Giải phóng mặt bằng các dự án tại Long An còn nhiều khó khăn

Dù được các cấp, ngành tập trung thực hiện nhưng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Long An hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Từ đó, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đơn vị thi công thực hiện nghi thức khởi công dự án Đường tỉnh 830E.

Đơn vị thi công thực hiện nghi thức khởi công dự án Đường tỉnh 830E.

Theo ông Võ Minh Thành, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Long An, giai đoạn 2021 - 2025, Long An đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 4.000 ha để phát triển kinh tế-xã hội, tập trung vào các dự án thuộc chương trình đột phá, công trình trọng điểm của tỉnh, các dự án tạo quỹ đất sạch và phát triển khu công nghiệp, khu đô thị mới. Nhưng đến nay mới chỉ chi trả bồi thường được gần 900 ha, đạt chưa đầy 23% so với mục tiêu đề ra. Riêng năm 2023, Long An có kế hoạch giải phóng mặt bằng gần 930 ha, nhưng 8 tháng của năm 2023 mới chỉ chi trả bồi thường hơn 270 ha, đạt 29,6% so với kế hoạch đề ra.

Nhiều công trình, dự án trọng điểm của tỉnh hiện còn gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, như: Đường tỉnh 830E (đoạn qua huyện Bến Lức) hiện vẫn còn 161/878 hộ dân chưa đồng ý nhận tiền bồi thướng với diện tích hơn 6,7 ha; Dự án tạo quỹ đất sạch đường tỉnh 830E còn 147 hộ dân chưa đồng ý nhận tiền với diện tích hơn 41 ha; dự án đường Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh còn 8 hộ trong tổng 400 hộ dân chưa đồng ý nhận tiền với diện tích gần 1 ha...

Các dự án đầu tư ngoài ngân sách cũng gặp nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng như: Dự án Khu công nghiệp Nam Tân Tập (huyện Cần Giuộc) có gần 1.500 hộ dân bị ảnh hưởng với tổng diện tích hơn 158 ha nhưng đế nay mới bồi thường được cho 572 hộ dân. Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Lộc Giang (huyện Đức Hòa) hiện vẫn chưa hoàn thành kiểm đếm, chưa được phê duyệt giá đất bồi thường…

Ông Võ Minh Thành cho biết thêm, hầu hết các hộ dân trong các dự án chưa đồng ý nhận tiền bồi thường là do đang khiếu nại về giá đất, chưa đồng thuận với phương án hỗ trợ tái định cư. Bên cạnh đó, nguồn vốn bố trí cho các dự án chưa được kịp thời, kể cả dự án đầu tư công lẫn dự án đầu tư ngoài ngân sách. Các thủ tục thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng của các cơ quan nhà nước còn chậm… Từ đó, đã gây ảnh hưởng chung đến công tác giải phóng mặt bằng của toàn tỉnh.

Để khắc phục các khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng tại các dự án, UBND tỉnh Long An yêu cầu trong thời gian tới, các đơn vị, địa phương trong tỉnh tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chú trọng tập trung bố trí đủ nguồn vốn phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với công trình trọng điểm, công trình vốn đầu tư công, kịp thời chi trả cho người dân. Đối với dự án đầu tư ngoài ngân sách, ngành chức năng tích cực làm việc với doanh nghiệp, quy định thời hạn để doanh nghiệp kịp thời chi trả tiền bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng; trường hợp quá thời hạn, doanh nghiệp vẫn chưa chuyển tiền bồi thường, sẽ kiên quyết giải quyết theo quy định.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người bị thu hồi đất chấp thuận chủ trương thu hồi đất; tiếp tục rà soát, sửa đổi, ban hành các chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo quyền lợi của người dân.

Tin, ảnh: Bùi Giang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/giai-phong-mat-bang-cac-du-an-tai-long-an-con-nhieu-kho-khan-20230921143248934.htm