GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM ĐỂ THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CTMTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở CÁC ĐỊA PHƯƠNG VÙNG ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN

Nhằm khắc phục những khó khăn, thách thức trong xây dựng nông thôn mới của các địa phương vùng đặc biệt khó khăn, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề xuất một số giải pháp trọng tâm để thực hiện hiệu quả CTMTQG xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới. Trong đó cần tập trung rà soát và điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới của các huyện, xã vùng khó khăn, nhất là các xã sau sáp nhập, chia tách theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xác định những thôn, bản khó khăn để xây dựng Đề án, kế hoạch thực hiện cụ thể trong giai đoạn 2021-2025.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai

Đề cập về chính sách, pháp luật về xây dựng nông thôn mới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai cho biết, trong những năm qua, với với sự quan tâm chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, sự quyết tâm của hệ thống chính trị và nỗ lực vươn lên của một bộ phận người dân, đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân vùng đặc biệt khó khăn đã có nhiều khởi sắc, nhưng kết quả xây dựng nông thôn mới của các địa phương vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vẫn còn nhiều thách thức so với các vùng khác của cả nước.

Vùng đặc biệt khó khăn bao gồm các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các huyện nghèo với điều kiện phát triển còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, địa bàn chủ yếu nằm ở vùng sâu, vùng xa, bị chia cắt bởi địa hình núi non hiểm trở hay kênh rạch chằng chịt, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bão lũ, những năm gần đây chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu...

Nhiều cơ chế, chính sách tập trung ưu tiên hỗ trợ các địa phương vùng ĐBKK xây dựng nông thôn mới

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai nêu rõ, trong giai đoạn 2016-2020, các Bộ, ngành Trung ương đã chủ động tham mưu trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 03 Nghị quyết, 09 Nghị định, 43 Quyết định, Chỉ thị, đồng thời ban hành theo thẩm quyền 55 văn bản cấp Trung ương; trong đó, nhiều cơ chế, chính sách tập trung ưu tiên hỗ trợ các địa phương vùng ĐBKK xây dựng nông thôn mới, tập trung vào 04 nhóm chính sách sau:

(1) Ưu tiên hệ số phân bổ vốn ngân sách Trung ương cho các xã đặc biệt khó khăn và xã dưới 05 tiêu chí cao hơn 4-5 lần so với các xã không thuộc đối tượng ưu tiên (bình quân khoảng 17 tỷ đồng/xã).

(2) Đơn giản hóa cơ chế, thủ tục trong quản lý đầu tư xây dựng: Cơ chế quản lý đầu tư xây dựng thực hiện Chương trình đã được rút gọn, đơn giản hóa. Thông qua cơ chế đầu tư đặc thù đối với các công trình, dự án thuộc các chương trình MTQG đã khuyến khích, vận động được người dân tham gia tích cực hơn vào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn (từ khi lập kế hoạch đến triển khai thực hiện, giám sát, quản lý và vận hành các công trình...).

(3) Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 03 Đề án xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới nhằm phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng giai đoạn 2016 - 2020 (đối với 03 tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Nghệ An) và 01 Đề án xây dựng NTM các xã CT229, các xã còn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn xã hội và các xã khó khăn của tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2018-2020.

(4) Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án hỗ trợ các thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững (Quyết định số 1385/QĐ-TTg ngày 21/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ), trong đó, bổ sung khoảng 1.400 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển từ tổng vốn dự phòng trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Chương trình để hỗ trợ bổ sung cho 3.513 thôn, bản, ấp thuộc 36 tỉnh triển khai thực hiện Đề án, nhằm thống nhất cơ chế, chính sách và tập trung nguồn lực hỗ trợ các địa phương khó khăn xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện thực tế và khắc phục tình trạng xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, còn khoảng cách lớn giữa các địa phương và giữa vùng, miền.

Xây dựng nông thôn mới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, ban hành một số Chương trình, Đề án chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng, triển khai một số nội dung trọng tâm đi vào chiều sâu, hướng tới bền vững:

- Để khắc phục ô nhiễm môi trường và cải thiện cảnh quan, môi trường nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 26/5/2017 phê duyệt Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa, giai đoạn 2017-2020.

- Nhằm phát triển các sản phẩm đặc sản gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, giá trị cộng đồng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020.

Theo đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tại các địa phương, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã linh hoạt, chủ động ban hành các bộ tiêu chí khác nhau ở cấp thôn; xây dựng chính sách hỗ trợ các thôn đạt chuẩn NTM. Đồng thời, từ kinh nghiệm triển khai, một số địa phương đã vận dụng sáng tạo và ban hành các cơ chế đặc thù hỗ trợ các địa phương triển khai xây dựng nông thôn mới, cụ thể như: Cơ chế hỗ trợ Quỹ phát triển cộng đồng của tỉnh Hà Giang; cơ chế hỗ trợ xây dựng thôn bản đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới (Hà Giang, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An,…); cơ chế hỗ trợ xi măng để phát triển hạ tầng nông thôn (Tuyên Quang, Bắc Giang, Bình Phước, Đắk Nông,…); cơ chế hỗ trợ đội văn nghệ thôn, bản (Sơn La)…

Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện đồng thời 03 Chương trình mục tiêu quốc gia là CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, CTMTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với nguồn lực rất lớn, trong đó, một trong các đối tượng thụ hưởng các Chương trình là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; với mục tiêu thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm.

Kết quả nổi bật trong thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới vùng ĐBKK

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai nhận thấy, trong giai đoạn 2016-2020, việc thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới vùng ĐBKK đã đạt một số kết quả nổi bật.

Theo đó, tổng nguồn lực huy động đầu tư xây dựng NTM trên địa bàn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 bằng 38,1% tổng vốn huy động của cả nước; lồng ghép từ các Chương trình, dự án khác chiếm 15,5%; Tín dụng 64,1%; Doanh nghiệp chiếm 2,1%; Cộng đồng và người dân tự nguyện đóng góp chiếm 4,4%, chủ yếu là hiến đất, đóng góp vật liệu xây dựng và ngày công lao động.

Có 08/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng ĐBKK và 14/30 huyện nghèo được hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn. Có 15/108 xã (13,9%) thuộc 04 Đề án xây dựng NTM đặc thù (Điện Biên, Lào Cai, Bắc Kạn, Nghệ An) đã đạt chuẩn NTM; 130/1.111 xã thuộc 85 huyện nghèo (Chương trình 30a) được công nhận đạt chuẩn NTM; 337/3.513 thôn, bản ĐBKK thuộc Đề án 1385 được công nhận đạt chuẩn NTM (đạt 9,6%). Về cơ bản đã đạt mục tiêu “Góp phần hoàn thành mục tiêu phấn đấu cả nước không còn xã dưới 05 tiêu chí và trực tiếp cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần cho người dân”.

Hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn vùng đặc biệt khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, được chú trọng, góp phần nâng cao điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân. Phát triển kinh tế nông thôn, tạo sinh kế, góp phần giảm nghèo bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân. Công tác xây dựng cảnh quan, thực hiện vệ sinh môi trường trên địa bàn đặc biệt khó khăn, đã có chuyển biến rõ nét. Công tác quy hoạch bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do có nhiều chuyển biến rõ nét, đạt được nhiều kết quả tích cực. Chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của của người dân vùng đặc biệt khó khăn ngày càng được nâng cao. Hệ thống chính trị ở cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn. An ninh trật tự trên địa bàn đặc biệt khó khăn cơ bản được giữa vững.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Giải pháp trọng tâm thực hiện hiệu quả CTMTQG xây dựng nông thôn mới

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai đã chỉ rõ, xây dựng nông thôn mới tại vùng ĐBKK vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như kết quả đạt chuẩn nông thôn mới của các địa phương vùng đặc biệt khó khăn chênh lệch khá lớn so với vùng miền khác của cả nước. Tiến độ và kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới ở các địa phương vùng ĐBKK đạt thấp so với bình quân chung cả nước.

Ngoài các giải pháp thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đại diện Ủy ban Kinh tế cho rằng, các địa phương vùng ĐBKK cần chú trọng vào một số nội dung trọng tâm sau:

Thứ nhất, rà soát và điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới của các huyện, xã vùng khó khăn, nhất là các xã sau sáp nhập, chia tách theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xác định những thôn, bản khó khăn để xây dựng Đề án, kế hoạch thực hiện cụ thể trong giai đoạn 2021-2025.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và người dân về xây dựng nông thôn mới ở địa bàn đặc biệt khó khăn, phát huy các nguồn lực tại chỗ, lồng ghép từ các chương trình, dự án khác để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới;

Thứ ba, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, lồng ghép cơ chế hỗ trợ của 03 CTMTQG và các chương trình, dự án khác để tập trung cho các địa phương vùng ĐBKK phát huy vai trò chủ động của các địa phương trong điều phối phân bổ nguồn lực thực hiện đảm bảo hiệu quả, không chồng chéo; nghiên cứu, đổi mới và mở rộng chính sách cho vay tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội tăng định mức cho vay, mở rộng đối tượng được vay về nước sạch và vệ sinh môi trường, thực hiện các nội dung về phát triển sản xuất, đặc biệt là phát triển Chương trình OCOP.

Thứ tư, tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của người dân trên địa bàn xã theo quy hoạch đã được phê duyệt gắn với phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu (giao thông, điện, nước sạch, y tế, trường học…); xây dựng các bản đồ cảnh báo khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nguy hiểm, quy hoạch, phân bổ lại, bố trí lại dân cư và có chủ trương đầu tư để ổn định đời sống, phát triển sản xuất đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng thời xây dựng hệ thống cảnh báo sớm để kịp thời sơ tán khẩn cấp trước khi có sạt lở đất, lũ quét.

Thứ năm, tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó: Hỗ trợ nhân rộng các mô hình chuyển đổi kinh tế hiệu quả (trồng cây ăn trái, chăn nuôi đại gia súc...) để phát huy, khơi dậy tiềm năng, lợi thế của vùng; tăng kinh phí hỗ trợ cho các hộ nhận khóa khoanh nuôi, bảo vệ rừng để người dân có thu nhập ổn định, phát triển các sản phẩm từ rừng; thúc đẩy phát triển các mô hình liên kết trồng rừng gỗ lớn tập trung, gắn với cấp chứng chỉ rừng bền vững, các mô hình trồng dược liệu xen ghép, chăn nuôi đại gia súc.

Đồng thời chú trọng phát triển kinh tế biển (nuôi trồng hải sản, du lịch biển..) vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong lĩnh vực chế biến, tiêu thụ sản phẩm; quan tâm đến công tác đào tạo nghề, phát triển các ngành nghề truyền thống gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu tại địa phương, các sản phẩm đặc sản có lợi thế theo Chương trình OCOP.

Thứ sáu, cần chú trọng đến các vấn đề về bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và triển khai các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phù hợp với đặc thù của vùng khó khăn để phát huy được các giá trị đặc trưng của vùng và góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện Chương trình./.

Bích Ngọc

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=80460