Giải pháp then chốt giúp Tiền Giang giảm tỉ lệ tử vong do COVID-19

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có những chia sẻ với PV Báo Sức khỏe & Đời sống về công tác điều trị F0 tại tỉnh Tiền Giang, bên lề buổi kiểm tra về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh này, ngày 14/9.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về công tác điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại tỉnh Tiền Giang hiện nay?

Ông Nguyễn Trọng Khoa: So với thời gian đầu, công tác điều trị tại tỉnh Tiền Giang hiện đã có những bước chuyển biến tích cực. Trong giai đoạn trước, chúng tôi hết sức lo ngại về công tác điều trị tại Tiền Giang, đây là một trong những địa phương có tỉ lệ tử vong cao.

Khi dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn với số ca nhiễm tăng nhanh, nhiều ca bệnh chuyển nặng, công tác điều trị chủ yếu dựa vào đội ngũ y bác sĩ tại Tiền Giang, với sự hỗ trợ của Đoàn Công tác Bộ Y tế và đoàn chi viện của Bệnh Viện Hữu Nghị Việt Xô, Tiền Giang đã triển khai được một số Trung tâm hồi sức cấp cứu cùng với các cơ sở điều trị ở các tầng khác, nhờ đó tỉ lệ tử vong của Tiền Giang đã có xu hướng giảm.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế, Bộ phận Thường trực đặc biệt sẽ có những giải pháp như thế nào để nâng cao công tác điều trị và giảm tỉ lệ tử vong tại Tiền Giang, thưa ông?

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Để đảm bảo công tác điều trị tiếp tục được cải thiện, giảm tỉ lệ tử vong, trong thời gian tới, ngoài việc củng cố, nâng cao chất lượng cho đội ngũ y, bác sĩ tại các cơ sở điều trị, đặc biệt là tại các trung tâm hồi sức tích cực, Tiền Giang cần áp dụng thêm một số giải pháp để giảm tỉnh trạng bệnh nhân trở nặng ở tầng 1, 2.

Thứ nhất, cần thiết lập, phối hợp chỉ đạo tuyến, giao ban trực tuyến, chuyển giao kỹ thuật và hội trẩn đối với các ca bệnh có diễn biến nhanh từ tầng 2 để kịp thời chuyển tuyến lên các trung tâm hồi sức, từ đó tăng khả năng cứu chữa cho các bệnh nhân diễn biến nặng.

Thứ hai, chúng ta cần quan tâm đến công tác điều trị tại tầng 1, đối với các F0 không triệu chứng, làm sao phân loại thật tốt, xác định các trường hợp có nguy cơ cao để kịp thời chuyển tuyến, đưa lên điều trị tại các cơ sở tầng 2. Đồng thời theo dõi sát các trường hợp có diễn biến nhanh, cung cấp đủ các loại thuốc kháng đông, kháng viêm,… qua đó ngăn ngừa tình trạng chuyển nặng của các bệnh nhân.

Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng cần xem xét, đưa vào áp dụng các trạm y tế lưu động, tổ y tế lưu động ở những nơi nguy cơ cao và rất cao, để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, can thiệp kịp thời đối với các trường hợp có diễn biến nặng. Các tổ này vừa hỗ trợ Trạm y tế phường/xã, vừa đáp ứng yêu cầu cấp thiết của bệnh nhân tại nhà, khám, cấp cứu tại chỗ cùng một số thuốc men có thể xử lý tại chỗ cho bệnh nhân. Đồng thời, hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân có bệnh mãn tính trên địa bàn.

Ngoài ra, Tiền Giang có thể áp dụng nghiên cứu lâm sàng, thử nghiệm thuốc kháng virus vì theo đánh giá ban đầu của Bộ Y tế, đây là loại thuốc cũng có những tác dụng nhất định giúp cải thiện, giảm nguy cơ chuyển nặng của bệnh nhân COVID-19.

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//giai-phap-then-chot-giup-tien-giang-giam-ti-le-tu-vong-do-covid-19-169210915164309116.htm