Giải quyết dứt điểm vấn nạn lãng phí (*): Những tổn thất không đáng có

Lãng phí về thời gian, tài sản hoặc đến từ vướng mắc về chính sách hay pháp lý... đều có thể chặn từ gốc

Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng nằm trên đất vàng mặt biển "tuyến đường 5 sao" Võ Nguyên Giáp (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) là 1 trong 1.629 cơ sở nhà, đất công chưa sắp xếp lại, bỏ hoang gây lãng phí, ô nhiễm môi trường.

Thấy là tiếc

Cách bệnh viện trên không xa, Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 1 (cơ sở 2) tại đường Nguyễn Công Trứ (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) có diện tích rộng hàng ngàn mét vuông, nằm 2 mặt tiền gồm đường Nguyễn Công Trứ và đường Phan Bôi, hiện cũng không còn sử dụng.

Liên quan tới công trình y tế, ở Bình Dương, dự án Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Bình Dương quy mô 300 giường, vốn đầu tư hơn 250 tỉ đồng dù đã hoàn thành vào năm 2018 nhưng đến hiện tại cửa vẫn khóa im ỉm, vắng bóng người.

Tính đến tháng 6-2024, qua thực hiện 2 Nghị định 167/2017 và 67/2021, Sở Tài chính TP HCM đã tham mưu về phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 510 địa chỉ nhà, đất, diện tích 1.277.428 m2. Trong đó thực hiện thu hồi 35 địa chỉ nhà, đất, diện tích 287.826 m2, do cơ quan, đơn vị không còn nhu cầu sử dụng.

Ngoài ra, dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương có vốn đầu tư khoảng 2.300 tỉ đồng (còn gọi là Bệnh viện 1.500 giường), được khởi công xây dựng từ cuối năm 2014, dự kiến hoàn thành trong năm 2016 với thiết kế ấn tượng, có bãi đáp trực thăng... nhưng 8 năm sau thời điểm dự kiến hoàn thành, nay vẫn chưa xong.

TP Cần Thơ cũng vậy, khi dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ (quy mô 500 giường), được phê duyệt vào tháng 1-2017 với tổng mức đầu tư trên 1.700 tỉ đồng. Từ tháng 7-2022, công trình phải ngưng lại vì lý do vướng mắc hợp đồng...

Dự án Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ “trùm mền” từ tháng 7-2022 .Ảnh: CA LINH

Dự án Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ “trùm mền” từ tháng 7-2022 .Ảnh: CA LINH

Ở Thừa Thiên - Huế, được triển khai thi công từ năm 2018, dự án xử lý rác Hương Bình với tổng mức đầu tư cả 2 giai đoạn gần 86 tỉ đồng nhằm giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà và một phần TP Huế.

Với công suất xử lý giai đoạn 1 là 150 tấn/ngày, theo kế hoạch dự án hoàn thành năm 2022. Dự án sau đó được gia hạn hoàn thành vào cuối năm 2023 nhưng đến nay còn nhiều hạng mục chưa xong.

Cũng ở địa phương này, ngốn thời gian không đáng có là công trình Bệnh viện Đa khoa quốc tế Huế do Công ty CP Bệnh viện Đa khoa quốc tế Huế làm chủ đầu tư, triển khai nhiều năm mà tới nay chưa rõ chính xác mốc hoạt động.

Nghẽn do chính sách

Một dấu hiệu lãng phí nữa đến từ quá trình chính sách đi vào cuộc sống. Tại Bình Thuận, nhiều thách thức nổi lên trước mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm từ 8% - 8,5%. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là việc chậm định giá đất, khiến tiến độ các dự án ì ạch, kéo theo trì trệ nhiều công việc khác.

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Thuận, đến nay toàn tỉnh còn 45 dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển hình thức sử dụng đất từ thuê đất trả tiền hằng năm sang một lần... phải thực hiện việc xác định giá đất để tính nghĩa vụ tài chính.

Tuy vậy, việc chưa xác định được bảng giá đất khiến các dự án đã, đang triển khai trong cầm chừng vì chưa hoàn thiện điều kiện pháp lý vận hành dự án.

Hầu hết dự án chờ xác định giá đất có vị trí đắc địa, vốn đầu tư lớn nên thiệt hại, lãng phí từ việc chậm hoàn thiện pháp lý là rất lớn. Ngoài ra, chậm xác định giá đất kéo theo công tác thu ngân sách gặp khó khăn. Dự báo đây là năm thu ngân sách của tỉnh Bình Thuận thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Cầu vượt sông Krông Bông thiếu đường dẫn, người dân hằng ngày phải đi đò qua sông .Ảnh: CAO NGUYÊN

Cầu vượt sông Krông Bông thiếu đường dẫn, người dân hằng ngày phải đi đò qua sông .Ảnh: CAO NGUYÊN

Hay ở Đắk Lắk, hàng loạt cây cầu thi công nhiều năm nhưng vẫn chưa thể thông cầu do vướng giải phóng mặt bằng. Điển hình, cầu vượt sông Krông Bông (huyện Krông Bông) tổng mức đầu tư 36,5 tỉ đồng nhưng hiện chưa có đường dẫn lên cầu. Người dân 2 xã trên vẫn phải di chuyển qua sông bằng đò với chi phí 10.000 đồng/lượt. Cũng tại huyện này, cầu thôn Ea Lang (xã Cư Pui) hơn 40 tỉ đồng và dự kiến hoàn thành cuối 2023. Khi cầu xây gần xong thì thiếu vốn và vướng giải phóng mặt bằng nên tạm dừng đến giờ.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-10

Thiếu cơ sở dữ liệu

Liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thừa nhận trong quản lý, sử dụng tài sản công hiện nay cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công chưa đầy đủ. Công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chậm; vẫn tồn tại tình trạng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng ở một số địa phương để hoang hóa, lãng phí.

Bên cạnh đó, việc xử lý, sắp xếp sử dụng tài sản công ở các đơn vị hành chính sau sáp nhập, nhất là tại huyện, xã khu vực miền núi còn lãng phí do thiếu cơ chế, chính sách, pháp luật để xử lý.

Rắc rối pháp lý gây thiệt hại

Tại Đà Nẵng, dự án Công viên Phần mềm số 2 - giai đoạn 1 được khởi công từ năm 2020 tại phường Thuận Phước, quận Hải Châu có diện tích hơn 28.000 m2 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng làm chủ đầu tư kiêm quản lý dự án. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 799 tỉ đồng. Trong khi thi công, dự án được bổ sung 186 tỉ đồng. Đến nay, công trình đã cơ bản hoàn thành nhưng chưa thể hoạt động vì vướng pháp lý.

Công trình sân vận động Chi Lăng “bất động” gây nhiều lãng phí. Ảnh: BÍCH VÂN

Một công trình vướng pháp lý gây lãng phí khác ở Đà Nẵng là sân vận động Chi Lăng. Hiện khu đất rộng hàng chục ngàn m2 với nhiều hạng mục bên trong đã xuống cấp nằm giữa trung tâm thành phố mà chưa có cách giải quyết.

Mới đây, trong chương trình tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng cho biết chống lãng phí là vấn đề được Quốc hội rất quan tâm. Ở thành phố, lãng phí đang tồn tại và cần sớm có phương án từ nhiều cấp.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giai-quyet-dut-diem-van-nan-lang-phi-nhung-ton-that-khong-dang-co-196241021211549603.htm