Giải pháp triển khai hiệu quả học bạ số
Từ kinh nghiệm thực tiễn, Hiệu trưởng Trường TH Thành công B (Ba Đình, Hà Nội) Phạm Minh Thảo, chia sẻ giải pháp triển khai hiệu quả học bạ số.
![Họp triển khai học bạ số tại Trường TH Thành công B (Ba Đình, Hà Nội).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_181_51424440/d254025d3b13d24d8b02.jpg)
Họp triển khai học bạ số tại Trường TH Thành công B (Ba Đình, Hà Nội).
Giảm rõ rệt áp lực sổ sách
Khẳng định nhiều ưu điểm của học bạ số, cô Phạm Minh Thảo nhấn mạnh đầu tiên đến việc giảm rõ rệt áp lực sổ sách cho giáo viên và nhà trường; đồng thời, dễ theo dõi và quản lý hồ sơ nhẹ nhàng, khoa học hơn. Phụ huynh cũng có thể thuận tiện tra cứu kết quả học tập của con em mình một cách dễ dàng, qua đó phối hợp với giáo viên, nhà trường trong việc nhắc nhở, đôn đốc học sinh học tập hiệu quả hơn. Việc này cũng tiết kiệm cho nhà trường vì không cần in ấn.
Lợi ích nhất của việc thực hiện học bạ điện tử chính là tránh tối đa việc gian lận hay xin điểm của các phụ huynh. Khi hệ thống đã khóa trở lại, giáo viên có muốn thay đổi điểm số, lời nhận xét của học sinh nào đó đều phải báo cáo về chuyên môn của nhà trường, nói rõ lý do chỉnh sửa để nhà trường xem xét, xác nhận và báo cáo với cấp trên mới được vào để sửa lại.
“Có thể nói, phần mềm này giúp cải cách hành chính, tăng tính công khai minh bạch trong việc đánh giá, xếp loại học sinh, qua đó góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục”, cô Phạm Minh Thảo nhận định.
Trong năm học 2023-2024, Sở GD&ĐT Hà Nội đã triển khai thí điểm học bạ số cho các khối lớp 1, 2, 3 và 4 tại 100% các trường tiểu học trên địa bàn thành phố, bao gồm cả quận Ba Đình. Việc triển khai này nhằm thực hiện Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030" của Chính phủ.
Tại quận Ba Đình, Phòng GD&ĐT đã ban hành kế hoạch triển khai thí điểm học bạ số cho các trường tiểu học và THCS trong năm học 2023-2024. Việc thí điểm này được thực hiện từ tháng 4/2024 đối với bậc tiểu học, áp dụng cho các khối lớp 1, 2, 3 và 4.
Thực hiện Công văn số 314/PGDĐT ngày 17/5/2024 của Phòng GD&ĐT quận về việc hướng dẫn triển khai sử dụng chữ ký số, thí điểm học bạ số năm học 2023- 2024, trường Tiểu học Thành Công B đã triển khai thí điểm học bạ số năm học 2023-2024.
Hiện toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã được cấp chữ ký số và sử dụng thành thạo. 100% các lớp đã được trang bị đầy đủ máy tính kết nối internet, có cán bộ vận hành hệ thống quản lý giáo dục chuyên ngành, cơ sở dữ liệu giáo dục đào tạo. 100% hồ sơ học sinh đã được gắn mã số định danh duy nhất, xuyên suốt trong quá trình học tập, sẵn sàng về dữ liệu để triển khai học bạ số. 100% giáo viên, nhân viên đều có kinh nghiệm, trình độ công nghệ thông tin để tham gia sử dụng hệ thống quản lý thông tin giáo dục chuyên ngành.
Tuy nhiên, triển khai học bạ số cũng có những khó khăn nhất định. Theo cô Phạm Minh Thảo, cần có sự liên thông toàn quốc khi học sinh chuyển trường. Hiện nay, học sinh chuyển trường vẫn phải thực hiện in ra bản giấy và ký trực tiếp thay vì công nhận học bạ điện tử. Chưa kể, cuối năm, khi cần xác nhận từng điểm số thì cũng phải in ra giấy và giáo viên ký xác nhận thì mới được chấp thuận, kéo theo sự bất tiện đối với từng giáo viên.
Trong các văn bản của Bộ GD&ĐT mới khuyến khích sử dụng và quy định về kỹ thuật học bạ điện tử. Học bạ điện tử (bao gồm cả học bạ in từ bản mềm có ký tươi và học bạ có gắn chữ ký số) không được các cơ quan, tổ chức, xã hội công nhận trong thực hiện các thủ tục hành chính.
![Sở GD&ĐT Hà Nội đã triển khai thí điểm học bạ số cho các khối lớp 1, 2, 3 và 4 tại 100% các trường tiểu học trên địa bàn thành phố.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_181_51424440/baf169f850b6b9e8e0a7.jpg)
Sở GD&ĐT Hà Nội đã triển khai thí điểm học bạ số cho các khối lớp 1, 2, 3 và 4 tại 100% các trường tiểu học trên địa bàn thành phố.
Cần giải pháp đồng bộ
Để khắc phục những khó khăn trong triển khai học bạ số, cô Phạm Minh Thảo cho rằng, cần có các giải pháp đồng bộ từ cấp quản lý nhà nước, nhà trường đến giáo viên và phụ huynh. Dưới đây là một số giải pháp cụ thể:
Tăng cường liên thông dữ liệu toàn quốc: Xây dựng hệ thống học bạ điện tử liên thông trên toàn quốc, giúp đồng bộ dữ liệu giữa các địa phương, tránh việc học sinh chuyển trường phải in học bạ giấy. Kết nối học bạ điện tử với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác minh danh tính học sinh, tạo thuận lợi cho việc quản lý.
Nâng cao giá trị pháp lý của học bạ điện tử: Bộ GD&ĐT cần có quy định cụ thể về việc công nhận học bạ điện tử, đảm bảo nó có giá trị tương đương hoặc thay thế hoàn toàn học bạ giấy. Áp dụng chữ ký số và xác thực điện tử để đảm bảo tính pháp lý, giúp học bạ điện tử được công nhận trong các thủ tục hành chính.
Giảm tải thủ tục hành chính cho giáo viên: Cho phép giáo viên ký số trên hệ thống thay vì ký tươi trên bản in, tránh việc cuối năm phải in ra giấy và ký thủ công. Cải tiến phần mềm để hỗ trợ giáo viên nhập điểm dễ dàng, giảm thời gian thao tác, tránh việc phải thực hiện nhiều bước nhập liệu.
Tăng cường bảo mật và an toàn dữ liệu: Ứng dụng công nghệ bảo mật tiên tiến như mã hóa dữ liệu, xác thực hai lớp để bảo vệ thông tin học sinh. Quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc bảo vệ dữ liệu học bạ điện tử, tránh rủi ro rò rỉ thông tin cá nhân.
Đẩy mạnh tuyên truyền và đào tạo: Tổ chức các buổi tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lý về cách sử dụng hệ thống học bạ điện tử một cách hiệu quả. Tuyên truyền đến phụ huynh và học sinh về lợi ích của học bạ số để tăng cường sự đồng thuận và ủng hộ.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_181_51424440/13ddc1d4f89a11c4488b.jpg)
Cô Phạm Minh Thảo đồng thời chia sẻ một số đề xuất, mong muốn giúp triển khai học bạ số thành công, cụ thể như sau:
Đảm bảo cơ sở hạ tầng công nghệ vững chắc: Để triển khai học bạ số thành công, cần có một hệ thống phần mềm ổn định, dễ sử dụng và có khả năng bảo mật cao. Các thiết bị như máy tính, máy tính bảng, kết nối Internet cũng phải được trang bị đầy đủ cho giáo viên và học sinh.
Đào tạo giáo viên và nhân viên: Học bạ số yêu cầu giáo viên và nhân viên trường học làm quen với công nghệ mới. Việc tổ chức các buổi đào tạo về cách sử dụng phần mềm học bạ số là rất quan trọng để đảm bảo sự thành thạo trong việc ghi chép và cập nhật thông tin.
Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật: Cần có đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng học bạ số, từ các sự cố phần mềm đến việc hướng dẫn cụ thể cho giáo viên khi gặp khó khăn.
Đảm bảo tính bảo mật và riêng tư: Học bạ số chứa đựng thông tin cá nhân của học sinh, vì vậy cần có các biện pháp bảo vệ dữ liệu chặt chẽ để ngăn ngừa việc xâm nhập, rò rỉ thông tin.
Đảm bảo tính liên kết với các hệ thống khác: Hệ thống học bạ số cần có khả năng kết nối và đồng bộ với các phần mềm quản lý khác như hệ thống quản lý điểm số, thông báo kết quả học tập, hoặc các hệ thống thông tin giáo dục khác.
Tham gia của phụ huynh: Cung cấp cho phụ huynh một kênh để theo dõi sự tiến bộ của học sinh qua học bạ số có thể giúp tạo sự kết nối chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Việc cung cấp thông tin chi tiết về học tập và phát triển của trẻ cũng giúp phụ huynh có thể hỗ trợ con em tốt hơn.
Đảm bảo tính linh hoạt và dễ sử dụng: Giao diện phần mềm học bạ số cần phải đơn giản, dễ hiểu, dễ sử dụng ngay cả đối với học sinh tiểu học và giáo viên chưa có nhiều kinh nghiệm với công nghệ.
Chuyển đổi dữ liệu từ học bạ truyền thống: Cần có kế hoạch để chuyển đổi thông tin từ các học bạ truyền thống sang dạng số một cách chính xác, dễ dàng, tránh mất mát dữ liệu quan trọng.
Khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới: Khuyến khích giáo viên, học sinh sáng tạo trong việc sử dụng học bạ số; chẳng hạn như việc sử dụng hình ảnh, video, hoặc các công cụ trực tuyến khác để ghi nhận sự phát triển của học sinh.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giai-phap-trien-khai-hieu-qua-hoc-ba-so-post718646.html