Giải pháp ứng phó trước tác động thuế quan của Mỹ
Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế và nhóm giải pháp để ứng phó với chính sách thuế mới của Mỹ, trong bối cảnh xuất khẩu đối mặt nhiều thách thức. Theo các chuyên gia kinh tế, trong nguy cơ luôn tiềm ẩn cơ hội, nếu thành phố tái cơ cấu thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, đẩy mạnh nội lực…

Vận chuyển hàng hóa tại Tân cảng Cát Lái. (Ảnh THẾ ANH)
NHIỀU THÁCH THỨC
Đồng chí Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Mỹ hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của thành phố, đặc biệt với các mặt hàng như điện, điện tử, gỗ, dệt may và da giày...
Trong năm 2024, thành phố đạt giá trị xuất khẩu sang Mỹ khoảng 7,8 tỷ USD, trong khi chỉ nhập khẩu 3 tỷ USD, tạo ra thặng dư thương mại lên tới 4,8 tỷ USD. Việc Mỹ bất ngờ áp mức thuế cao đang tạo ra những lo ngại cho hoạt động kinh tế đối ngoại của Thành phố Hồ Chí Minh.
Khi hàng hóa xuất khẩu từ thành phố sang Mỹ bị đánh thuế cao, sức cạnh tranh sẽ giảm, giá thành tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu và kế hoạch phát triển kinh tế năm 2025, ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu tăng trưởng GRDP 8,5% mà Chính phủ đã giao nhiệm vụ.
Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tham mưu 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế thành phố, dựa trên các mức thuế khác nhau mà Mỹ có thể áp dụng trong thời gian tới.
Cụ thể, thứ nhất, nếu Mỹ duy trì mức thuế 46% như hiện tại, GRDP của thành phố có thể giảm từ 2 đến 2,5%, kéo theo tốc độ tăng trưởng năm 2025 chỉ còn khoảng 4,63 đến 5,75%. Thứ hai, nếu mức thuế được điều chỉnh xuống còn 20 đến 30%, GRDP của thành phố dự kiến giảm từ 1,6 đến 1,9%, tăng trưởng đạt mức 6,23 đến 7,35%.
Kịch bản thứ 3 và cũng là kịch bản lạc quan nhất, nếu mức thuế được hạ sâu xuống 10% đến 15%, GRDP chỉ giảm nhẹ từ 1 đến 1,3%. Khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh có thể đạt mức tăng trưởng từ 7,37 đến 8,49%, tiệm cận mục tiêu tăng trưởng 8,5% mà Chính phủ đã đề ra cho năm nay.
Tương ứng với các kịch bản này, ông Vũ cũng đưa ra các nhóm giải pháp mà theo ông đã được các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế thảo luận để hiến kế cho Ủy ban nhân dân thành phố. Về xuất-nhập khẩu cần gói giải pháp đàm phán song phương giữa Việt Nam và Mỹ. Mục tiêu của gói giải pháp này nhằm hạ nhiệt căng thẳng thương mại, hướng đến việc đưa mức thuế Mỹ áp dụng với hàng hóa Việt Nam về mức trung bình, thông qua thỏa thuận hai bên.
Chính phủ cần có thêm các giải pháp kiểm soát tình trạng “gian lận xuất xứ”, với trọng tâm là siết chặt các hoạt động chuyển tải hàng hóa từ nước thứ ba qua Việt Nam. Đây là biện pháp nhằm bảo đảm minh bạch chuỗi giá trị và rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ đối với các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, phải thúc đẩy nhập khẩu các mặt hàng công nghệ cao, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam.
BIẾN NGUY CƠ THÀNH CƠ HỘI
Tại hội thảo “Tăng trưởng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh trước tác động chính sách thuế quan mới của Mỹ”, do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, các nhà khoa học cho rằng, trong nguy cơ luôn tiềm ẩn cơ hội, nếu Thành phố Hồ Chí Minh tái cơ cấu thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm và đẩy mạnh nội lực. Vượt qua được, thành phố sẽ định hình được vị thế mới trong chuỗi giá trị toàn cầu, chủ động hơn, vững vàng hơn và ít phụ thuộc hơn.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, nếu nhìn sâu hơn vào các dữ liệu về cơ cấu ngành hàng xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ không quá bi quan trước thông tin thuế quan của Mỹ.
Theo ông, kịch bản xấu nhất là mất thị trường Mỹ vì thuế cao. Tuy nhiên, căn cứ vào dữ liệu xuất khẩu của thành phố sang Mỹ, tốc độ tăng trưởng GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ giảm tối đa khoảng 1,3%.
Để bù đắp cho khả năng sụt giảm tổng cầu từ thị trường Mỹ, ông Hoài cho rằng, thành phố cần kích cầu tiêu dùng nội địa song song với đẩy mạnh đầu tư công. Đầu tư công, nếu được triển khai hiệu quả trong năm 2025, không chỉ tạo nền tảng vững chắc cho tương lai mà còn là động lực tăng trưởng kinh tế kịp thời.
Bên cạnh đó là các giải pháp đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng, giúp giảm chi phí logistics cho cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, tạo lợi thế cạnh tranh xuất khẩu; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp hỗ trợ, nhằm củng cố chuỗi cung ứng liên kết với các tập đoàn Hoa Kỳ.
Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường đại học Tài chính- Marketing khẳng định, ngay cả với kịch bản xấu nhất là Mỹ áp thuế 46% như hiện nay mà không đàm phán giảm được, thì tác động giảm tăng trưởng kinh tế của thành phố chỉ ở mức rất nhỏ, khoảng 0,2%. Để ứng phó, nhiều chuyên gia hiến kế, trước mắt Thành phố Hồ Chí Minh triển khai ngay các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động của thuế quan theo Nghị quyết 98, đặc biệt về thuế và đất đai.
Về lâu dài, để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu bền vững, việc đa dạng hóa thị trường là then chốt. Bên cạnh các thị trường truyền thống như châu Âu và Mỹ, cần tập trung khai thác các thị trường tiềm năng như Trung Đông, Bắc Phi, châu Phi và Mỹ Latinh thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại đa dạng và hiệu quả. Quan trọng nhất là hỗ trợ doanh nghiệp Việt nâng năng lực cạnh tranh, triển khai đề án phát triển kinh tế tư nhân dựa trên Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia…
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong nhóm giải pháp mà Sở tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố, trọng tâm là điều chỉnh thị trường xuất khẩu, tận dụng các thị trường khác để bù đắp thị trường Hoa Kỳ. Sở đã xây dựng chiến lược thị trường cho từng ngành với mỗi ngành cần xác định thị trường trọng điểm thay thế. Ở thị trường trong nước, thành phố tiếp tục ban hành các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên phụ liệu, giảm chi phí và tỷ lệ nhập khẩu. Thành phố Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 (ở mức 8,5%, phấn đấu đạt 10%).
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/giai-phap-ung-pho-truoc-tac-dong-thue-quan-cua-my-post871501.html