Giải quyết ách tắc trong giải ngân dự án thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế

Trước ý kiến nhiều đại biểu Quốc nêu về tiến độ giải ngân chậm của các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, Chính phủ hiện rất quyết liệt để giải quyết những ách tắc trong vấn đề này và tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách để tháo gỡ.

Nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề đầu tư công tại phiên họp.

Nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề đầu tư công tại phiên họp.

Nhiều nguyên nhân chậm giải ngân dự án

Thảo luận tại phiên họp ngày 25/5 của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho biết, về y tế, Nghị quyết số 43/2022/QH15 được kỳ vọng bố trí 145 dự án, tổng số vốn đầu tư gần 13,5 nghìn tỷ đồng để đầu tư, nâng cao chất lượng hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Tuy nhiên, qua báo cáo giám sát cho thấy, tổng số giải ngân chỉ đạt khoảng 6,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 48%.

Nhiều nguyên nhân của vấn đề trên đã được nêu ra trong Báo cáo giám sát. Trong đó, có nguyên nhân là do các cơ quan chức năng chưa kịp thời ban hành các tiêu chuẩn, định mức liên quan đến đầu tư công, nhất là tiêu chuẩn định mức đầu tư các dự án về y tế, không có cấu phần xây dựng, liên quan đến các gói đầu tư trang thiết bị y tế cho các bệnh viện, trung tâm y tế… gây khó khăn cho các địa phương.

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị Chính phủ tổng kết, sửa đổi Luật Đầu tư công và các văn bản thi hành, xóa bỏ thủ tục không cần thiết để thực hiện đầu tư công ở nước ta nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Cũng quan tâm đến vấn đề đầu tư, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cần phải khắc phục công tác chuẩn bị đầu tư các dự án hiện nay còn chậm. Cùng với đó, cần giải quyết các bất cập trong công tác giải phóng mặt bằng; tình trạng danh mục đầu tư trình Quốc hội chưa sát thực tế dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần, ảnh hưởng tới công tác phân bổ vốn, tiến độ thi công và giải ngân của các dự án...

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, về lâu dài, đối với các dự án có vốn đầu tư lớn cần phải quy hoạch từ đầu nguồn vật liệu, tránh việc đến lúc triển khai dự án phải mua lại dẫn đến đội chi phí lên cao.

Đề cập đến việc chậm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công cũng là nguyên nhân làm chậm tiến độ, có địa phương thực hiện rất tốt, có địa phương thì ì ạch, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá trách nhiệm của địa phương, ngành, đơn vị thi công để phân định, đôn đốc, nhắc nhở, phê bình nghiêm khắc.

Để tránh dở dang, lãng phí, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đề xuất tiếp tục kéo dài thời hạn giải ngân đối với một số dự án thuộc Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội đến hết năm 2025.

Đại biểu cho biết, trong số 272 dự án thuộc Chương trình, có tới 107 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 50%. Nếu không cho phép kéo dài sẽ dẫn đến dở dang, lãng phí. Tuy nhiên, theo Đại biểu, đối với một số dự án có hiệu quả giải ngân thấp và chưa thực hiện nghiêm các quy định liên quan có thể hủy dự toán; đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Cùng quan điểm với đại biểu Hòa về việc phân cấp cho các địa phương làm cơ quan chủ quan đối với các dự án tuyến đường cao tốc, đại biểu Mai cho hay, qua giám sát cho thấy, có nhiều địa phương đã làm rất tốt, nhưng cũng có những địa phương còn lúng túng. Nếu áp dụng nhân rộng mô hình này, đại biểu cho rằng cần chú ý hai điểm: Thứ nhất, cần nâng cao năng lực thực hiện của các địa phương; Thứ hai là đi đôi với quyền hạn cần quy định rõ hơn về trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu…

Nghiên cứu hoàn thiện các chính sách gỡ vướng

Làm rõ các ý kiến đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết số 43/2022/QH15 được xây dựng trong một hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khi tăng trưởng kinh tế giảm mạnh, doanh nghiệp gặp nhiều thách thức, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, đòi hỏi phải có giải pháp cấp bách để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân ổn định được đời sống, phục hồi dần kinh tế xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian xây dựng và thực hiện chương trình là rất ngắn, chương trình có quy mô lớn, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, tổ chức, đối tượng. Lần đầu tiên, chúng ta thực hiện chương trình lớn và cấp bách, kinh nghiệm, năng lực còn hạn chế, việc phối hợp thực hiện một số dự án còn chậm...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ ý kiến đại biểu nêu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ ý kiến đại biểu nêu.

Về tổ chức thực hiện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, các bộ, ngành đã hết sức tích cực, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, thành lập nhiều tổ công tác, đoàn công tác để đốc thúc triển khai. Tất cả các thành viên Chính phủ đều được phân công xuống từng địa phương để giải quyết những ách tắc, vướng mắc, khó khăn của từng dự án đầu tư công, từng dự án thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. "Chưa bao giờ làm quyết liệt như thế", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thời gian thực hiện ngắn nhưng chưa có cơ chế thực hiện thủ tục rút gọn, khác biệt. Thêm vào đó, khi thực hiện trọng tâm trọng điểm vào các dự án lớn thì thời gian chuẩn bị cũng dài, dự án nhóm C là 3 năm, nhóm B là 4 năm, nhóm A là 5-6 năm, trong khi Chương trình thời gian triển khai chỉ 2 năm dẫn đến không kịp tiến độ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ đôn đốc thúc đẩy các dự án chưa hoàn thành thủ tục. Hiện nay, có 8 dự án chưa hoàn thành thủ tục, 35 dự án chưa triển khai, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực y tế và chuyển đổi số. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thực hiện, sớm đưa vào khai thác.

Đồng tình với nhiều đại biểu đã nêu, Người đứng đầu ngành Kế hoạch Đầu tư cho rằng, đã là chương trình đặc biệt thì phải có chính sách đặc biệt, thủ tục, quy trình đặc biệt và phân cấp phân quyền triệt để để rút ngắn các khâu cũng như thời gian triển khai các chương trình, dự án.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, hiện nay, Bộ Kế hoạch Đầu tư đang nghiên cứu sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu và Luật PPP để tháo gỡ các khó khăn, đáp ứng nhu cầu, rút ngắn thời gian triển khai các dự án.

Trần Huyền

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/giai-quyet-ach-tac-trong-giai-ngan-du-an-thuoc-chuong-trinh-phuc-hoi-phat-trien-kinh-te.html