Giải pháp phòng, chống sạt lở bờ sông Cầu
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030. Theo đó, đối với Thái Nguyên, có nhiều giải pháp cả cấp bách và lâu dài nhằm phòng, chống sạt lở trên các tuyến sông, đặc biệt là sông Cầu.
Phổ Yên và Phú Bình là hai địa phương nằm dọc tuyến sông Cầu, có chiều dài đê phòng lũ lớn nhất tỉnh. Thời gian qua, mặc dù công tác đầu tư xây dựng kè, cống bảo vệ đê được cải thiện rất nhiều nhưng không tránh khỏi tình trạng xuống cấp ở một số công trình. Mặt khác, hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên dọc tuyến sông Cầu vẫn chưa được giải quyết dứt điểm dẫn đến tình trạng sạt lở bờ soi, tác động xấu đến chân đê làm mất an toàn phòng lũ. Riêng T.X Phổ Yên hiện có tới 31,5km đê, chiếm 65% hệ thống đê toàn tỉnh. Một số vị trí đê, bờ sông có dấu hiệu sạt lở gồm: Kè đê xóm Soi, xã Đông Cao (khiến một số vị trí nhà ở của người dân gặp nguy hiểm), kè Phù Lôi, xã Thuận Thành (do hoạt động khai thác cát sỏi cách đó không xa làm xói lở đất canh tác gần đê)… Tại huyện Phú Bình, hoạt động khai thác cát sỏi trái phép cũng khiến nhiều đoạn bờ sông bị sạt lở, tiến sâu vào đất liền cả chục mét.
Đây là thực trạng đáng báo động, cần có giải pháp hiệu quả để phòng chống, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. Theo Kế hoạch của UBND tỉnh, mục tiêu thực hiện đến năm 2030 sẽ là hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm, xung yếu ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, hệ thống đê điều, cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ven sông; hoàn thành việc chỉnh trị ổn định dòng chảy một số đoạn sông có diễn biến xói bồi phức tạp; chủ động sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông.
Về trước mắt, tỉnh sẽ tổ chức cắm biển báo tại những khu vực bị sạt lở và có quy cơ cao xảy ra sạt lở. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông, khắc phục tình trạng mất cân bằng bùn cát để hạn chế nguy cơ sạt lở, ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép. Tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực bờ sông bị sạt lở, bố trí tái định cư theo hình thức xen ghép hoặc tại khu tập trung sao cho phù hợp. Tiến hành xây dựng các công trình khắc phục sự cố sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng ven sông. Kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng công trình ven sông tránh bị ảnh hưởng do sạt lở. Về lâu dài, tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức về phòng, chống sạt lở bờ sông; quy hoạch sắp xếp lại dân cư vùng nguy cơ sạt lở; xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát diễn biến sạt lở; xây dựng các công trình chỉnh trị, phòng chống sạt lở bờ sông…
Tỉnh cũng giao các sở, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án của Chính phủ. Trong đó, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp triển khai, tham mưu báo cáo UBND tỉnh và bộ chủ quản định kỳ hoặc đột xuất về tiến độ thực hiện Kế hoạch. Được biết, một trong những mục tiêu quan trọng của được đặt ra ở đây chính là giúp tỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu về sạt lở bờ sông và bản đồ về hiện trạng sạt lở, công trình phòng chống sạt lở bở sông trên địa bàn để làm cơ sở chủ động ứng phó từ xa.