Giải quyết dứt điểm việc thuê đất cụm công nghiệp nhưng chậm triển khai
UBND tỉnh Kon Tum vừa ban hành văn bản số 3228/UBND-HTKT về việc tăng cường hiệu lực và nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp.
Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu UBND các huyện, thành phố rà soát, phê duyệt quy hoạch chi tiết đúng quy định, triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa, quản lý đất đai theo quy hoạch, có giải pháp cụ thể đối với các cụm công nghiệp đã thành lập nhưng chưa đi vào hoạt động để sớm giúp các cụm công nghiệp đi vào hoạt động.
Đối với các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, cần tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp trên địa bàn như tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các dự án đầu tư trong cụm công nghiệp; hiệu quả sử dụng đất trong cụm công nghiệp; về thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp, những khó khăn vướng mắc còn tồn tại.
Bên cạnh đó, giải quyết dứt điểm các tổ chức, cá nhân đã thuê đất trong cụm công nghiệp nhưng chậm triển khai dự án theo tiến độ cam kết hoặc sang nhượng trái phép để có biện pháp trong quản lý, đầu tư, phát triển cụm công nghiệp.
UBND tỉnh Kon Tum giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường thanh kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về cụm công nghiệp đối với các vướng mắc phát sinh ngoài kế hoạch thanh tra, kiểm tra được UBND tỉnh phê duyệt; kịp thời xử lý hoặc đề xuất UBND tỉnh xử lý vi phạm, vấn đề phát sinh về quản lý cụm công nghiệp.
UBND tỉnh Kon Tum cũng ban hành Quyết định số 52/2023/QĐ-UBND quy định cụ thể việc thu hồi đất đối với trường hợp không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề.
Quyết định nêu rõ, các tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm rà soát các trường hợp thuê đất, thuê lại đất nhưng không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng so với tiến độ đã giao kết trong hợp đồng cho thuê đất, cho thuê lại đất.
Trong thời hạn 10 ngày sau khi giao đất, nếu bên thuê đất, thuê lại đất vẫn không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất so với tiến độ đã giao kết trong hợp đồng thuê đất, thuê lại đất thì doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng gửi văn bản và hồ sơ liên quan kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra, thanh tra theo quy định của pháp luật.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày báo cáo kiểm tra hoặc kết luận thanh tra xác định hành vi vi phạm pháp luật về đất đai của bên thuê đất, thuê lại đất, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm lập hồ sơ gửi UBND tỉnh xem xét, ký quyết định thu hồi đất của bên thuê đất, thuê lại đất giao cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề quản lý bố trí sử dụng theo quy định.
Đây được xem là động thái quyết liệt của tỉnh Kon Tum trong việc tăng cường quản lý nhằm phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh tỷ lệ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp tại Kon Tum còn ở mức thấp.
Hiện, tỉnh Kon Tum có 4 khu công nghiệp gồm Khu công nghiệp Hòa Bình (thành phố Kon Tum) có quy mô 60 ha, Khu công nghiệp Sao Mai (thành phố Kon Tum) quy mô 150 ha, Khu công nghiệp Đăk Tô (huyện Đăk Tô) quy mô 150 ha và Khu công nghiệp Bờ Y (thuộc Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y) quy mô hơn 70 ha. Đến nay, có 3 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Tỉnh cũng có 14 cụm công nghiệp; trong đó có 8 cụm công nghiệp đang được khai thác với tổng diện tích trên 505 ha.
Theo quy hoạch, đến năm 2030 tỉnh sẽ có 4 khu công nghiệp, tổng diện tích khoảng 556,76 ha với tổng nhu cầu vốn đầu tư hơn 1.105 tỷ đồng; một Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y có diện tích 16.000 ha, với tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 98.618 tỷ đồng; 33 cụm công nghiệp, diện tích trên 1.733 ha, với tổng nhu cầu vốn đầu tư hơn 3.411 tỷ đồng./.