Giải phóng mặt bằng các dự án giao thông trọng điểm ở Đông Nam bộ: Cả hệ thống chính trị vào cuộc - Bài 2: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau

Dù nhiều dự án lớn được triển khai cùng lúc với công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) trải dài từ Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) qua TPHCM, Đồng Nai, đến TP Dĩ An, TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) với hàng chục ngàn hộ dân chịu ảnh hưởng, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị nên đang dần về đích. Trong đó, công tác GPMB trên địa bàn TP Thủ Đức - nơi có dự án đường Vành đai 3 TPHCM đi qua, đã bàn giao 98% mặt bằng cho đơn vị thi công.

Hiệu quả công tác dân vận

Kể từ thời điểm triển khai thực hiện dự án đường Vành đai 3 TPHCM, đoạn qua tỉnh Bình Dương, công tác dân vận được thực hiện khá đồng bộ với nhiều hình thức và ở tất cả các cấp, ngành trong toàn tỉnh, góp phần tạo sự đồng thuận của nhân dân, doanh nghiệp, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc chưa từng có tiền lệ trong triển khai các dự án đầu tư lớn.

Trò chuyện với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND TP Thuận An Nguyễn Thành Úy cho biết, lúc đầu triển khai thực hiện dự án rất áp lực với công tác GPMB bởi diện tích đất cần thu hồi gần 50ha, giá trị đền bù, hỗ trợ hơn 5.450 tỷ đồng. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Thuận An, nhất là công tác dân vận, triển khai các tổ tuyên truyền, vận động sâu sát tới từng hộ dân có đất bị ảnh hưởng ngay từ khâu kiểm kê, nên từng bước thực hiện thuận lợi, gần như trút bỏ được áp lực ban đầu.

Theo ông Nguyễn Thành Úy, lãnh đạo thành phố trực tiếp lắng nghe ý kiến người dân có thắc mắc, nhất là khi hướng tuyến có sự điều chỉnh so với kế hoạch ban đầu. Cùng đó là công khai minh bạch về chính sách bồi thường, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, đơn vị thi công và tranh thủ tối đa sự ủng hộ của dân để chi trả đền bù tới đâu, thu hồi và bàn giao đất tới đó. Chính nhờ “đi từng ngõ, gõ từng nhà” mà hàng chục hộ dân có đất bị ảnh hưởng đã đồng thuận bàn giao mặt bằng sớm, rút ngắn đáng kể thời gian so với tiến độ đề ra.

 Lãnh đạo quận Phú Nhuận, TPHCM tặng quà cảm ơn người dân đồng thuận hiến đất mở rộng hẻm trên địa bàn. Ảnh: VIỆT DŨNG

Lãnh đạo quận Phú Nhuận, TPHCM tặng quà cảm ơn người dân đồng thuận hiến đất mở rộng hẻm trên địa bàn. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tương tự, TP Dĩ An (Bình Dương) có 511 trường hợp phải thu hồi đất. Cả hệ thống chính trị của thành phố đã vào cuộc đồng bộ: lập ban chỉ đạo đầu tư công (trong đó có dự án đường Vành đai 3 TPHCM) do Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban, lập các hội đồng bồi thường, định giá, các tổ giúp việc để thực hiện công tác đền bù GPMB (trong đó có 1 tổ tiếp nhận và xử lý các vướng mắc khi GPMB) với phương châm khẩn trương nhưng thận trọng, không chủ quan, thực hiện đúng quy định và đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người dân có đất bị thu hồi.

Còn tại dự án đường Vành đai 3 TPHCM nút giao TP Thủ Đức, có 602 tổ chức, cá nhân có đất cần giải tỏa, cũng nhờ công tác dân vận kịp thời, các chính sách đền bù minh bạch cùng quỹ đất nền, nhà chung cư phục vụ tái định cư được chủ động chuẩn bị từ sớm, đến nay đã nhận được sự hưởng ứng, đồng hành tích cực của người dân.

Lãnh đạo Ban Bồi thường GPMB TP Thủ Đức chia sẻ: Công tác dân vận đã được thực hiện trước một bước, ngay từ khâu công bố chủ trương kiểm đếm, đo đạc hiện trạng và các quy trình được thực hiện từng bước theo hướng “dễ làm trước, khó làm sau”; mặt bằng rộng, giá trị đền bù lớn được ưu tiên triển khai trước, tạo hiệu ứng lan tỏa cho các hộ có diện tích GPMB nhỏ hơn.

 Thi công đường Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Thi công đường Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Vì vậy, đến nay TP Thủ Đức đã bàn giao gần 98% mặt bằng cho đơn vị thi công, còn lại chờ giải quyết các thủ tục mua căn hộ chung cư hoặc bố trí đất nền. Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Mai Hữu Quyết cho biết: Ngay khi có chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 TPHCM, Ban Thường vụ Thành ủy TP Thủ Đức đã ra Thông tri huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đề ra quy trình thực hiện khá đồng bộ, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, với phương châm: người dân bàn giao đất cho dự án có cuộc sống tốt hơn hoặc bằng với nơi ở cũ.

Cùng đó, TPHCM sớm tổ chức ban chỉ huy do lãnh đạo Sở TN-MT làm phó trưởng ban thường trực, để sẵn sàng giải quyết các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện công việc, nhất là đối với các trường hợp nằm ngoài các chính sách chung, mục tiêu tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân và thực hiện đúng các quy định của nhà nước.

Tại xã Hòa Long (TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), điểm cuối của tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bí thư Đảng ủy xã Hồ Minh Trung cho biết, để làm tốt công tác GPMB, trước tiên là công tác dân vận...

Khó khăn hơn là những người có đất bị thu hồi nhưng không ở địa phương, không ít lần anh em cán bộ phường phải lặn lội đến TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương tìm gặp chủ đất để thông báo; có trường hợp không muốn nhận đền bù, cán bộ phải đi lại nhiều lần thuyết phục.

Nhờ nhiệt huyết của từng cán bộ, sự quyết liệt của Đảng ủy, công tác GPMB phục vụ dự án tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi qua xã Hòa Long cũng đã hoàn thành theo kế hoạch.

Đảng viên nêu gương

Gia đình đảng viên Phạm Thành Trung (61 tuổi, ngụ phường Bình Chuẩn, TP Thuận An, Bình Dương) nhiều đời nay gắn bó với vùng đất Thuận An, có nhà xưởng cho thuê với thu nhập mỗi tháng hàng chục triệu đồng. Khi chủ trương đầu tư đường Vành đai 3 TPHCM được thông qua, TP Thuận An công bố chi tiết các khu vực dự án đi qua, ban đầu ông Trung không khỏi lo lắng vì phần đất gia đình nằm trong diện thu hồi, GPMB, và băn khoăn về chính sách đền bù, công ăn việc làm sau này…

Ông Trung chia sẻ: “Gia đình tôi có khoảng 2.000m2 đất thuộc diện giải tỏa, trong đó hơn 100m2 là đất ở, còn lại là đất nông nghiệp. Sau khi được các tổ vận động họp dân, phân tích kỹ lưỡng các quy định của nhà nước, tôi đã vận động gia đình tiên phong bàn giao toàn bộ diện tích thuộc phạm vi dự án. Tôi ý thức rõ, mình là đảng viên, khi thấu hiểu các chính sách đền bù phù hợp và các lợi ích mà dự án mang lại, tôi đã ủng hộ tuyệt đối chủ trương và phối hợp các ban ngành chức năng vận động một số hộ còn băn khoăn sớm đồng thuận bàn giao đất”…

 Phó Chủ tịch UBND TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương Võ Trọng Tài (bên phải) thị sát một điểm GPMB phục vụ dự án đường Vành đai 3 TPHCM. Ảnh: XUÂN TRUNG

Phó Chủ tịch UBND TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương Võ Trọng Tài (bên phải) thị sát một điểm GPMB phục vụ dự án đường Vành đai 3 TPHCM. Ảnh: XUÂN TRUNG

Đến nay, riêng địa bàn phường Bình Chuẩn đã có 100% số hộ bị ảnh hưởng bàn giao mặt bằng, nhờ đó vị trí nút giao Bình Chuẩn khởi công đúng kế hoạch và hiện đã thi công được khoảng 20% khối lượng.

Không chỉ địa bàn TP Thuận An, mà tại TP Dĩ An, TP Thủ Dầu Một, nhiều “nút thắt” lớn phát sinh trong quá trình triển khai GPMB đã từng bước được giải quyết như thu hồi diện tích lớn, các khu vực có đông đồng bào có đạo sinh sống... Trong đó, nút giao Tân Vạn (TP Dĩ An), công trình phức tạp nhất trong 10 nút giao trên đường Vành đai 3 TPHCM, đã được khởi công, thúc đẩy tiến độ toàn dự án theo đúng kế hoạch đề ra, nhờ các hộ dân đã bàn giao mặt bằng.

Là địa phương có hơn 8,1km tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi qua, xã Tóc Tiên (thị xã Phú Mỹ) chịu nhiều áp lực khi diện tích giải tỏa lên đến gần 59ha của 465 hộ dân, tổ chức, và là xã có số hồ sơ GPMB nhiều nhất trong số các xã của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị ảnh hưởng bởi dự án.

Thế nhưng, nhờ sự nỗ lực của Đảng ủy, UBND và sự đồng thuận cao của người dân, công tác GPMB ở đây đã về đích trong tháng 4-2024. Điểm sáng của xã là có hàng chục hộ đã bàn giao mặt bằng trước khi nhận tiền đền bù, hỗ trợ. Điển hình như trường hợp hộ ông Đỗ Văn Bên, đảng viên duy nhất của ấp 5, đã thực hiện tinh thần nêu gương, bàn giao đất trước, nhận tiền đền bù sau.

Trong căn nhà khang trang mới xây dựng, ông Bên tâm tình, năm 1985, sau khi xuất ngũ, ông về vùng đất xã Tóc Tiên cày cuốc làm nông. Nhờ sự cần cù, chịu khó, gia đình ông đã tậu được vài mẫu đất để canh tác. Là người dân thường di chuyển trên tuyến quốc lộ 51, chứng kiến cảnh kẹt xe kéo dài hàng cây số, do đó khi chính quyền có thông báo thu hồi đất để thi công tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, ông đồng tình ủng hộ ngay lập tức và vận động bà con, chòm xóm chấp hành việc thu hồi đất để nhanh chóng triển khai dự án.

“Vì sự phát triển chung của tỉnh, bà con đi lại đỡ vất vả hơn nên dù mình có thiệt thòi đôi chút nhưng cũng cảm thấy ấm lòng”, ông Đỗ Văn Bên chia sẻ.

Theo Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Dương Bùi Thanh Nhân, công tác GPMB các dự án lớn tại tỉnh Bình Dương, trong đó có dự án đường Vành đai 3 TPHCM, được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm đặc biệt.

Điểm mới trong thực hiện công tác này là hệ thống dân vận vào cuộc nắm bắt hoàn cảnh từng hộ gia đình, nguyện vọng người dân để báo cáo các cấp, bàn bạc hình thành chính sách, giá đền bù mà người dân chấp nhận được.

Cùng đó, công tác tuyên truyền đi trước một bước để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, tránh tình trạng như trước đây các mảng công tác này chỉ vào cuộc khi cơ sở đã hình thành “điểm nóng”, tình hình sẽ khó khăn và có thể khiến dự án kéo dài không có lối ra.

VĂN PHONG - XUÂN TRUNG - HOÀNG BẮC - NÔNG NGÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/giai-phong-mat-bang-cac-du-an-giao-thong-trong-diem-o-dong-nam-bo-ca-he-thong-chinh-tri-vao-cuoc-bai-2-dang-vien-di-truoc-lang-nuoc-theo-sau-post749508.html