Giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam
Yêu cầu tất yếu đặt ra vấn đề về chuyển dịch sang một hệ thống năng lượng mới – không chỉ sạch và tái tạo, mà còn thông minh và hiệu quả.

I. BỐI CẢNH VÀ YÊU CẦU CẤP BÁCH CHUYỂN DỊCH NĂNG LƯỢNG TẠI VIỆT NAM
Việt Nam đang đứng trước hai áp lực lớn: nhu cầu năng lượng tăng vọt do quá trình công nghiệp hóa – đô thị hóa và cam kết mạnh mẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong đó, đô thị và khu công nghiệp tiêu thụ hơn 60–70% tổng sản lượng điện quốc gia, gây sức ép lên hạ tầng, tài nguyên và môi trường. Ở góc độ chuyên môn, điều này đặt ra yêu cầu tất yếu về chuyển dịch sang một hệ thống năng lượng mới – không chỉ sạch và tái tạo, mà còn thông minh và hiệu quả. Tuy nhiên, để đạt được điều này, Việt Nam phải vượt qua những rào cản về thể chế, công nghệ và kinh tế mà hệ thống hiện tại đang đối mặt.
II. ĐÔ THỊ VÀ CÔNG NGHIỆP – HAI TRỤ CỘT CẦN ĐỘT PHÁ TRONG HỆ SINH THÁI NĂNG LƯỢNG
1. Đô thị xanh – Hướng tới tự chủ năng lượng phân tán
Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, mật độ dân cư cao và nhu cầu sử dụng điện ngày càng lớn, điện mặt trời áp mái nổi lên như một giải pháp chiến lược để thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững tại các tỉnh, thành phố Việt Nam. Không chỉ góp phần đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, mô hình này còn mang lại lợi ích về môi trường, kinh tế, và kỹ thuật, góp phần hiện thực hóa mục tiêu chuyển dịch sang hệ thống năng lượng phân tán và thông minh.
a. Tiềm năng vượt trội về tự nhiên và không gian
Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa với mức bức xạ mặt trời trung bình cao, dao động từ 4.5 đến 5.2 kWh/m²/ngày – đặc biệt ổn định tại các vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đây là mức lý tưởng để phát triển điện mặt trời, trong đó điện mặt trời áp mái là hình thức tận dụng không gian sẵn có – đặc biệt là tại đô thị, nơi mặt bằng đất đai bị giới hạn.
Ở các đô thị như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng... tỷ lệ mái nhà bê tông và các công trình cao tầng dày đặc tạo nên một “lưới không gian năng lượng tiềm ẩn” – nếu được khai thác đồng bộ, mỗi mái nhà có thể trở thành một “nhà máy điện mặt trời thu nhỏ”. Điều này giúp: Phân tán nguồn phát, giảm tải cho lưới điện trung tâm vào giờ cao điểm; Góp phần ổn định điện áp khu vực; Giảm thất thoát truyền tải và tổn hao năng lượng; Tăng tính tự chủ năng lượng cho hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ. Theo ước tính, nếu chỉ cần 30% diện tích mái nhà tại các đô thị lớn được khai thác lắp đặt điện mặt trời áp mái, công suất tiềm năng có thể đạt trên 10.000 MWp – tương đương với nhiều nhà máy nhiệt điện quy mô lớn, nhưng với chi phí vận hành và phát thải bằng 0.
b. Giải pháp chính sách và công nghệ thúc đẩy điện mặt trời áp mái

* Ban hành cơ chế khuyến khích phù hợp với đặc thù đô thị
Việc phát triển điện mặt trời áp mái cần một cơ chế rõ ràng, minh bạch và ổn định, phù hợp với quy mô nhỏ – phân tán tại đô thị. Một số chính sách then chốt gồm:
Cho phép đấu nối thuận lợi vào lưới hạ áp hoặc trung áp, rút ngắn thời gian phê duyệt và đơn giản thủ tục kết nối.
Áp dụng cơ chế thanh toán bù trừ giữa lượng điện phát và tiêu thụ, giúp hộ gia đình/doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí điện.
Miễn giấy phép đầu tư, vận hành đối với hệ thống dưới 1 MWp, nhằm giảm rào cản tiếp cận và khuyến khích hộ cá thể, trường học, bệnh viện, khách sạn tham gia.
Hỗ trợ tín dụng xanh, miễn/giảm thuế thiết bị năng lượng mặt trời nhập khẩu, tạo điều kiện giảm chi phí ban đầu cho người dân.
* Tích hợp hệ thống lưu trữ và điều khiển thông minh
Điện mặt trời có tính gián đoạn theo chu kỳ ngày – đêm và thời tiết. Do đó, để đảm bảo ổn định cung cấp, cần tích hợp hệ thống lưu trữ và quản lý thông minh.
Pin lưu trữ quy mô hộ gia đình hoặc cụm công trình giúp lưu điện dư vào ban ngày để dùng ban đêm hoặc giờ cao điểm.
Bộ điều khiển thông minh (Inverter + EMS) cho phép đo đếm và tối ưu luồng điện giữa nguồn – tải – lưu trữ, theo thời gian thực.
Cảm biến và IoT năng lượng giúp giám sát từ xa, cảnh báo sự cố, tối ưu hiệu suất vận hành và dự báo nhu cầu tiêu thụ.
Đặc biệt, việc khuyến khích xe điện (EV) trở thành một phần của hệ sinh thái năng lượng thông minh (như pin di động, tải linh hoạt) sẽ mở ra hướng phát triển Vehicle-to-Grid (V2G) – xe vừa là phương tiện, vừa là nguồn lưu trữ điện hỗ trợ lưới.
* Phát triển lưới điện thông minh (Smart Grid) cấp đô thị
Điện mặt trời áp mái chỉ phát huy tối đa hiệu quả khi được kết nối trong một lưới điện thông minh – nơi các thành phần như hộ tiêu dùng, nguồn phát phân tán, pin lưu trữ và EV đều được kết nối, điều phối bằng dữ liệu. Lưới thông minh cấp đô thị cho phép trao đổi điện năng hai chiều, tối ưu hóa phân phối điện theo vùng, theo thời gian và theo giá. Đồng thời, tăng khả năng dự báo phụ tải và tích hợp năng lượng tái tạo, giúp giảm nguy cơ quá tải cục bộ, sẽ cho phép các mô hình cộng đồng năng lượng (energy communities), nơi người dân chia sẻ, mua bán điện lẫn nhau thông qua nền tảng số. Trong dài hạn, mô hình này sẽ dẫn đến nền kinh tế năng lượng chia sẻ (peer-to-peer energy market) – nơi điện được tiêu thụ tại chỗ, từ nhà này sang nhà khác, giảm phụ thuộc vào lưới điện trung tâm.
2. Công nghiệp xanh – Nền tảng cho FDI thế hệ mới
Trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, các tiêu chuẩn ESG đã trở thành tiêu chí bắt buộc để các tập đoàn đa quốc gia lựa chọn điểm đến đầu tư. Điều này tạo nên một xu hướng mới: FDI thế hệ mới không chỉ tìm kiếm chi phí thấp và lao động dồi dào, mà còn đòi hỏi hệ sinh thái công nghiệp xanh – thông minh – bền vững. Với vị trí chiến lược tại Đông Nam Á, Việt Nam có cơ hội bứt phá trở thành trung tâm sản xuất xanh khu vực, nếu chủ động tái cấu trúc hạ tầng năng lượng trong khu công nghiệp (KCN).
Các khu công nghiệp – Điểm nóng tiêu thụ năng lượng và phát thải
Tại Việt Nam, các KCN là khu vực vận hành liên tục 24/7, tập trung nhiều ngành tiêu thụ điện lớn như sản xuất thép, xi măng, dệt may, điện tử và chế biến thực phẩm. Theo số liệu thống kê, khu vực công nghiệp chiếm khoảng 47–50% tổng tiêu thụ điện năng quốc gia, đồng thời đóng góp tỷ lệ phát thải CO₂ cao nhất trong cơ cấu kinh tế.
Với việc tiếp tục sử dụng nguồn điện truyền thống (nhiệt điện than, dầu FO/DO) khiến doanh nghiệp đối mặt với nhiều rủi ro như Chi phí điện ngày càng cao; Hạn chế tiếp cận các thị trường xuất khẩu yêu cầu tiêu chuẩn xanh (EU, Mỹ, Nhật…); Khó đạt chứng nhận ESG, ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư và hợp tác toàn cầu,…
Mô hình công nghiệp xanh – Chiến lược chuyển dịch năng lượng thông minh
Để nâng cao khả năng cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, cần thúc đẩy mô hình công nghiệp xanh dựa trên năng lượng tái tạo, quản trị thông minh và số hóa toàn diện. Dưới đây là các giải pháp then chốt:
a) Đồng bộ hóa điện mặt trời áp mái trong khu công nghiệp
Lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái trên các nhà xưởng, kho bãi, bãi đậu xe và công trình phụ trợ giúp Tận dụng tối đa diện tích nhàn rỗi; Cung cấp nguồn điện ổn định tại chỗ, giảm phụ thuộc lưới điện quốc gia; Giảm chi phí vận hành dài hạn; Góp phần giảm phát thải phạm vi 2 theo tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, việc triển khai đồng bộ giữa nhiều doanh nghiệp trong cùng KCN sẽ tạo ra “lưới điện cộng đồng nội bộ”, nâng cao hiệu quả chia sẻ năng lượng.
b) Áp dụng hợp đồng mua bán điện trực tiếp (PPA)
Hiện nay, mô hình PPA – hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà đầu tư năng lượng tái tạo và doanh nghiệp sử dụng điện – đang là xu hướng toàn cầu. Tại Việt Nam, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho mô hình để khuyến khích doanh nghiệp FDI chủ động đầu tư và sử dụng điện sạch.
c) Tích hợp phần mềm quản lý năng lượng (EMS)
Phần mềm Energy Management System – EMS đóng vai trò trung tâm trong hệ sinh thái công nghiệp xanh, là công cụ cho doanh nghiệp Giám sát thời gian thực tất cả thiết bị, khu vực sản xuất; Phân tích dòng năng lượng điện – nhiệt – khí nén; Cảnh báo khi tiêu thụ vượt ngưỡng tối ưu; Cung cấp dữ liệu phục vụ báo cáo ESG, kiểm toán năng lượng,…Việc kết hợp EMS với hạ tầng cảm biến (IoT) và giao diện điều khiển tập trung sẽ tạo nên nền tảng quản trị năng lượng thông minh và minh bạch, phù hợp với các tiêu chuẩn ISO 50001, GHG Protocol.
d) Ứng dụng AI và Dữ liệu lớn trong vận hành
Trí tuệ nhân tạo (AI) và Phân tích dữ liệu lớn (Big Data) giúp doanh nghiệp: Dự báo phụ tải năng lượng theo mùa vụ, giờ cao điểm, hoặc tình trạng thiết bị; Tối ưu lịch vận hành máy móc để tiết kiệm điện mà không ảnh hưởng đến năng suất; Thực hiện bảo trì dự đoán (Predictive Maintenance) dựa trên dữ liệu rung động, nhiệt độ, áp suất...; Tự động điều chỉnh mức tải theo biến động giá điện hoặc hạn mức tiêu thụ. Đây là bước chuyển quan trọng từ mô hình công nghiệp “phản ứng – vận hành theo kinh nghiệm” sang mô hình “chủ động – tối ưu theo thuật toán”, tạo lợi thế cạnh tranh dài hạn.
e) Xây dựng nhà máy số hóa năng lượng
Mô hình mô phỏng số đầy đủ các quá trình tiêu thụ và biến đổi năng lượng trong nhà máy: điện, hơi nước, nhiệt, khí nén... Qua đó: Xác định điểm rò rỉ, hao hụt, vận hành sai lệch; Tối ưu cấu hình thiết bị và đường dẫn năng lượng; Chạy mô phỏng các kịch bản vận hành trước khi thực thi thực tế; Phối hợp với EMS và AI để đưa ra quyết định tức thời. Việc triển khai Digital Twin không chỉ nâng cao hiệu suất năng lượng mà còn chuẩn hóa quy trình kiểm toán năng lượng, phục vụ minh bạch báo cáo carbon theo yêu cầu quốc tế.
3. Lợi ích chiến lược và khả năng lan tỏa
Việc chuyển đổi sang công nghiệp xanh dựa trên năng lượng tái tạo và số hóa mang lại loạt lợi ích đồng thời:
- Về môi trường: Giảm phát thải CO₂ trực tiếp và gián tiếp (Scope 1 & 2), cải thiện chất lượng không khí trong khu công nghiệp.
- Về kinh tế: Giảm chi phí điện dài hạn, tăng tính ổn định sản xuất, dễ tiếp cận tài chính xanh và đối tác ESG.
- Về chính sách: Góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bền vững và trung hòa carbon.
- Về thu hút đầu tư: Nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt trong thu hút FDI có yêu cầu cao về “dấu chân carbon” và chuỗi cung ứng xanh.
Công nghiệp xanh không chỉ là yêu cầu bắt buộc mà còn là lợi thế chiến lược mới trong cuộc cạnh tranh toàn cầu về thu hút đầu tư. Với việc tích hợp điện mặt trời, PPA, EMS, AI, Digital Twin vào trong vận hành nhà máy, Việt Nam có thể xây dựng mô hình khu công nghiệp thế hệ mới – “Smart Green Industrial Park”, sẵn sàng tiếp nhận FDI có hàm lượng công nghệ và cam kết môi trường cao. Đây chính là con đường nhanh nhất để Việt Nam vừa phát triển công nghiệp, vừa đi đầu trong chuyển dịch năng lượng bền vững của khu vực.
III. NHỮNG RÀO CẢN CHÍNH VÀ GIẢI PHÁP THÁO GỠ
1. Hạ tầng truyền tải và lưu trữ chưa đồng bộ
Một trong những rào cản lớn nhất hiện nay trong quá trình phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam là sự thiếu đồng bộ của hạ tầng truyền tải và hệ thống lưu trữ điện năng. Các nguồn điện gió và điện mặt trời – vốn chủ yếu tập trung tại các khu vực có điều kiện tự nhiên thuận lợi như Ninh Thuận, Bình Thuận và Tây Nguyên – lại nằm cách xa các trung tâm tiêu thụ lớn như TP.HCM, Hà Nội hay các khu công nghiệp tập trung. Tuy nhiên, hệ thống lưới truyền tải hiện tại chưa được đầu tư tương xứng cả về công suất và độ linh hoạt, dẫn đến tình trạng “thừa điện tại chỗ nhưng thiếu điện nơi cần dùng”, làm gia tăng tỷ lệ điện năng phải cắt giảm, gây lãng phí tài nguyên và giảm hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, việc thiếu các hệ thống lưu trữ điện quy mô lớn khiến lượng điện tái tạo sản sinh vào giờ thấp điểm không thể khai thác hoặc dự trữ để sử dụng hiệu quả vào giờ cao điểm.
Để khắc phục thực trạng này, cần đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống truyền tải điện thông minh, có khả năng tự điều chỉnh và linh hoạt theo thời gian thực, từ đó nâng cao khả năng tiếp nhận và phân phối năng lượng tái tạo. Đồng thời, cần thúc đẩy phát triển các mô hình microgrid (lưới điện cục bộ) kết hợp với hệ thống lưu trữ phân tán (Battery Energy Storage Systems – BESS). Những mô hình này sẽ cho phép tích trữ điện tại chỗ và sử dụng linh hoạt theo nhu cầu thực tế của từng khu vực hoặc cộng đồng, giúp tối ưu hóa hiệu suất khai thác năng lượng tái tạo, giảm áp lực lên hệ thống truyền tải quốc gia và tăng khả năng cung cấp điện ổn định trong điều kiện thời tiết biến động. Đây chính là giải pháp chiến lược để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu tích hợp sâu năng lượng tái tạo vào lưới điện quốc gia một cách hiệu quả và bền vững.
2. Chi phí đầu tư cao, thiếu cơ chế tài chính xanh
Một trong những rào cản đáng kể đối với quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam hiện nay là chi phí đầu tư ban đầu cao và sự thiếu hụt các cơ chế tài chính xanh hỗ trợ hiệu quả. Việc triển khai các dự án điện mặt trời, điện gió, hệ thống lưu trữ năng lượng (BESS), công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), và hạ tầng lưới điện thông minh đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi khả năng tiếp cận các hình thức hỗ trợ tài chính hiện tại còn hạn chế, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thêm vào đó, các công cụ như tín dụng xanh, bảo lãnh rủi ro, hoặc chính sách ưu đãi thuế chưa được áp dụng rộng rãi, dẫn đến chi phí sử dụng vốn cao và thời gian hoàn vốn kéo dài, làm giảm động lực đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Để tháo gỡ nút thắt này, cần xây dựng một hệ sinh thái tài chính xanh toàn diện. Trước hết, Việt Nam cần chủ động huy động các nguồn vốn xanh từ quốc tế, thông qua việc phát hành trái phiếu xanh, tiếp cận quỹ khí hậu toàn cầu, và tham gia các cơ chế hỗ trợ của các tổ chức tài chính tuân thủ tiêu chuẩn ESG. Ngoài ra, cần thiết lập các chương trình tín dụng ưu đãi dành riêng cho dự án năng lượng sạch, được bảo trợ bởi Chính phủ hoặc các định chế tài chính phát triển. Đồng thời, cần áp dụng chính sách miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án năng lượng tái tạo đạt tiêu chuẩn bền vững, từ đó tăng sức hấp dẫn đầu tư và thúc đẩy dòng vốn đổ vào lĩnh vực này. Việc hình thành một nền tảng tài chính xanh mạnh mẽ sẽ đóng vai trò then chốt để chuyển hóa tiềm năng năng lượng tái tạo thành hiện thực, hướng tới một hệ thống năng lượng bền vững, công bằng và có khả năng mở rộng.
3. Thiếu hành lang pháp lý chuyên biệt
Một trong những thách thức cốt lõi cản trở sự phát triển nhanh và bền vững của năng lượng tái tạo tại Việt Nam là sự thiếu hụt hành lang pháp lý chuyên biệt và đồng bộ. Luật Điện lực hiện hành, được xây dựng trong bối cảnh thị trường điện truyền thống còn chiếm ưu thế, chưa bắt kịp với các xu hướng công nghệ và mô hình kinh doanh mới như thị trường điện phân tán, hợp đồng mua bán điện trực tiếp, hệ thống lưu trữ năng lượng, hay lưới điện thông minh. Hệ quả là các nhà đầu tư, doanh nghiệp và cả các cơ quan quản lý đều lúng túng trong việc triển khai các dự án mới, dẫn đến thời gian phê duyệt kéo dài, chi phí tuân thủ cao, và thiếu cơ chế khuyến khích đổi mới.
Để khắc phục tình trạng này, cần thiết phải xây dựng và ban hành một Luật Năng lượng tái tạo riêng biệt, mang tính dài hạn, ổn định và theo kịp xu hướng toàn cầu. Luật này cần quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, từ nhà đầu tư, đơn vị phân phối điện, người tiêu dùng, đến các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, cần thiết lập khung giá điện rõ ràng, minh bạch, cơ chế đấu nối điện mặt trời – điện gió vào lưới linh hoạt, và ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng riêng cho hệ thống lưu trữ, đo đếm hai chiều, và lưới điện thông minh. Bên cạnh đó, luật mới cũng nên mở đường cho việc thí điểm các mô hình năng lượng cộng đồng, cơ chế chia sẻ điện năng, và các phương thức giao dịch điện năng thông qua nền tảng số. Khi có được hành lang pháp lý phù hợp, Việt Nam sẽ tạo dựng được môi trường đầu tư minh bạch, an toàn và hấp dẫn, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ làn sóng đầu tư vào năng lượng tái tạo và các giải pháp năng lượng bền vững tương lai.
IV. Phát triển vùng – Tăng cường hợp tác công – tư
1. Đặc khu năng lượng tái tạo – Đột phá vùng chiến lược
Một trong những hướng tiếp cận mang tính đột phá nhằm thúc đẩy năng lượng bền vững tại Việt Nam là phát triển các trung tâm năng lượng tái tạo cấp vùng, gắn liền với điều kiện tự nhiên đặc thù và lợi thế địa phương. Những khu vực như Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế rõ rệt về bức xạ mặt trời, tốc độ gió, diện tích đất chưa sử dụng hiệu quả và tiềm năng đồng phát điện – nông nghiệp – công nghiệp sạch. Tuy nhiên, do thiếu cơ chế phát triển chuyên biệt, tiềm năng lớn này vẫn chưa được khai thác tương xứng.

Để giải quyết vấn đề này, cần thiết lập các “đặc khu năng lượng tái tạo” – tương tự như mô hình khu kinh tế hiện hành, nhưng tập trung vào năng lượng sạch và đổi mới sáng tạo. Các đặc khu này nên được hưởng chính sách ưu đãi vượt trội về thuế, đất đai, hạ tầng và thủ tục đầu tư.
Song song, cần khuyến khích các doanh nghiệp địa phương và nhà đầu tư trong nước phát triển các mô hình tích hợp như Kết hợp trồng trọt với điện mặt trời trên cùng một diện tích đất, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên; Sản xuất hydro xanh từ điện gió tại chỗ phục vụ giao thông xanh hoặc xuất khẩu năng lượng sạch; Trang trại năng lượng kết hợp lưu trữ và viễn thông: Tận dụng mặt bằng rộng lớn để bố trí pin lưu trữ, trạm phát sóng, trung tâm dữ liệu chạy bằng điện tái tạo.
Các đặc khu này sẽ đóng vai trò “phòng thí nghiệm” cho mô hình phát triển bền vững, nơi chính sách mới có thể được thử nghiệm linh hoạt, công nghệ mới được áp dụng nhanh chóng, và hợp tác công – tư được triển khai sâu rộng. Về lâu dài, chúng không chỉ giúp giảm áp lực lên hệ thống điện quốc gia mà còn hình thành các cụm công nghiệp phụ trợ, đào tạo nghề năng lượng tái tạo, và trung tâm đổi mới sáng tạo tại địa phương – góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng một cách toàn diện và xanh hóa chuỗi cung ứng năng lượng quốc gia.
2. Tăng cường hợp tác công – tư (PPP)
Trong tiến trình chuyển dịch năng lượng bền vững, mô hình hợp tác công – tư (PPP) không chỉ là xu hướng toàn cầu, mà còn là điều kiện tiên quyết để Việt Nam vượt qua giới hạn nguồn lực công và tận dụng tối đa sức mạnh đổi mới từ khu vực tư nhân. Trong đó, Chính phủ cần đóng vai trò “kiến tạo thị trường” thông qua định hướng chính sách rõ ràng, hạ tầng thể chế thuận lợi và cơ chế minh bạch, trong khi doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò “động cơ đổi mới sáng tạo”, chịu trách nhiệm triển khai, đầu tư, và vận hành hiệu quả các giải pháp công nghệ năng lượng xanh.
Để xây dựng một nền tảng hợp tác công – tư bền vững và hấp dẫn, cần thực hiện một số giải pháp trọng yếu sau:
Thứ nhất, Chính phủ cần công bố một lộ trình chuyển đổi năng lượng minh bạch, có mốc thời gian cụ thể đến năm 2030, 2040 và 2050. Lộ trình này không chỉ đề cập đến tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu điện, mà còn bao gồm các kế hoạch về phát triển lưới điện thông minh, cơ chế lưu trữ điện, thị trường điện cạnh tranh, và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với cam kết Net Zero. Một lộ trình rõ ràng sẽ tạo niềm tin cho nhà đầu tư và giúp doanh nghiệp tư nhân lập kế hoạch dài hạn một cách chắc chắn.
Thứ hai, cần xây dựng một khung pháp lý ổn định, minh bạch, nhất quán và đủ linh hoạt, cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia vào toàn bộ chuỗi giá trị năng lượng: đầu tư – sản xuất – truyền tải – phân phối – lưu trữ – tiêu thụ. Việc luật hóa các cơ chế như hợp đồng mua bán điện trực tiếp, đấu thầu năng lượng sạch, chứng chỉ năng lượng tái tạo, hay giao dịch điện ngang hàng sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào các công nghệ mới, vốn có thời gian hoàn vốn dài và đòi hỏi cam kết chính sách mạnh mẽ.
Thứ ba, Chính phủ cần có chiến lược định hướng và sàng lọc dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo hướng ưu tiên các lĩnh vực công nghiệp xanh và tiêu chuẩn ESG. Cần có bộ tiêu chí ESG quốc gia áp dụng cho các khu công nghiệp, dự án FDI và doanh nghiệp nội địa, làm cơ sở cho ưu đãi thuế, đất, tín dụng. Đồng thời, Việt Nam cần thiết lập các kênh hợp tác công – tư để xây dựng cơ sở hạ tầng chiến lược như: đặc khu năng lượng tái tạo, trung tâm lưu trữ pin, hệ thống trạm sạc EV, hoặc chuỗi cung ứng sản xuất thiết bị năng lượng sạch trong nước.
Hợp tác công – tư không chỉ giúp chia sẻ rủi ro, tối ưu chi phí đầu tư và vận hành, mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp Việt Nam, và tạo dựng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào một thị trường năng lượng minh bạch, năng động và bền vững. Đây chính là trụ cột chiến lược để Việt Nam bứt phá trong quá trình chuyển đổi năng lượng và trở thành điểm đến hấp dẫn cho FDI thế hệ mới.
V. HƯỚNG TỚI TRUNG TÂM NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO CỦA ĐÔNG NAM Á
Tiến trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam không chỉ là một yêu cầu cấp thiết trước sức ép biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng, mà còn là cơ hội lịch sử để tái cấu trúc mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, tự chủ và có giá trị gia tăng cao. Trong bối cảnh thế giới đang tăng tốc chuyển đổi sang năng lượng sạch và phát triển kinh tế xanh, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng để bứt phá, nếu biết tận dụng đúng thời điểm và hành động một cách quyết đoán.
Để làm được điều đó, Việt Nam cần xây dựng và vận hành một hệ sinh thái năng lượng mới dựa trên ba trụ cột chiến lược:
- Hạ tầng thông minh – bao gồm lưới điện hiện đại, hệ thống lưu trữ phân tán, cảm biến và điều khiển số, cho phép tích hợp linh hoạt các nguồn năng lượng tái tạo;
- Công nghệ số – tận dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và mô hình mô phỏng số (Digital Twin) để tối ưu hóa toàn bộ chuỗi giá trị năng lượng từ khai thác, truyền tải đến tiêu dùng;
- Chính sách đột phá – bao gồm hành lang pháp lý chuyên biệt, cơ chế tài chính xanh, mô hình hợp tác công – tư (PPP), và lộ trình chuyển đổi năng lượng minh bạch, khả thi.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa tầm nhìn này, cần một bước nhảy vọt về tư duy thể chế – tức là từ tư duy quản lý sang tư duy kiến tạo và dẫn dắt thị trường. Đồng thời, sự phối hợp chặt chẽ, chủ động và dài hạn giữa Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng khoa học sẽ là điều kiện tiên quyết để đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong cuộc cách mạng năng lượng xanh của thế kỷ XXI. Đây không chỉ là trách nhiệm của một thế hệ, mà còn là di sản chiến lược cho các thế hệ tương lai.