Giải quyết điểm đen kẹt xe ở Bình Dương

Với những nỗ lực vượt bậc trong phát triển kinh tế, năm 2020 Bình Dương là địa phương dẫn đầu cả nước về mức thu nhập bình quân tính theo đầu người đạt 7,019 triệu đồng/người/tháng.

Cũng tính đến năm 2020 Bình Dương thuộc nhóm đầu khi có đến 48 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích lên hơn hơn 10.000ha. Bình Dương cũng là tỉnh nằm trong top đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 36,5 tỷ USD.

Với số dân gần 2,5 triệu người, trong có dân nhập cư chiếm tỷ lệ trên 50%, Bình Dương cũng là địa phương có tỷ lệ dân nhập cư thuộc dạng cao nhất nước… Tuy nhiên, vấn nạn kẹt xe ở Bình Dương cũng đang đặt ra nhiều việc phải làm…

Ùn tắc giao thông ở các tuyến đường huyết mạch như quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT743, ĐT747, Huỳnh Văn Cù… luôn chật như nêm vào giờ cao điểm. Xe máy chạy vào làn ôtô, xe ôtô thì chạy vào làn xe gắn máy; xe container, xe tải thì chắn ngang, chắn dọc... tạo thành cảnh tượng hết sức hỗn độn.

Lực lượng CSGT dù cố sức đến mấy cũng khó có thể phân luồng, điều tiết giao thông khi những khoảng trống trên mặt lộ đã không còn. Giải tỏa ùn tắc còn chưa xuể thì khó có thể dừng phương tiện để xử lý lấn làn, vượt đèn đỏ...

Lý do ùn tắc giao thông được xác định do các phương tiện là xe container, xe tải không chỉ từ các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn mà còn từ các tỉnh Tây Nguyên, miền Tây đi đến các cảng biển, cảng sông như Cát Lái, Trường Thọ, Đa Phước, Thị Vải, Cái Mép… đều ngang qua tỉnh Bình Dương. Thêm nguyên nhân chính khác là lượng xe cá nhân gồm ôtô, xe gắn máy tăng đột biến trong những năm gần đây.

Kẹt xe ở TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) vào giờ cao điểm.

Kẹt xe ở TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) vào giờ cao điểm.

Thượng tá Trương Minh Cảnh, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh Bình Dương cho biết, nếu như cách đây 10 năm, 75 người có 1 ôtô thì nay tỷ lệ này chỉ còn 5 người; xe gắn máy là 7 người 1 chiếc thì nay mỗi người đã gần 2 chiếc xe!. Đó là chưa kể lượng xe ôtô, xe gắn máy mà người dân nhập cư đưa đến từ các tỉnh khác sử dụng lưu thông trên địa bàn.

Lượng xe lưu thông thì tăng gấp nhiều lần, trong khi đường sá mở ra không theo kịp mặc dù Bình Dương được đánh giá là một trong những địa phương có hệ thống giao thông khá tốt.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết, giải quyết vấn nạn kẹt xe là mối quan tâm của người dân nên trong thời gian qua tỉnh Bình Dương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đi vào chiều sâu nhằm giải quyết căn cơ, lâu dài thực trạng này.

Đó là mở rộng quốc lộ 13, đường Mỹ Phước- Tân Vạn; đấu nối tuyến ĐT743B ra đường Phạm Văn Đồng thuộc địa bàn TP HCM. Khu vực từ đường Mỹ Phước – Tân Vạn vào đường ĐT 743 sẽ xây dựng 6 cầu vượt, 6 hầm chui trên tuyến chính; 15 hầm chui ngang, 28 cầu vượt dành cho người đi bộ, 7 đường dân sinh…

Hệ thống giao thông này khi kết hợp với các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như đường Vành đai 3 (dài 90km qua các tỉnh Long An, Bình Dương, TP HCM, Đồng Nai), Vành đai 4 (dài 197,6km, qua 5 tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, TP HCM) và cao tốc TP HCM-Thủ Dầu Một- Chơn Thành thì sẽ giảm áp lực đáng kể lưu lượng xe cộ đi vào các tuyến đường huyết mạch của tỉnh Bình Dương.

Riêng ở Bình Dương, ý thức của người tham gia giao thông là công nhân cần lưu ý nhất bởi nơi đây có đến hơn 1 triệu dân nhập cư là công nhân trong các khu, cụm công nghiệp và doanh nghiệp xen kẽ trong khu dân cư.

Có mặt tại nhiều khu công nghiệp vào giờ tan ca mới có thể thấy được hết ý thức rất đáng phê phán của những người này. Họ đi dàn ngang chiếm hết cả con đường hai chiều, cúp đầu, lạng lách trước mặt xe container, xe tải.

Các tài xế xe container, xe tải không chỉ những là “hung thần trên xa lộ” mà còn là đối tượng gây kẹt xe càng nghiêm trọng hơn. Tài xế phân trần là do người chủ doanh nghiệp hối thúc về nhanh cho kịp chuyến hàng nên mới… vượt đèn đỏ cho nhanh. Nhưng chính hành động đó đã “tính già hóa non”, không chỉ gây chậm trễ cho mình mà còn liên lụy biết bao người khác.

Bên cạnh áp lực về thời gian cho người chủ đặt ra, các tài xế container, xe tải còn tự đặt ra áp lực cho mình khi muốn chạy được nhiều chuyến hàng trong khi thời gian thì có hạn dẫn đến chạy nhanh, chạy ẩu gây tai nạn giao thông, đến khi hối hận thì đã muộn.

Trở lại chuyện ý thức của công nhân, chúng tôi làm cuộc khảo sát ở nhiều khu nhà trọ ở TP Thuận An, Dĩ An… thì thấy có điều cũng cần đưa ra lời khuyên đối với họ trong việc sử dụng xe cá nhân.

Phổ biến nhất là trường hợp 2-4 người ở chung phòng trọ, làm cùng công ty, thay vì hai người đi cùng một xe là được, vừa thuận lợi vừa giảm tiền xăng thì họ lại mỗi người mỗi xe.

Cũng gần giống như vậy là đối với người dân địa phương, nhà ở cách chợ chỉ 200-300m2, đón con ở trường học cũng cỡ cự ly này, thay vì đi bộ thì họ lại đi xe gắn máy. Nhà trong hẻm ra trạm xe buýt ở đường chính cũng chỉ vài trăm mét nhưng họ cũng phải nhờ người thân dùng xe gắn máy để chở đi, rước về…

Với những trường hợp như đã đề cập ở trên, nếu có sự tuyên truyền tốt từ chính quyền địa phương đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người lao động, người dân để họ dần thay đổi ý thức, góp gần giảm thiểu tại nạn, ùn tắc giao thông thì có lẽ đó là giải pháp bền vững nhất. Còn đường có rộng, cầu có cao mà ý thức thấp thì chuyện kẹt xe vẫn là muôn thuở…

Mã Hải-Nguyễn Cảnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-thong/giai-quyet-diem-den-ket-xe-o-binh-duong-643659/