Giải phóng biển, đảo trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975

Tháng 3/1975, sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kiến nghị với Bộ Chính trị: 'Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo do quân ngụy đang chiếm giữ'. Kiến nghị này được Bộ Chính trị chấp thuận và ghi vào Nghị quyết ngày 25/3/1975. Hai tuần sau ngày Đà Nẵng giải phóng (29/3/1975), theo lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một biên đội tàu cá giả dạng (tàu không số) do Đại tá Phạm Duy Tam làm Biên đội trưởng cấp tốc từ Hải Phòng vào căn cứ Hải quân của quân đội chính quyền cũ để lại cạnh cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), để làm nhiệm vụ đánh chiếm Trường Sa. Đây là mũi tiến công trên hướng biển do các tàu không số Đoàn 125 phối hợp với lực lượng đặc công nước và Sư đoàn Bộ binh 2, Quân khu 5.

Bộ đội Đặc công Hải quân Đoàn 126 giải phóng đảo An Bang thuộc quần đảo Trường Sa, ngày 28/4/1975. Ảnh: Tư liệu

Bộ đội Đặc công Hải quân Đoàn 126 giải phóng đảo An Bang thuộc quần đảo Trường Sa, ngày 28/4/1975. Ảnh: Tư liệu

Ngày 2/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ thị cho đồng chí Lê Trọng Tấn: “Phải nắm lực lượng ở Khu 5 và Hải quân để tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa”. Đại tướng nhấn mạnh: “Vùng này có thể có tàu chiến của Hạm đội 7 và Hải quân các nước khác hoạt động. Hải quân ngụy cũng được trang bị các loại tàu lớn. Do đó, nghệ thuật tác chiến phải kiên quyết, táo bạo, đồng thời phải hết sức mưu trí, sáng tạo, bất ngờ”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị: “Các đơn vị có nhiệm vụ sẵn sàng, có thời cơ là đánh được ngay, bảo đảm chắc thắng. Đánh phải đúng lúc. Nếu có hiện tượng chúng rút, phải tranh thủ đánh chiếm ngay. Nếu tình hình chung địch bị nguy khốn, nhất là ở Sài Gòn, Bộ sẽ thông báo để kịp thời đánh chiếm. Nếu quân nước ngoài đã chiếm đảo thì ta kiên quyết chiếm lại. Nếu có khó khăn thì xin chỉ thị của Bộ”[1].

Chỉ thị của Quân ủy Trung ương và mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh đã được Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân chấp hành nghiêm chỉnh. Trung tuần tháng 4/1975, trong lúc Quân đoàn 4 tiến đánh Xuân Lộc, thì trên hướng Biển Đông, lực lượng Hải quân và đặc công ta bắt đầu hành động. Ngày 14/4/1975, ta đánh chiếm đảo Song Tử Tây, cách bờ biển Đà Nẵng, nơi xuất phát của Hải quân ta 800km. Ngày 24/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra lệnh cho các đơn vị có nhiệm vụ giải phóng đảo bước vào chiến đấu. Các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, An Bang, Trường Sa lần lượt được giải phóng.

Vào lúc 2 giờ sáng ngày 29/4/1975, trên hướng tiến công đường biển, ta đã kéo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, giải phóng 5 đảo thuộc quần đảo Trường Sa do chính quyền ngụy Sài Gòn chốt giữ. Nhận được tin quần đảo Trường Sa được giải phóng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thay mặt Quân ủy Trung ương gửi điện khen ngợi các đơn vị của Quân khu 5 và Hải quân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến lược quan trọng: Giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đại tướng cũng chỉ thị phải khẩn trương tổ chức phòng thủ các đảo.

Trưa ngày 30/4/1975, qua Đài Phát thanh, tin Dương Văn Minh - Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng được truyền đến đảo Phú Quốc. Chớp thời cơ, chiều cùng ngày, quân và dân ta tại huyện lỵ đã tiến thẳng vào trung tâm thị trấn Dương Đông trước sự suy sụp của ngụy quân, ngụy quyền. Trong đêm 30/4/1975, ta đã hoàn thành cơ bản việc tiếp quản toàn bộ cơ sở địch trên toàn huyện đảo, tiếp nhận sự giải giáp của ngụy quân, ngụy quyền, với hàng trăm tấn vũ khí đạn dược, hàng nghìn tấn quân trang, quân dụng, phương tiện chiến tranh.

Khoảng 2 giờ, ngày 4/5/1975, Sư đoàn 3, Quân khu 5[2] nhận được thông báo của cấp trên: Quân và dân Côn Đảo đã nổi dậy đập tan bộ máy kìm kẹp của nhà tù đế quốc, đang rất cần lực lượng ra tiếp sức để giải phóng hàng nghìn chiến sĩ cách mạng đang bị giam cầm mấy chục năm qua. Đến 3 giờ sáng, tàu chở bộ đội còn cách đảo khoảng 2km. Tàu Hải quân không thể cập cầu cảng 914 nên phải hạ neo. Đơn vị cử đồng chí Tiểu đoàn phó Lê Anh Kiên chỉ huy một tổ trinh sát và tổ máy thông tin lên hai chiếc thuyền cao su của Hải quân, nhanh chóng đột nhập vào đảo để tìm cách liên lạc với lực lượng tự vệ của ta. Khoảng 5 giờ sáng, lực lượng này đã bắt được liên lạc với lực lượng tự vệ đảo mới thành lập. Lực lượng trên đảo đang chuẩn bị sà lan để đưa bộ đội vào cầu cảng. 9 giờ sáng 4/5/1975, bộ đội đổ bộ lên cầu cảng, đội hình xếp thành 3 hàng dọc, đi đầu là Tổ quân kỳ Quyết thắng, tiếp đó là hai chiến sĩ cầm ảnh Bác Hồ. Trong lúc đơn vị điều chỉnh đội hình thì trên bầu trời Côn Đảo xuất hiện một phi đội không quân vòng lượn, gầm vang rền cả một vùng biển đảo như muốn chia vui với mọi người trong ngày Côn Đảo được hoàn toàn giải phóng.

Bộ đội Hải quân giải phóng đảo Song Tử Tây ngày 14/4/1975. Ảnh: Tư liệu

Bộ đội Hải quân giải phóng đảo Song Tử Tây ngày 14/4/1975. Ảnh: Tư liệu

Trước sức mạnh của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, quân đội ngụy Sài Gòn đồn trú trên một số đảo ở vùng biển Tây Nam đã rã ngũ, buông súng trở về với cách mạng. Lợi dụng thời tiết trên biển xấu, một số đảo xa bờ như quần đảo Thổ Châu, ta chưa kịp đưa quân ra tiếp quản, Pol Pot - Ieng Sary đưa quân ra đánh chiếm trái phép. Ngày 10/5/1975, Pol Pot - Ieng Sary kéo quân đánh chiếm quần đảo Thổ Châu. Sau khi đổ bộ lên đảo, chúng đã bắt gần như toàn bộ dân ở đây (khoảng hơn 500 người) đưa xuống tàu đem đi thủ tiêu.

Do ở xa đất liền, phải 3 - 4 ngày sau, một người dân sống sót mới tìm về báo tin cho Ủy ban Quân quản huyện Phú Quốc. Thông tin lập tức được báo cáo lên cơ quan Tổng hành dinh. Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức ngay lực lượng phối hợp cùng lực lượng vũ trang địa phương tiến công giành lại quần đảo Thổ Châu thuộc chủ quyền của Việt Nam mà quân Pol Pot - Ieng Sary đang chiếm đóng trái phép. Trưa 21/5/1975, lực lượng vũ trang địa phương Phú Quốc cùng với Tiểu đoàn 410 xuất phát từ cảng An Thới (Phú Quốc) hành quân giải phóng quần đảo Thổ Châu. Sáng 30/5/1975, các lực lượng phối hợp mở cuộc tiến công đánh chiếm sào huyệt cuối cùng của quân Pol Pot - Ieng Sary cố thủ ở trên đảo chính, tiêu diệt nhiều tên địch ngoan cố, bắt sống hơn 300 tên, xóa sổ 2 tiểu đoàn quân Pol Pot - Ieng Sary. Số tù binh Pol Pot - Ieng Sary được dẫn giải về Phú Quốc, sau đó được ta trao trả cho phía Campuchia. Như vậy, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, quần đảo Thổ Châu là nơi được giải phóng muộn nhất so với các địa phương ở miền Nam.

Có thể thấy, chiến thắng giải phóng biển, đảo trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là chiến thắng có ý nghĩa chiến lược. Chiến công đó khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, chính xác, kịp thời của Bộ Chính trị, Thường trực Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Quân khu 5. Đồng thời, thể hiện ý thức về chủ quyền đối với biển, đảo của quân và dân ta. Với ý nghĩa đó, chiến công giải phóng biển, đảo trong Đại thắng mùa Xuân 1975 có giá trị rất to lớn, góp phần tạo nên thắng lợi trọn vẹn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

[1] Dẫn theo: Nguyễn Anh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Hải quân Việt Nam. Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/dai-tuong-vo-nguyen-giap-voi-hai-quan-viet-nam-post105394.vnp, đăng tải ngày 24/8/2011, truy cập ngày 1/1/2025.

[2] Hiện nay, Sư đoàn 3 thuộc Quân khu 1.

Nguyễn Hải Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giai-phong-bien-dao-trong-tong-tien-cong-va-noi-day-mua-xuan-1975-post488775.html