Giải pháp tiêu trừ 'tín dụng đen': * Bài 2: Chung tay bảo vệ công nhân, người lao động

'Tín dụng đen' tác động trực tiếp nhiều mặt của đời sống xã hội của công nhân, người lao động nghèo, nhất là về tinh thần và để lại nhiều hệ lụy cho mỗi cá nhân, gia đình, địa phương hay doanh nghiệp.

Mặt khác, “tín dụng đen” là nơi dung dưỡng nhiều đối tượng thích thể hiện, lười lao động nhưng muốn có tiền tiêu xài. Để đòi được nợ, các đối tượng này ngày càng manh động, bỏ qua các quy tác đạo đức trong xã hội, lộng hành thôn xóm, khu phố; ngang nhiên thách thức pháp luật xã hội…

* Cần tự bảo vệ mình

Từng là nạn nhân của “tín dụng đen”, chị N.T.N.P., công nhân Khu chế xuất Linh Trung 1 cho biết, đối tượng cho vay “tín dụng đen” thường không kiểm tra khả năng chi trả của người vay. Các đối tượng thường yêu cầu người vay cho truy cập vào danh bạ điện thoại, tài khoản mạng xã hội, chụp ảnh nhận diện... để tiện “nhắc nhở” khi người vay chậm trả.

Đại diện Tổ chức tài chính vi mô (CEP) trao vốn cho người lao động, qua đó góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng công nhân, người lao động khó khăn rơi vào bẫy "tín dụng đen". Ảnh: TTXVN

Đại diện Tổ chức tài chính vi mô (CEP) trao vốn cho người lao động, qua đó góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng công nhân, người lao động khó khăn rơi vào bẫy "tín dụng đen". Ảnh: TTXVN

Theo chị P., để không bị sập bẫy “tín dụng đen”, người vay cần tỉnh táo tìm hiểu thông tin hoặc tham khảo những người có uy tín trong cộng đồng, người trong các tổ chức đoàn thể, khu phố, tổ dân phố trước khi tiếp cận hoặc vay tiền. “Hơn hết, mỗi người cần cố gắng sống tiết kiệm, có tích lũy để phòng những lúc khó khăn, ốm đau bệnh tật; không để rơi vào tình trạng "đường cùng". Mỗi người cẩn trọng trước mọi lời mời gọi cho vay, hình thức cho vay “tín dụng đen” núp bóng trong công nhân hay những người xung quanh…”, chị Phượng chia sẻ.

Anh N.M.T., quê ở Phú Yên vào Thành phố Hồ Chí Minh làm tự do và chạy xe ôm công nghệ ở thành phố Thủ Đức chia sẻ, những biến tướng của việc cho vay nặng lãi bằng hợp đồng bán xe máy sau đó bắt người vay phải thuê lại xe máy đó để sử dụng hoặc yêu cầu người nợ viết biên nhận tiền cho vay với lãi suất rất thấp nhưng thu thêm các khoản phí (phí hợp đồng, phí xác minh, phí liên lạc...) với mức rất cao.

Theo anh T., khi người vay không đủ tiền trả, các đối tượng gợi ý đi vay của các đối tượng khác hoặc các app cho vay khác để đáo nợ... khiến các khoản vay, tiền lãi cộng dồn tăng chóng mặt. Tuy nhiên, các đối tượng này hay các app cho vay chỉ là một bởi các đối tượng cùng lúc lập ra nhiều app cho vay để giăng bẫy người vay từ nợ này sang nợ khác và ngày càng nhiều.

Chứng kiến không ít các trường hợp công nhân bị rơi vào bẫy “tín dụng đen”, anh N.B.N., chủ dãy nhà trọ phường Linh Trung (thành phố Thủ Đức) khuyến cáo, người vay nên tìm hiểu kỹ trước khi tham gia các app, hoặc xem các app đó có chính thống không, được Ngân hàng nhà nước cấp phép không. Đồng thời, cảnh giác trước những trường hợp có người đi vay, huy động vốn với lãi suất rất cao, sinh lợi nhanh… vì có thể đó là những đối tượng lừa đảo. “Đặc biệt, cần cảnh giác trường hợp các đối tượng giả làm Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án để đe dọa việc trả nợ, thu hồi nợ… vì thực tế không có cơ quan nào nhắn tin thông báo yêu cầu trả nợ”, anh N. chia sẻ.

Để tránh bị rơi vào “bẫy tín dụng đen”, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã liên tục có các khuyến cáo, người dân nên tìm đến các tổ chức tín dụng chính thống. Trong trường cấp thiết vay, phải tìm hiểu rõ các quy định về trả lãi, phạt trả lãi chậm, trả nợ gốc chậm; lưu ý nếu cộng cả tiền lãi và tiền phí khác chia trên số tiền gốc mà quá 20% cần cẩn trọng. Người vay, không nên ký các hợp đồng bán tài sản, cầm cố giấy biên nhận tiền không đúng với lãi suất thực tế phải trả.

Người vay cẩn thận trước các app, website cho vay trên mạng; cần đọc kỹ thông tin để tránh bị lừa; không cho các ứng dụng này được quyền truy cập vào danh bạ, các tài khoản mạng xã hội cá nhân... Nếu phát hiện cho vay nặng lãi, người vay cần sớm trả các khoản nợ; hoặc báo ngay cho cơ quan Công an nếu thấy các đối tượng có dấu hiệu phạm tội. Trường hợp bị các đối tượng đe dọa, đập phá đồ đạc, gây tương tích, bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ, lập tức báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc có thể làm đơn, điện thoại tố cáo...

Theo các chuyên gia tài chính, các loại hình cho vay theo kiểu “tín dụng đen” thường không có hợp đồng thỏa thuận, không có tài khoản trên website để người vay đăng nhập, theo dõi hoặc nếu có hợp đồng, cũng không biết rõ những điều kiện, điều khoản và chỉ có bên cho vay giữ. Tính minh bạch trong việc cho vay như thông tin về lãi suất theo năm, các loại phí trong quá trình giao dịch thường không rõ ràng, công khai; người vay không được giải ngân 100% số tiền đề nghị mà sẽ bị trừ trước phần phí và phần lãi ngay khi giải ngân.

“Tín dụng đen” thường có mức lãi suất rất cao, đôi khi lên đến cả nghìn %/năm, nhưng thường công bố theo ngày chỉ 5.000 - 10.000 đồng/ngày để đánh lừa người vay, thậm chí còn cao hơn rất nhiều. Do đó, người vay có thể nhìn vào lãi suất cao để tránh, đặc biệt phải xem kỹ các điều khoản ẩn sau các cách tính lãi.

* Cộng đồng chung sức bài trừ "tín dụng đen"

Trước những biến tướng và tệ nạn từ "tín dụng đen", các cấp ngành thành phố đã và đang quyết liệt triển khai, thực hiện nhiều hình thức cảnh báo, tuyên truyền, quyết tâm bài trừ "tín dụng đen" trên khắp địa bàn dân cư thành phố. Công an Thành phố Hồ Chí Minh cùng các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã đồng loạt tăng cường các biện pháp đấu tranh, phòng, chống "tín dụng đen", nhất là ở khu vực công nhân, người lao động nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Tổ chức tài chính vi mô (CEP) đưa vốn vay đến tận doanh nghiệp để phục vụ người lao động nhằm hạn chế nạn "tín dụng đen". Ảnh: TTXVN phát

Tổ chức tài chính vi mô (CEP) đưa vốn vay đến tận doanh nghiệp để phục vụ người lao động nhằm hạn chế nạn "tín dụng đen". Ảnh: TTXVN phát

Để bảo vệ công nhân, người lao động trước vấn nạn này, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết vừa triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” trong công nhân lao động. Trong đó, đặc biệt lưu ý phương thức, thủ đoạn, tác hại, nguy cơ của "tín dụng đen" đối với công nhân, người lao động; huy động công đoàn viên, người lao động phối hợp cùng lực lượng chức năng ra quân tháo gỡ bảng hiệu, tẩy xóa quảng cáo, tờ rơi cho vay, liên quan "tín dụng đen".

Theo ông Phạm Chí Tâm, hiện các cấp Công đoàn tập trung phối hợp chính quyền, Công an địa phương rà soát, lên danh sách các nhóm đối tượng liên quan đến "tín dụng đen"; thực hiện giám sát, ngăn ngừa các hoạt động của công đoàn viên, người lao động đi vay, cho vay, đòi nợ… “Tăng cường thiết lập kênh thông tin chặt chẽ, hiệu quả giữa Công đoàn cơ sở với Công an địa phương để kịp thời hỗ trợ, có biện pháp bảo vệ người lao động, ngăn ngừa tội phạm manh động, thâm nhập đời sống công nhân, môi trường doanh nghiệp”, ông Phạm Chí Tâm chia sẻ.

Tại Quận 8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận phối hợp với các cơ đơn vị chức năng vừa tổ chức hội nghị bàn các giải pháp đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “Tín dụng đen và lừa đảo trên mạng”; ra mắt mô hình "Khu nhà trọ xanh, nghĩa tình, an ninh, an toàn phòng, chống dịch và phòng cháy, chữa cháy".

Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Quận 8 Trần Thanh Hà, đây là một trong những giải pháp tích cực nhằm ngăn chặn, phòng ngừa ngay từ đầu, nhất là tại các khu phố, tổ dân phố, khu nhà trọ qua đó góp phần hạn chế hiệu quả tình trạng cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê đang có chiều hướng gia tăng. Trước mắt, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể cùng lực lương Công an từ phường đến quận đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ tuyên truyền, nâng cao cảnh giác trong quần chúng nhân dân; tổ chức các hoạt động tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm, điều tra, xác minh; triệt phá các băng nhóm “tín dụng đen” ngay tại cơ sở, nhất là các “điểm đen” khu dân cư về an ninh trật tự.

Liên quan đến “tín dụng đen”, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố đề xuất phát huy hơn nữa mô hình tự phòng, tự quản về an ninh trật tự như: mô hình “5 + 1”; “Câu lạc bộ gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội”; tạo điều kiện vay vốn, tìm kiếm việc làm cho người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư. Theo đó, mỗi cấp Hội tăng cường quản lý, giáo dục con em tránh xa các tệ nạn xã hội. Mỗi chi, tổ Hội Phụ nữ tại cơ sở chủ động tiếp xúc chị em tại địa bàn nơi cư trú (kể cả người tạm trú) làm nghề buôn bán nhỏ, bán rong để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng về việc làm, nhu cầu vay vốn đề có hướng giúp đỡ.

Đại diện Sở Thông tin Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, người không phải là người liên quan đến “tín dụng đen” nhưng bị quấy rối, đe dọa chủ động cung cấp thông tin sớm cho cơ quan Công an gần nhất. Trong đó, cần lưu lại số điện thoại, thông tin, hình ảnh tin nhắn với nội dung đe dọa, nhắc nợ, đòi nợ để các cơ quan chuyên môn có căn cứ phối hợp xử lý nghiêm minh./.

Thanh Vũ/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giai-phap-tieu-tru-tin-dung-den-bai-2-chung-tay-bao-ve-cong-nhan-nguoi-lao-dong/261004.html