Giải phóng mặt bằng khó vì... hai giá!
Lường trước được 'độ khó' của công tác giải phóng mặt bằng, nên ngay từ khi đầu tư, mở rộng quốc lộ 6 dài 21,7 km đoạn từ Ba La (Hà Đông) đến Xuân Mai (Chương Mỹ) với tổng số vốn đầu tư trên 8.000 tỷ đồng, Thành phố đã phải tính thời gian hoàn thành lên tới trên 5 năm (khởi công tháng 12/2022, dự kiến hoàn thành năm 2027). Thi công gần 22 km, mà thời gian dự kiến hoàn thành lên tới trên 5 năm, và với đà này, chưa chắc đến năm 2027, dự án mở rộng, nâng cấp quốc lộ 6 hoàn thành đúng kế hoạch.
Có anh bạn quê Chương Mỹ, vừa từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội thăm gia đình, anh cho hay: Cuối năm 2022, về thăm quê, thấy các bên liên quan tổ chức lễ khởi công dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai, lòng mừng rỡ, chắc đà này chỉ mấy năm nữa, về thăm gia đình sẽ được đi trên cung đường phía Tây của Thủ đô rộng thênh thang. Ai ngờ, gần 2 năm trở lại, đường sá vẫn vậy, bóng dáng cao tốc chưa thấy đâu.
Lối gần cầu Mai Lĩnh, chợ vẫn họp đông người, hai bên đường nhà dân vẫn ở, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường, công tác giải phóng mặt bằng hầu như không chuyển động. “Qua tìm hiểu được biết, không chỉ dự án mở rộng, nâng cấp quốc lộ 6, mà hầu hết các dự án triển khai thời gian qua, cũng như hiện nay, đặc biệt là các dự án có liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng trên phạm vi cả nước, nhất là tại các thành phố lớn, đều bị chậm tiến độ”, anh thắc mắc.
Dù không phải là chuyên gia kinh tế, nhưng nghĩ, vấn đề mà anh đưa ra rất thời sự, đành “thử” luận giải trên góc độ thực tiễn, nên tôi trả lời: “Giải phóng mặt bằng chậm, mấu chốt là do yếu tố giá đền bù. Ví dụ, tại một số nước, giá đất nói chung, giá nhà đất mặt tiền nói riêng, do Nhà nước áp giá không quá cao, thậm chí ngang bằng giá giao dịch trên thị trường. Nên khi có chủ trương thu hồi nhà, đất phục vụ dự án, người dân tự nguyện bàn giao mặt bằng khá nhanh. Vì số tiền họ nhận đền bù đủ sức mua nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Còn ở ta, đặc biệt tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn, giá đất của Nhà nước áp giá đền bù và giá thị trường chênh lệch nhau quá lớn. Ví dụ, đất mặt tiền khu vực quận Đống Đa, giá được Hội đồng nhân dân Thành phố quy định khoảng 100 triệu đồng/m2, nhưng giá giao dịch trên thị trường thực tế lên tới 250 đến trên 300 triệu đồng/m2. Hệ quả là, khi tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng rất khó khăn”.
Nghe xong anh nói có lý. “Vậy tại sao Nhà nước lại không bàn biện pháp để kéo giá thị trường xích lại với khung giá do Nhà nước ban hành?”, anh hỏi. Và một lần nữa tôi trả lời: Đây là “câu chuyện” kinh tế không đơn giản, nó cũng giống như “bộ ba” lương - thu nhập - giá cả không đồng nhất với nhau, ai cũng biết, song không thể một sớm, một chiều khắc phục được. Bởi vậy, điều kiện cần và đủ, khi thể chế kinh tế thị trường được hoàn thiện, các bất cập về giá được khắc phục, khi đó câu chuyện về đền bù giải phóng mặt bằng sẽ lùi xa.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/giai-phong-mat-bang-kho-vi-hai-gia-170734.html