Giải pháp thúc đẩy sử dụng xe điện tại Nga, Đức, Ấn Độ và Israel

Việc thúc đẩy sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, trong đó có xe điện, là chiến lược trọng tâm của nhiều quốc gia nhằm giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện chất lượng không khí và phát triển giao thông bền vững.

Xe buýt điện ngày càng trở thành phương tiên đi lại ưa thích ở thủ đô Moskva. Ảnh: Duy Trinh/TTXVN

Xe buýt điện ngày càng trở thành phương tiên đi lại ưa thích ở thủ đô Moskva. Ảnh: Duy Trinh/TTXVN

Nga xây dựng kế hoạch phát triển giao thông “xanh” từ năm 2015 và bắt đầu triển khai từ năm 2018 với Moskva là địa phương đi đầu trong ứng dụng xe điện, đặc biệt là xe buýt điện. Chỉ sau 5 năm, Moskva đã dẫn đầu châu Âu về số lượng xe buýt điện và tất cả đều được sản xuất trong nước với thời hạn bảo trì 15 năm. Để có nguồn kinh phí cho việc triển khai xe điện, chính quyền Moskva đã phát hành trái phiếu xanh kỳ hạn 2 năm từ mùa Hè năm 2023. Cho đến nay, Moskva đã mua hơn 50 xe buýt điện bằng nguồn vốn từ người dân.

Đáng chú ý, kể từ khi triển khai chương trình xe điện, Moskva đã dành nhiều ưu đãi cho người chuyển từ xe xăng sang xe điện. Đầu tiên là khoản hỗ trợ 925.000 ruble (khoảng 11.800 USD) khi mua xe điện và sẽ giảm dần theo từng năm. Tiếp đó, người dùng xe điện được sử dụng các trạm sạc miễn phí của thủ đô. Ngoài ra, kể từ năm 2020, người dùng ô tô điện được miễn thuế vận tải.

Bên cạnh đó, Moskva cũng ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng xanh và cơ sở hạ tầng sạc cho xe điện. Công suất của các trạm sạc được đặc biệt ưu tiên thông qua việc lắp các trạm sạc siêu nhanh tại các bến có xe buýt điện, các trạm đầu cuối và dọc theo các tuyến đường. Thành phố dự kiến sẽ nâng tổng số trạm sạc từ 240 trạm năm 2025 lên 11.000 trạm năm 2030, bao gồm cả loại miễn phí và trả tiền, sạc nhanh và sạc chậm.

Trong năm nay, Chính phủ Nga cũng đã điều chỉnh quy trình mua sắm ô tô và phương tiện công theo hướng ưu tiên các loại hình giao thông thân thiện với môi trường. Chính phủ chủ yếu mua xe điện, thay vì xe chạy bằng các nhiên liệu truyền thống. Việc mua xe chạy xăng hoặc dầu diesel chỉ được phép trong trường hợp thiếu cơ sở hạ tầng sạc điện.

Trước đó, từ tháng 3/2022, Nga đã ban hành Bộ quy tắc mới về “Bãi đậu xe - Yêu cầu an toàn phòng cháy chữa cháy”, cho phép xe điện và xe hybrid cắm sạc được gửi chung bãi đậu với xe chạy bằng động cơ đốt trong. Các bãi đỗ dành cho xe điện và xe hybrid cắm sạc có thể được bố trí ở các khu vực mở, cũng như trong các bãi đỗ xe ngoài trời và trong nhà thuộc nhóm nguy cơ cháy kết cấu C0, C1 (trừ các bãi đỗ xe cơ giới và bán cơ giới)…

Nghị định số 390 của Chính phủ Liên bang Nga “Về chế độ an toàn phòng cháy chữa cháy” quy định không được phép sạc pin trực tiếp trên xe, ngoại trừ pin kéo của xe điện và xe hybrid không thải ra khí dễ cháy trong quá trình sạc và vận hành. Năm 2020, Nga quy định bắt buộc các chỗ đậu xe có thiết bị sạc xe điện và xe hybrid phải được trang bị hệ thống chữa cháy tự động, bất kể diện tích là bao nhiêu, và cơ sở hạ tầng sạc phải được ngắt điện khi hệ thống báo cháy kích hoạt. Ngoài ra, Nga cũng có quy định về diện tích bãi đậu tối đa cho xe điện và xe hybrid trong các khu đậu xe chung, kèm theo quy định về phân vùng và vách ngăn cháy cho bãi đậu xe điện. Trong khi đó, việc lắp đặt ổ cắm (bộ sạc) tại các bãi đỗ xe trên mặt đất sẽ phải tuân theo các quy định an toàn và quy chuẩn xây dựng.

Còn tại Đức, việc chuyển đổi sang xe điện là đòn bẩy trọng tâm nhằm giảm lượng khí thải giao thông. Chính phủ Đức mới đây đã công bố gói ưu đãi toàn diện nhằm thúc đẩy sử dụng xe điện và đẩy nhanh các mục tiêu về khí hậu cũng như cơ sở hạ tầng quốc gia.

Theo chương trình mới mang tên “Trách nhiệm đối với nước Đức” của chính phủ liên bang, một loạt cải cách kinh tế, tài khóa và cơ cấu sẽ được triển khai từ tháng 7 này. Điểm nổi bật là việc áp dụng các chương trình khấu hao đặc biệt cho xe điện nhằm kích thích đầu tư tư nhân và doanh nghiệp vào lĩnh vực di chuyển bền vững. Chính phủ sẽ áp dụng “cơ chế tăng cường đầu tư” thông qua khấu hao nhanh (AfA) cho các khoản đầu tư vào thiết bị, bao gồm cả xe điện, nhằm kích thích việc đổi mới đội xe và sử dụng xe điện của các doanh nghiệp. Kế hoạch này cũng bao gồm việc giảm gánh nặng thuế doanh nghiệp, giảm chi phí năng lượng và điện để tạo cạnh tranh về chi phí tốt hơn cho việc sử dụng xe điện.

Tại Ấn Độ, từ khoảng năm 2011-2012, Chính phủ liên bang đã thông qua đề xuất thành lập Ủy ban Quốc gia về Phương tiện Di chuyển điện (NCEM) nhằm đưa ra các khuyến nghị thúc đẩy sử dụng phương tiện điện và sản xuất xe điện, đồng thời triển khai chương trình Thúc đẩy áp dụng và sản xuất xe điện nhanh hơn (FAME). Đến năm 2020, Ấn Độ tiếp tục đẩy mạnh triển khai hàng loạt chính sách mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển của ngành xe điện.

Cụ thể, Ấn Độ nỗ lực mở rộng mạng lưới trạm sạc và đảm bảo sự ổn định của lưới điện. Chính phủ khuyến khích đầu tư tư nhân vào các trạm sạc nhanh. Ngoài ra, nước này cũng chú trọng phát triển công nghệ pin và nâng tỷ lệ nội địa hóa; triển khai chính sách đổi pin để rút ngắn thời gian sạc; hỗ trợ đổi mới công nghệ pin nhẹ có mật độ năng lượng cao; đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ pin tiên tiến; thúc đẩy sản xuất pin trong nước; lập kế hoạch và đảm bảo các cơ chế về tái sử dụng hoặc tái chế pin. Tất cả những biện pháp trên đã góp phần giảm thiểu mối đe dọa môi trường do chất thải pin gây ra, đồng thời giải quyết vấn đề về trữ lượng lithium hạn chế của Ấn Độ.

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy hợp tác giữa chính phủ, ngành công nghiệp và các công ty khởi nghiệp trong việc đổi mới hệ sinh thái xe điện cũng được đặc biệt quan tâm. Phát triển nền tảng số thông minh giúp nâng cao chất lượng quản lý đội xe, trạm sạc, bản đồ sạc xe điện…

Người dân ở Tel Aviv đang chuyển dần sang sử dụng xe điện nhờ điều kiện hạ tầng ngày càng cải thiện, cùng với chi phí vận hành thấp hơn đáng kể so với xe xăng. Ảnh: Thanh Bình/TTXVN

Người dân ở Tel Aviv đang chuyển dần sang sử dụng xe điện nhờ điều kiện hạ tầng ngày càng cải thiện, cùng với chi phí vận hành thấp hơn đáng kể so với xe xăng. Ảnh: Thanh Bình/TTXVN

Tại Israel, chính phủ không thúc đẩy mạnh xe cá nhân, kể cả xe điện, mà hướng tới phát triển giao thông công cộng. Để kiểm soát số lượng xe lưu thông, từ năm 2026, Israel sẽ bắt đầu áp dụng mức thuế theo quãng đường di chuyển, áp dụng cho cả xe điện và xe hybrid sạc ngoài. Mục tiêu của chính sách này là nhằm bù đắp phần ngân sách bị thất thu do người dân chuyển sang xe điện (không dùng xăng/dầu, không đóng thuế nhiên liệu). Ngoài ra, chính sách mới cũng giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông thông qua việc đánh thuế trực tiếp theo mức độ sử dụng đường.

Bên cạnh đó, Israel cũng đang lên kế hoạch xây dựng cơ chế đánh thuế theo mức khí thải CO₂ trung bình của các dòng xe nhập khẩu: Xe càng “xanh” sẽ càng được giảm thuế và ngược lại, xe có lượng khí thải cao sẽ phải chịu thuế nặng hơn.

Việc áp dụng các biện pháp thuế mới như thuế theo quãng đường và điều chỉnh ưu đãi thuế xanh cho thấy Chính phủ Israel muốn kiểm soát chặt chẽ hơn thị trường xe cá nhân. Đây cũng là bước đi để hướng tới một hệ thống giao thông bền vững hơn, giảm phụ thuộc vào xe cá nhân và tăng đầu tư vào hạ tầng hỗ trợ xe điện một cách có kiểm soát."

Mặc dù Nga, Israel, Đức và Ấn Độ đã triển khai nhiều chính sách và biện pháp đa dạng để thúc đẩy sử dụng xe điện nhưng thách thức về hạ tầng sạc, chi phí cao, nhận thức của người tiêu dùng và việc vẫn phải phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch đang đặt ra những rào cản lớn cần vượt qua. Để phát triển và thúc đẩy sử dụng xe điện thành công, bên cạnh các biện pháp khuyến khích, ưu đãi về kinh tế và khắc phục những rào cản ở trên thì việc xây dựng niềm tin của công chúng thông qua một lộ trình chuyển đổi rõ ràng, hợp lý và minh bạch cũng được cho là rất quan trọng.

Tâm Hằng - Thu Hằng - Ngọc Thúy - Thanh Bình (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/giai-phap-thuc-day-su-dung-xe-dien-tai-nga-duc-an-do-va-israel-20250723153704216.htm