Giải pháp tăng cường thông tin dự báo kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19
Dịch COVID-19 đã làm thay đổi nội dung và cách thức đưa tin nhất là trong lĩnh vực thông tin kinh tế. Điều này đòi hỏi cần có các giải pháp để thích ứng.
Đại dịch COVID-19 như siêu bão quét qua đời sống kinh tế - xã hội... và đối với báo chí không nằm ngoài sự ảnh hưởng đó. Kể từ khi bùng phát dịch COVID-19 đến nay, báo chí đã đồng hành cùng các cơ quan chức năng chống dịch. Thông tin của báo chí nhanh chóng, kịp thời và chính xác, đóng góp tích cực và có hiệu quả cho cuộc chiến chống dịch COVID- 19.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi nội dung và cách thức đưa tin nhất là trong lĩnh vực thông tin kinh tế. Đại dịch COVID-19 cho thấy cách thức đưa tin truyền thống không còn phù hợp trong khi báo chí đa phương tiện đang đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của bạn đọc.
Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều thói quen bị thay đổi; trong đó có thói quen tiếp cận thông tin của bạn đọc và thay đổi cả cách thức truyền tin của các cơ quan báo chí. Với các tòa soạn và mỗi phóng viên, sự thay đổi trong tác nghiệp là minh chứng rõ nét nhất cho việc sáng tạo để thích ứng trước những diễn biến bất ngờ như cơn đại dịch vừa qua.
Để đáp ứng được nhiều hơn trong bối cảnh mới, đòi hỏi TTXVN cũng cần có sự thay đổi nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin ngày càng cao và đa dạng của xã hội. Trước thực tiễn đó, Ban biên tập Tin kinh tế đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành: “Phân tích dự báo thông tin kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và giải pháp của TTXVN”.
Đề tài đã nhận thức rõ vai trò và xác định thông tin kinh tế là một trong những công cụ thiết yếu trong điều hành kinh tế vĩ mô nhằm đưa nền kinh tế và các hoạt động xã hội phát triển theo hướng bền vững, tránh những xáo động lớn có thể làm đảo lộn những mục tiêu ban đầu. Đồng thời, thông tin kinh tế giúp các cơ quan quản lý chủ động đưa ra những quyết sách, giải pháp để phát huy các yếu tố thuận lợi, hạn chế những bất lợi có thể xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 xuất hiện và vẫn đang ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong bối cảnh đó, vai trò của TTXVN đối với việc cung cấp thông tin càng trở nên quan trọng. Đặc biệt là nhu cầu thông tin kinh tế để ứng phó với đại địch, đứng vững, làm mới mình và hòa vào dòng chảy kinh tế của thế giới.
Để tăng cường thông tin và dự báo thông tin kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 hay bất cứ đại dịch hoặc tình huống khẩn cấp nào, đề tài đã đưa ra một số đề xuất kiến nghị:
Trước hết, cần xây dựng kịch bản thông tin và cơ chế vận hành dự phòng cho những tình huống khẩn cấp
Dịch COVID-19 đã và đang tác động tới đời sống xã hội toàn thế giới, làm thay đổi nhu cầu tiếp nhận thông tin và cách thức tiếp nhận thông tin của công chúng, từ đó cũng làm thay đổi phương thức hoạt động của các hãng truyền thông trên thế giới. Trong bối cảnh này, với tư cách là hãng thông tấn quốc gia có uy tín cao trong khu vực và trên thế giới, TTXVN cung cấp thông tin kinh tế chính thống, góp phần định hướng dư luận, TTXVN cần xây dựng một kịch bản thông tin và cơ chế vận hành dự phòng cho những tình huống khẩn cấp, những tình huống nghiêm trọng, tránh tình trạng lúng túng, bị động, thậm chí là đứt mạch thông tin.
Để thích ứng trong bối cảnh dịch COVID-19, TTXVN cũng cần xây dựng chiến lược thông tin dài hơi, thông tin định kỳ trong bối cảnh dịch COVID-19 (và cả hậu COVID). Các chiến lược thông tin phải xuất phát từ:
Trong bối cảnh dịch COVID-19, hơn bao giờ hết, thông tin kinh tế của TTXVN càng phải khẳng định vai trò quan trọng bằng việc tham gia cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tường, chống lại các quan điểm thù địch, các thông tin có dụng ý xấu để phá hoại môi trường đầu tư và sản xuất trong nước…Cung cấp nhiều thông tin có giá trị tham khảo trong lĩnh vực kinh tế để phục vụ đắc lực cho sự nghiệp lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. TTXVN xây dựng đội ngũ chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực báo chí nói chung và trong một số lĩnh vực kinh tế vĩ mô, góp phần nâng cao chất lượng thông tin kinh tế; tham gia vào quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thứ hai, TTXVN cần tái cơ cấu theo hướng tăng cường phương thức đa phương tiện
Trong bối cảnh dịch COVID-19, nhiều lĩnh vực và ngành nghề kinh tế bị cuốn vào “vòng xoáy” tiêu cực của cuộc khủng hoảng, ngành báo chí, truyền thông cũng không phải ngoại lệ. Đại dịch còn tác động rất lớn tới điều kiện tác nghiệp, khối lượng công việc và cả sự an toàn của các nhà báo, đặc biệt là những nhà báo tác nghiệp ở các quốc gia có bất ổn chính trị và tỷ lệ lây nhiễm cao.
Cùng quyết tâm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, áp dụng những cách truyền tải thông tin hiện đại và sinh động, các nhà báo đã và đang thực hiện tốt trách nhiệm tác nghiệp an toàn trong dịch, đảm bảo vai trò cầu nối mang thông tin nhanh và chính xác nhất đến với độc giả. Những nỗ lực của đội ngũ nhà báo đã góp phần tích cực vào sứ mệnh cao cả bảo vệ sức khỏe người dân trên toàn cầu và đẩy lùi dịch bệnh.
Đây cũng là những thực tiễn mà TTXVN đã trải qua trong gần hai năm ứng phó với dịch COVID-19. Thông tin kinh tế của TTXVN cần thay đổi để thích ứng theo hướng cải tổ quy mô lớn và toàn diện theo hướng chuyển đổi số. Điều này đòi hỏi trước tiên là quyết tâm cao độ của đội ngũ lãnh đạo dám dành nguồn lực con người và tài chính đầu tư để thu hút độc giả và cạnh tranh trong một thị trường hiện đang quá tải về mặt tin tức. Sau đó, là tìm ra các chiến lược, giải pháp và dẫn dắt các phòng ban, đội ngũ của mình cùng thực hiện mục tiêu chung đó.
Thứ ba, cần được ưu tiên tiếp cận thông tin đối với phóng viên TTXVN
Cần tăng quyền được ưu tiên tiếp cận thông tin đối với các phóng viên của TTXVN với tư cách là hãng thông tấn quốc gia duy nhất của Đảng và Nhà nước. Khác với các cơ quan báo chí khác, thông tin của TTXVN là thông tin nguồn cung cấp cho các tờ báo, các hãng truyền thông để từ đó lan tỏa luồng thông tin chính thống và có định hướng tới từng người đọc. Vì vậy, trong bối cảnh chiến tranh, địch họa, thiên tai hoặc dịch bệnh, TTXVN cần được tăng quyền ưu tiên tiếp cận thông tin, là đơn vị được quyền tiếp cận thông tin sớm nhất để có thông tin kịp thời và chính xác nhất, có định hướng có lợi cho đất nước, cho người dân trong thời điểm cấp bách, tránh đưa tin một cách tự nhiên chủ nghĩa, đưa tin giật gân, tin không được kiếm soát, gây hoang mang cho xã hội.
Với chức năng của hãng Thông tấn quốc gia, thông tin của TTXVN là thông tin đầu nguồn cung cấp cho các cơ quan truyền thông, rồi từ đó lan tỏa tới độc giả. Ngoài chức năng thông tấn nhà nước, TTXVN cũng thực hiện nhiệm vụ thông tin tham khảo, thông tin báo cáo tới lãnh đạo đảng và Nhà nước. Đây cũng là điểm đặc thù và khác biệt giữa TTXVN và các cơ quan truyền thông khác. Trong bối cảnh dịch bệnh, TTXVN cung cấp thông tin chính xác, tin cậy và phong phú cho hệ thống truyền thông và cho công chúng, góp phần định hướng dư theo quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trong hoạt động xây dựng chính sách, điều hành, quản lý kinh tế đất nước theo các kết hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19 và hậu COVID-19…. Đây chính là lý do lý giải vì sao việc tăng quyền được ưu tiên tiếp cận thông tin đối với hãng thông tấn của Nhà nước là cần thiết.
Thứ tư, cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực
Xây dựng TTXVN thành một cơ quan thông tấn đa phương tiện, đa nền tảng; cung cấp thông tin chính xác, tin cậy, phong phú và kịp thời cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cho hệ thống báo chí-truyền thông và cho công chúng trong và ngoài nước; có nền tảng công nghệ hiện đại, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng; có đội ngũ phóng viên, biên tập viên chuyên nghiệp, đủ phẩm chất, năng lực; làm nòng cốt trong định hướng tư tưởng, tạo đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời đóng vai trò chủ lực trong thông tin đối ngoại, thông qua đó chủ động hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của thông tin độc hại, thông tin không được kiểm chứng trên mạng xã hội.
Xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên có trình độ và phẩm chất chính trị tốt, có năng lực nghiệp vụ báo chí kinh tế, có khả năng tác nghiệp thành thạo các phương tiện công nghệ hiện đại (truyền hình, báo điện tử, thông tin trên các thiết bị di động…
Tóm lại, khi nền kinh tế đất nước đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới thì thông tin kinh tế đòi hỏi tiếp tục phải nâng cao về chất lượng, củng cố về mặt tổ chức hệ thống dự báo; xây dựng phương pháp luận dự báo thích hợp; quy trình dự báo, công bố kết quả dự báo phải được hình thành một cách khoa học để giúp công tác hoạch định chính sách, xây dựng và điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội một cách thuận lợi và chủ động.
Trong quá trình hoạch định chính sách, việc ban hành các quyết định không thể thiếu công tác thông tin, dự báo và cảnh báo kinh tế, thậm chí nó còn được coi là yếu tố quan trọng trong các kế hoạch hành động. Nền kinh tế phải chịu các tác động nhanh, mạnh của những chuyển biến trên thị trường thế giới, nhiều vấn đề xã hội mới nảy sinh trong mùa dịch.
Do vậy, để có thể đối phó và ngăn ngừa những nguy cơ, hậu quả tiêu cực của dịch bệnh thì thông tin kinh tế cần phải được đẩy mạnh như là một kênh hữu hiệu trong việc giám sát nền kinh tế, hỗ trợ cho công tác điều hành của Chính phủ một cách nhanh nhạy, định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và hành vi của cộng đồng.
Kỷ nguyên công nghệ số cũng đòi hỏi thông tin kinh tế phải có những cải tiến và đổi mới hơn nữa. Trước những yêu cầu đó, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thông tin, dự báo và cảnh báo kinh tế là nhiệm vụ quan trọng để TTXVN nâng cao chất lượng và độ chính xác cao cho lĩnh vực này.
Đồng thời, mở rộng và đẩy mạnh việc thu thập, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế thế giới và khu vực, các thị trường và đối tác chiến lược. Hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế và các nước trong lĩnh vực dự báo và cảnh báo tình hình kinh tế thế giới và những lĩnh vực nhạy cảm như: thị trường xuất nhập khẩu, thị trường tài chính - tiền tệ, thị trường công nghệ, thị trường lao động...). Hàng năm, các nguồn thông tin kinh tế từ cơ quan ngoại giao, nhất là các cơ quan thường trú nước ngoài cần được chia sẻ hơn nữa cho các cơ quan tổng hợp, cơ quan dự báo ở tầm vĩ mô./.
Đề tài khoa học "Phân tích dự báo thông tin kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 và giải pháp của TTXVN" do Ban biên tập Tin kinh tế- TTXVN thực hiện.
Chủ nhiệm đề tài: Bùi Thị Mai Phương
Thư ký khoa học: Nguyễn Quốc Huy