Giải pháp nào quản lý thực phẩm chức năng bán tràn lan trên mạng xã hội?
Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhận được nhiều câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với thực phẩm chức năng, dược, mỹ phẩm xách tay, không rõ nguồn gốc được rao bán tràn lan trên mạng xã hội.
Tràn lan dược mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, không giấy phép
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn Quảng Nam) nêu, với tâm lý thực phẩm chức năng bổ dưỡng, không có tác dụng phụ, được giới thiệu là hàng xách tay, người tiêu dùng không tiếc tiền chi cho các sản phẩm ấy. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ Y tế trong quản lý và có giải pháp gì để kiểm soát việc mua bán các sản phẩm này.
Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, trong một thời gian dài, những tồn tại trong quản lý thực phẩm chức năng và dược, mỹ phẩm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Hiện nay trên thị trường tràn lan các sản phẩm chức năng, dược mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không có giấy phép nhưng được thổi phồng công dụng, quảng cáo sai sự thật dẫn đến rủi ro cho sức khỏe của người tiêu dùng.
“Với trách nhiệm quản lý của mình, xin Bộ trưởng cho biết các nguyên nhân chủ quan về các vấn đề nêu trên, đồng thời làm rõ thêm nguyên nhân, trách nhiệm của Bộ Y tế đối với các tồn tại, hạn chế trong quản lý các mặt hàng này và giải pháp trong thời gian tới” - đại biểu nêu câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho biết, tình trạng thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn được quảng cáo, rao bán công khai trên mạng xã hội. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá sự vào cuộc, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong thời gian qua của Bộ Y tế và giải pháp trong thời gian tới để quản lý tốt hơn tình trạng này?
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, với các thực phẩm chức năng xách tay mang về, nếu tiêu dùng cá nhân thì không quản lý. Nhưng nếu dùng các thực phẩm đó mang bán thì điều kiện kinh doanh thực phẩm chức năng phải được cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm và sản phẩm đó phải được dán nhãn phụ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Theo Bộ trưởng, hiện nay có tình trạng các sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc được bán tại các cửa hàng và được giới thiệu là sản phẩm xách tay, mua bán online trên mạng xã hội, livestream bán hàng. Các vấn đề này nếu bán hàng phải có đầy đủ quy định liên quan đăng ký sản phẩm theo quy định. Còn những người bán hàng, sản phẩm không có bản đăng ký này là vi phạm pháp luật.
Bộ trưởng cũng cho hay, đối với sản phẩm quảng cáo, theo quy định phải có giấy xác nhận nội dung quảng cáo được Sở Y tế, Sở An toàn thực phẩm các địa phương cấp. Như vậy, việc bán hàng online không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy tờ là sai quy định.
Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường kiểm soát bán hàng trên thị trường; tăng cường thông tin tuyên truyền với việc mua sản phẩm trôi nổi với người tiêu dùng để mua đúng, đảm bảo an toàn.
Đồng thời, Bộ Y tế cùng các Bộ sẽ thành lập đội phản ứng nhanh, khi phát hiện sai phạm theo chức năng sẽ có xử lý, đề xuất. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, hiện nay khó khăn nhất liên quan đến mạng xã hội. Bởi máy chủ của mạng xã hội ở nước ngoài nên việc kiểm soát nằm ngoài phạm vi của cơ quan chức năng.
Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý thực phẩm chức năng và mỹ phẩm theo hướng: Quy định chặt chẽ hơn các điều kiện kinh doanh, cũng như tăng các mức xử phạt đối với hành vi vi phạm; đẩy mạnh hoạt động của Ban chỉ đạo 389, các lực lượng như hải quan, biên phòng, quản lý thị trường và các tổ chức liên quan tăng cường phối hợp kiểm tra, ngăn chặn lưu thông hàng hóa trái phép trên thị trường. Đồng thời, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là ở cấp chính quyền địa phương để phát hiện những hành vi sai phạm và xử lý theo quy định….
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan
Cần sớm ban hành Luật Thương mại điện tử
Tham gia trả lời thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các Bộ, ngành, các địa phương trong quản lý hoạt động kinh doanh các sản phẩm dược, mỹ phẩm trên môi trường thương mại điện tử.
Cụ thể, Bộ đã chỉ đạo quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng hóa nhập lậu; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và các loại thuốc y học cổ truyền.
Đồng thời, Bộ giám sát và ngăn chặn kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh, khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua gom và tăng giá hàng hóa bất hợp lý; tăng cường kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá; tập trung đấu tranh chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025...
Đối với quản lý hoạt động kinh doanh, quảng cáo sai quy định các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược phẩm và các hàng hóa, dịch vụ khác trên môi trường thương mại điện tử, thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin, Bộ đã yêu cầu các chủ sàn thương mại điện tử chịu trách nghiệm khi các doanh nghiệp kinh doanh trên sàn. Bộ cũng chủ động phát hiện hoặc khi nhận được thông tin từ Bộ Y tế về các hành vi vi phạm, yêu cầu các sàn thương mại điện tử gỡ bỏ thông tin sai phạm...
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người tiêu dùng trong phân biệt hàng thật - giả; phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức cho người dân nhằm hạn chế sai phạm; tăng cường kiểm tra, xác minh chứng từ; rà soát, kiểm tra các kho bãi nhập lậu, điểm tập kết chuyển phát nhanh... tại các địa bàn trọng điểm trên cả nước; giám sát kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp, sử dụng mạng xã hội để kinh doanh thực phẩm chức năng, dược phẩm...
Để làm tốt công tác quản lý trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm cho phép nghiên cứu, đề xuất ban hành Luật Thương mại điện tử để có công cụ quản lý đủ mạnh và đồng bộ; đề nghị Quốc hội sớm thông qua sửa đổi Luật Dược tại Kỳ họp này và Luật Hóa chất vào đầu kỳ họp tới hoặc kỳ họp gần nhất để có cơ sở quản lý tốt hơn trong kinh doanh dược mỹ phẩm và thương mại điện tử.