Giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô chưa đáp ứng yêu cầu

Tiến độ giải phóng mặt bằng dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô chưa đáp ứng yêu cầu, tập trung chủ yếu thuộc phạm vi đất nông nghiệp.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là mảnh ghép phát triển hạ tầng giao thông của Bắc Ninh. Ảnh: TTXVN

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là mảnh ghép phát triển hạ tầng giao thông của Bắc Ninh. Ảnh: TTXVN

Chiều 25/4, tại buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, thông tin về tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 56/2022/QH15, UBND thành phố Hà Nội cho biết, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên) đã phê duyệt phương án và thu hồi đất được 1.371,67/1.398,55 ha, đạt 98,08%. Đã di chuyển được 16.585/ 16.608 ngôi mộ, đạt 99,86%; thành phố Hà Nội đã hoàn thành 13/13 khu tái định cư để bố trí tái định cư cho các hộ dân, đã cắt điện để di chuyển điện cao thế (110kV, 220kV và 500kV).

Theo UBND thành phố, ngay sau khi được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, UBND thành phố Hà Nội đã giao Viện Quy hoạch xây dựng lập hồ sơ chỉ giới đường đỏ, Sở Quy hoạch kiến trúc đã tổ chức thẩm định, trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt.

Trên cơ sở chỉ giới đường đỏ được phê duyệt, đơn vị tư vấn đã cắm mốc chỉ giới tại hiện trường, bàn giao cho UBND các quận, huyện có dự án đầu tư đi qua tổ chức kiểm đếm, đo đạc, xây dựng và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thu hồi đất xây dựng công trình dự án đầu tư.

Kết quả, tổng diện tích đất chiếm dụng của toàn bộ dự án đầu tư khoảng 1.398,57 ha, trong đó đất nông nghiệp khoảng 1.054 ha, đất ở khoảng 42 ha, đất khác khoảng 303 ha. Tổng số hộ bị ảnh hưởng của dự án là 25.041 hộ (trong đó Hà Nội khoảng 12.992 hộ, Hưng Yên khoảng 4.057 hộ, Bắc Ninh khoảng 7.992 hộ).

Tuy nhiên, tiến độ giải phóng mặt bằng dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô chưa đáp ứng yêu cầu, tập trung chủ yếu thuộc phạm vi đất nông nghiệp. Phạm vi đất chưa thực hiện giải phóng mặt bằng chủ yếu thuộc khu vực đất ở của các hộ gia đình, đất liên quan đến tín ngưỡng, đất liên quan đến các cơ quan, tổ chức... là các khu vực rất khó khăn do ảnh hưởng đến sinh kế người dân, doanh nghiệp, phải thực hiện nhiều trình tự, thủ tục để thực hiện thu hồi, khó khăn trong công tác vận động người dân bàn giao đất.

Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Ảnh: Huy Hùng-TTXVN

Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Ảnh: Huy Hùng-TTXVN

Ngoài ra, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các khu tái định cư triển khai còn chậm, chênh lệch giữa giá đất đầu đi và đầu đến nên rất khó khăn trong việc di dời người dân đến nơi ở mới để thực hiện giải phóng mặt bằng. Chính vì vậy, mặc dù tỷ lệ mặt bằng đã bàn giao khá lớn, tuy nhiên còn có hiện tượng xôi đỗ, khó khăn trong việc triển khai thi công đồng loạt.

Tại Hà Nội, đến nay, thành phố Hà Nội đã phê duyệt và thu hồi đất được 787,75/798,65 ha, đạt 98,64%, còn lại 10,9 ha chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng tại các quận, huyện: Mê Linh; Đan Phượng; Hoài Đức; Hà Đông. Các nhà thầu đã tiếp nhận mặt bằng được 776,97/785,42 ha, đạt 91,7%. Tổng số mộ chí đã di chuyển: 10.337/10.345 ngôi, đạt 99,92%. Hà Nội phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng toàn bộ trong tháng 5/2025.

Để đảm bảo việc triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, UBND thành phố Hà Nội kiến nghị: Các đơn vị quản lý vận hành khai thác hệ thống điện cao thế phối hợp, tạo điều kiện hỗ trợ trong công tác cắt điện các tuyến đường dây 110kV, 220kV, 500kV để có thể đảm bảo hoàn thành công tác di chuyển theo tiến độ đã đăng ký.

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép kéo dài cơ chế giao mỏ theo cơ chế đặc thù cho nhà thầu thi công khai thác cho đến khi kết thúc, hoàn thành dự án như quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn vật liệu xây dựng thực hiện các dự án đường bộ cao tốc quan trọng quốc gia.

Tuyết Mai/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giai-phong-mat-bang-du-an-duong-vanh-dai-4-vung-thu-do-chua-dap-ung-yeu-cau/371489.html