinh, Sử-Địa ở cấp Trung học Cơ sở, Tin học-Công nghệ ở cấp Tiểu học). Việc này mang đến kỳ vọng sử dụng có hiệu quả đội ngũ giáo viên thời gian tới, đáp ứng trình độ theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Còn tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, địa phương có 51 trường học, với gần 22.600 học sinh nhưng chỉ có 1.533 biên chế cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Ông Huỳnh Viết Trung, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho hay để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, địa phương đã sáp nhập điểm trường nhỏ, lẻ nhằm tiết kiệm biên chế và bố trí giáo viên giảng dạy.
Hiện nay, nguồn để tuyển hợp đồng giáo viên Tiếng Anh và Tin học, Tiểu học rất khó khăn. Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân huyện thực hiện điều tiết dạy liên trường, khắc phục tình trạng giáo viên Tiếng Anh và Tin học còn thiếu, đảm bảo cho các học sinh đều được học.
Tại huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk, ông Nguyễn Tự Do, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết, biện pháp trước mắt, Phòng tăng cường điều động luân chuyển, dạy liên trường liên cấp đối với các trường còn thiếu.
Hiện các trường chủ động hợp đồng giáo viên theo nguồn ngân sách đã giao. Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Nội vụ thống kê số giáo viên thiếu bổ sung. Trong năm 2023, huyện có chỉ đạo tổ chức thi tuyển giáo viên đảm bảo số biên chế theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Dù đã có không ít giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ngành Giáo dục các tỉnh Tây Nguyên đưa ra, song phải thừa nhận rằng, đó vẫn chỉ là giải pháp mang tính tạm thời. Bởi nếu sắp xếp, bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cấp không khéo léo dễ dẫn đến việc giáo viên bị ảnh hưởng về chuyên môn và cuộc sống; còn tuyển dụng giáo viên hợp đồng khó có được sự phục vụ tận tình cho nghề giáo.
Hiện nay, ở nhiều địa phương khắc phục bằng việc hợp đồng thêm giáo viên về giảng dạy. Tuy nhiên, nếu đội ngũ giáo viên họ được hợp đồng để dạy trong các cơ sở giáo dục với thời gian quá ngắn, việc đầu tư cho chuyên môn sẽ có hạn chế. Giáo viên họ dạy bám theo chương trình, tình hình học sinh, việc đầu tư cho chuyên môn sẽ chất lượng hơn.
Ngoài ra, khi giáo viên dạy hợp đồng sẽ thiếu sự gắn bó, đầu tư về chuyên môn cho cá nhân để đảm bảo việc dạy học, bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết.
Theo ông Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Nông, tình trạng thiếu hụt giáo viên còn gay gắt hơn trong các năm học tới nếu Bộ Giáo dục và Đạo tạo, cấp có thẩm quyền không có giải pháp phù hợp.
Ông Nguyễn Minh Cường, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông cho rằng đang có khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên tại địa bàn.
Trước kia mỗi tỉnh có một trường Cao đẳng đào tạo mà vẫn còn thiếu, nay không còn nữa chắc chắn sẽ thiếu hơn, thậm chí 3-4 năm nữa thiếu trầm trọng, ông Nguyễn Minh Cường khẳng định.
Thực tế, khi Luật Giáo dục 2019 được thông qua, ngành Giáo dục tại các vùng khó khăn như Tây Nguyên "vấp phải" một thách thức lớn trong việc tuyển dụng giáo viên. Bởi vốn dĩ, nghề giáo đang được rất ít sinh viên ra trường chọn, dù đã học sư phạm, vì lý do thu nhập thấp.
"Cần có chính sách đãi ngộ tốt hơn với giáo viên tại các khu vực vùng sâu, vùng xa. Giải pháp trước mắt linh động hơn trong việc thực hiện Luật Giáo dục 2019 khi tuyển dụng, có thể vẫn cho tuyển những giáo viên có trình độ Cao đẳng, Trung cấp nhưng buộc phải cam kết vừa dạy học, vừa tiếp tục học lên bậc cao hơn, đảm bảo theo Luật.Có như vậy, những vùng khó khăn mới thu hút được giáo viên về dạy học," bà Y Nhàn, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum nói.
Liên quan đến giải pháp mang tính lâu dài, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông vừa có báo cáo gửi Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số cơ quan chức năng về nhu cầu biên chế giáo viên năm học 2023-2024 trên địa bàn tỉnh.
Đáng chú ý, theo báo cáo, để đảm bảo nhu cầu dạy và học tại địa phương cũng như đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới, toàn tỉnh cần bổ sung hơn 1.000 biên chế cho ngành Giáo dục.
Trong bối cảnh nghề giáo không còn là lựa chọn hàng đầu của sinh viên sau khi ra trường, chính sách, cơ chế cần "linh động, mềm mỏng", sát thực tế hơn, nhất là đối với các tỉnh Tây Nguyên.
Trước mắt không áp dụng quy định giảm 10% biên chế ngành giáo dục để thực hiện tinh giản biên chế. Nếu không thể tuyển dụng được, giáo dục 5 tỉnh Tây Nguyên vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên, cơ hội phát triển cũng vì thế giảm sút, khoảng cách với các vùng khác càng xa hơn./.