Giải pháp phát triển sản phẩm văn hóa lễ hội sông nước Sóc Trăng
Sóc Trăng là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, với nhiều lễ hội truyền thống tiêu biểu của 3 dân tộc anh em: Kinh - Khmer - Hoa. Đây là một trong những tỉnh có hệ thống sông ngòi chằng chịt và văn hóa đa dạng, có tiềm năng lớn để phát triển các lễ hội sông nước đặc sắc. Do đó, Sóc Trăng cần phải có sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội sông nước mang bản sắc của tỉnh, có sức hấp dẫn mạnh mẽ khách du lịch và công chúng, góp phần xây dựng thương hiệu địa phương và nâng cao doanh thu du lịch của tỉnh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong việc tổ chức, quản lý, khai thác lễ hội văn hóa, sông nước để phát triển du lịch tại các địa phương. Cũng như đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội trên sông Maspero của thành phố Sóc Trăng và các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long; đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội của chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng)...
Tiến sĩ Trịnh Công Lý - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Sóc Trăng cho rằng: “Văn hóa lễ hội sông nước là sản phẩm khá mới đối với Sóc Trăng và đa số các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Do đó cần nghiên cứu học tập kinh nghiệm, gần đây nhất là của Thành phố Hồ Chí Minh. Cần đánh giá đúng thế mạnh và nguồn lực của Sóc Trăng để triển khai dự án. Nếu tổ chức tốt, cho ra đời sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội trên sông Maspero sẽ là bước tiến mới của du lịch tỉnh Sóc Trăng, trong điều kiện các tỉnh cũng đang tìm lối ra cho ngành du lịch”.
Còn Tiến sĩ Hà Kiên Tân đưa ra ý tưởng về sản phẩm du lịch “Đêm di sản văn hóa trên dòng sông Maspero” có thể được xem là cách tiếp cận mới theo hướng phát triển du lịch bền vững tập trung vào các di sản văn hóa. Đây còn là nơi tập trung các lễ hội của 3 cộng đồng dân tộc Kinh - Khmer - Hoa. Đặc biệt là Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2021 và đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận Kỷ lục là môn thể thao có số lượng ghe ngo và vận động viên đông nhất Việt Nam từ năm 2005 đến nay. Nơi đây cũng là trung tâm của các hoạt động nghệ thuật ca, múa nhạc truyền thống của 3 dân tộc, trong đó, nghệ thuật sân khấu rô băm (của cộng đồng Khmer) và nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ (của người Kinh) đã được công nhận là di tích văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ngoài ra, nơi đây còn là một trung tâm văn hóa ẩm thực của tỉnh, nơi có mật độ nhà hàng, quán xá đông đúc, nơi hội tụ hầu hết các đặc sản của tỉnh như bánh pía, lạp xưởng, bánh phồng tôm, mè láo, các loại bánh dân gian truyền thống, các loại khô cá; các món đặc sản như bún nước lèo…
Hội thảo là nhằm báo cáo khái quát kết quả nghiên cứu Đề tài “Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội sông nước mang bản sắc của tỉnh Sóc Trăng” với sự hướng dẫn của chủ nhiệm đề tài là Tiến sĩ Lê Cao Thanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh.