Giải pháp thúc đẩy tiến độ cấp giấy chứng nhận theo Dự án 920
Dự án 920 (Dự án tổng thể) đang thực hiện tại 69/127 xã, phường, thị trấn với tổng diện tích đo đạc theo điều chỉnh được duyệt hơn 141.050 ha, đăng ký xét cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân 472.645 thửa/89.813 ha…
Giải pháp thúc đẩy tiến độ cấp g
Diện tích cấp giấy chứng nhận còn ít
Đến nay, các huyện, thị trong tỉnh đã tổ chức cho hộ gia đình, cá nhân đăng ký cấp GCN quyền sử dụng đất 325.796 thửa đất (63.075 ha), chiếm 70,2% diện tích đo đạc. Trong đó, phần cấp mới 29.535 ha; số còn lại cấp đổi và biến động. Thông qua đó, cấp xã kiểm tra hồ sơ, xác nhận, chuyển các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai được 93% về số thửa, đạt 97% diện tích đăng ký. Qua thẩm tra, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện đã kiểm tra, kết luận 300.272 thửa với diện tích 59.071 ha đủ điều kiện.
Tuy nhiên trong đó kết quả cấp GCN của UBND cấp huyện, Sở Tài nguyên - Môi trường mới được 122.315 thửa (giấy) với diện tích 26.769 ha (cấp mới 17.454 ha, cấp đổi 9.315 ha). Như vậy, từ khâu tổ chức cho người sử dụng đất kê khai đăng ký đến khi cơ quan có thẩm quyền ký cấp lần đầu, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất thuộc Dự án tổng thể mới chỉ được 37,5% số thửa và 42,4% so với diện tích người sử dụng đã kê khai, đăng ký. Tiến độ thực hiện còn chậm so yêu cầu đặt ra, nhất là trên địa bàn TP. Phan Thiết.
Nguyên nhân chậm
Theo Sở Tài nguyên & Môi trường, những trường hợp chưa được cấp GCN có tính chất phức tạp, nhạy cảm, phải có thời gian, nhân lực kiểm tra, xác minh; việc xác định thông tin thửa đất gặp nhiều khó khăn. Công chức địa chính cấp xã vừa thiếu vừa yếu về chuyên môn nghiệp vụ, nên chưa thể kiểm tra, xác nhận hàng chục ngàn hồ sơ tồn đọng toàn tỉnh. Trong khi nhiều diện tích đất còn lại chưa được cấp GCN có nguồn gốc phức tạp, hầu hết không có giấy tờ, khó khăn xác định nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất, tình trạng tranh chấp, mức độ phù hợp với quy hoạch… Bởi vậy, nhiều công chức địa chính lúng túng, “sợ trách nhiệm pháp lý” chậm tham mưu UBND cấp xã xác nhận vào đơn. Cùng đó, còn một thực tế nội dung xác nhận của UBND cấp xã vừa thiếu nội dung vừa thiếu thông tin, thậm chí không chính xác; Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai không đủ thông tin kết luận, phải trả lại hồ sơ bổ sung. Nhất là đăng ký đất đai cấp GCN lần đầu liên quan đến quyền, nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, phải đúng thực tế. Cùng đó, diện tích, hình thể, ranh giới thửa đất, chủ sử dụng đất trên bản đồ của một số trường hợp khác so với thực địa. Bên cạnh, công tác kiểm tra, thẩm tra của cơ quan tham mưu cũng chậm, hầu hết đều quá thời hạn giải quyết theo quy định hiện hành, thực hiện chưa nghiêm túc quy chế phối hợp giữa các đơn vị theo Quyết định 73 của UBND tỉnh. Vì vậy tình trạng hồ sơ trễ hẹn tại cấp xã, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, UBND cấp huyện xảy ra ở tất cả các huyện (trừ Phú Quý). Ngoài ra, nhiều trường hợp người sử dụng đất ngại chuyển sang thuê đất (do vượt hạn điền) nên không đăng ký cấp GCN. Số hộ gia đình, cá nhân chưa đến đăng ký cấp GCN lần đầu chiếm hơn 25% số thửa tương ứng diện tích chưa đăng ký hơn 29%… Một nguyên nhân nữa, thời gian đầu năng lực điều hành của Ban Quản lý dự án tổng thể thuộc Sở Tài nguyên & Môi trường còn hạn chế, công tác kiểm tra, giám sát đối với địa phương, đơn vị tư vấn chưa thường xuyên, hiệu quả không cao; tháo gỡ vướng mắc, khó khăn còn chậm, lúng túng, chưa kịp thời.
Đề xuất giải pháp
Ông Trần Hữu Thành, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường cho biết giải pháp đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo tính chính xác trong cấp GCN quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân theo Dự án tổng thể, đó là: Việc tổ chức thực hiện hoàn thành Dự án tổng thể là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến địa phương, trong đó ngành Tài nguyên - Môi trường là cơ quan giữ vai trò chủ đạo, chịu trách nhiệm chính. Các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người sử dụng đất thực hiện cung cấp thông tin chủ sử dụng, giấy tờ về quyền sử dụng đất, thực hiện đầy đủ việc đăng ký lần đầu cũng như đăng ký biến động (chuyển mục đích, chuyển nhượng, tách thửa, hợp thửa…). UBND cấp xã phải cử cán bộ địa chính hoặc trưởng thôn phối hợp với người sử dụng đất trong thu thập thông tin (của người sử dụng đất và giấy tờ về quyền sử dụng đất), xác định ranh giới, thửa đất. Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị tư vấn, UBND cấp xã, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh, Phòng Tài nguyên & Môi trường trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm được giao và lấy thực hiện thủ tục hành chính làm thước đo.
Đối với những trường hợp ranh thửa, loại đất, chủ sử dụng có sai khác thì được Văn phòng đăng ký đất đai cập nhật trong quá trình đăng ký đất đai. Ngành Tài nguyên - Môi trường thường xuyên cập nhật những biến động về ranh giới, loại đất, chủ sử dụng theo kết quả đăng ký. Kiểm soát việc thực hiện công tác xác nhận hồ sơ của UBND cấp xã, các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai theo quy định hiện hành; trường hợp chậm trễ phải tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm từ đầu, không để tình trạng tồn đọng hồ sơ như trước đây. Riêng đối với những địa bàn triển khai cấp GCN tiếp theo, thực hiện việc lồng ghép giữa đo đạc lập, chỉnh lý bản đồ địa chính với xây dựng cơ sở dữ liệu, đăng ký, cấp GCN theo phương châm đo đạc xong khu vực nào thì kiểm tra, nghiệm thu đưa vào thực hiện ngay việc xây dựng cơ sở dữ liệu, tổ chức đăng ký, xét cấp GCN trên phần mềm về cơ sở dữ liệu… Với các giải pháp trên, toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành cấp GCN ở 69 xã, phường, thị trấn đang thực hiện Dự án tổng thể.
Thái Khoa