Giải quyết hiệu quả ô nhiễm môi trường ở các làng nghề tại Bắc Ninh

Năm 2024, Bắc Ninh tập trung giải quyết, xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường ở làng nghề giấy Phong Khê, (thành phố Bắc Ninh) và làng nghề cô đúc nhôm xã Văn Môn (huyện Yên Phong), cụm công nghiệp giấy Phú Lâm (Tiên Du) với phương châm 'Không châm chước, không thỏa hiệp, không có vùng cấm, không có ngoại lệ'.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 29 làng nghề, hầu hết đều thừa kế từ các làng nghề truyền thống lâu đời, mang tính tự phát, công nghệ lạc hậu, quy mô sản xuất của các hộ làm nghề nhỏ; nguyên liệu đầu vào chủ yếu là phế liệu, sản xuất thủ công là chính nên sản xuất đơn giản, năng suất, chất lượng chưa cao. Bên cạnh đó, hầu hết các làng nghề đều chưa đáp ứng được các điều kiện bảo vệ môi trường theo quy định. Các cơ sở sản xuất trực tiếp trong cá làng nghề không được đầu tư xây dựng xử lý chất thải, nước thải. Kết quả phân tích chất lượng nước, không khí, mùi, tiếng ồn…vượt tiêu chuẩn cho phép.

Đặc biệt, một số làng nghề được xác định ô nhiễm trầm trọng nhiều năm cần giải quyết dứt điểm: Làng nghề tái sản xuất giấy Phong Khê; làng bún Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh); làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá (Yên Phong); làng nghề đúc đồng Đại Bái (Gia Bình); làng nghề tái chế thép Đa Hội (thành phố Từ Sơn), Cụm công nghiệp (CCN) Phú Lâm (Tiên Du)… và một số làng nghề, CCN làng nghề khác.

Công an Bắc Ninh bắt quả tang đối tượng đổ trộm chất thải tại làng nghề Mẫn Xá.

Công an Bắc Ninh bắt quả tang đối tượng đổ trộm chất thải tại làng nghề Mẫn Xá.

Để giải quyết ô nhiễm, Tỉnh ủy Bắc Ninh đã thông qua các đề án “Tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh 2019 - 2025”, “Tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, giai đoạn 2022 - 2030” và “Đề án tổng thể xử lý môi trường làng nghề xã Văn Môn, huyện Yên Phong giai đoạn 2022 - 2026”. Nhằm thực hiện hiệu quả các đề án, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo, với quyết tâm cao, đặc biệt là nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh đã huy động lực lượng giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, trực tiếp do Đại tá Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo. Trong đó, Công an các huyện, thành phố có làng nghề tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tự tháo dỡ máy móc, công trình vi phạm về môi trường; nắm tình hình, phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường.

Kết quả, năm 2024, Công an Bắc Ninh đã kiểm tra, xử lý 141 vụ vi phạm về môi trường tại các làng nghề. Trong đó, xử lý hình sự 2 vụ gây ô nhiễm môi trường; đề nghị truy tố 4 bị can , tiếp nhận điều tra 1 vụ do Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường chuyển, khởi tố 1 bị can; xử lý hành chính 139 vụ, kho bạc nhà nước thu 41 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động đối với 71 vụ.

Ngoài ra, tại phường Phong Khê, Công an TP Bắc Ninh đã phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra 224 cơ sở sản xuất giấy và cơ sở bán hơi thương phẩm (lò hơi), trong đó, khu vực làng nghề 195 cơ sở, cụm công nghiệp làng nghề là 29 cơ sở. Đến nay, 12/12 cơ sở sản xuất hơi thương phẩm trong khu dân cư của phường Phong Khê đã thực hiện tháo dỡ đường ống dẫn hơi. 100% cơ sở sản xuất giấy, hơi thương phẩm nằm trong khu vực làng nghề Phong Khê đã dừng hoạt động, việc tháo dỡ các đường ống dẫn sẽ góp phần đảm bảo an toàn điện, cảnh quan đô thị và phòng cháy chữa cháy.

Với sự chỉ đạo nghiêm túc, quyết liệt, tập trung của tỉnh và thành phố, sự chủ động, trách nhiệm của chính quyền địa phương, những vấn đề về môi trường tồn tại hàng chục năm nay tại Phong Khê đã được giải quyết. Đối với Cụm công nghiệp Phong Khê I và Phong Khê II, UBND thành phố Bắc Ninh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra đối với tất cả các cơ sở sản xuất giấy và hơi thương phẩm, trường hợp vi phạm yêu cầu dừng hoạt động và xử lý nghiêm theo quy định.

Tại huyện Yên Phong, sau hơn 1 tháng cao điểm cả hệ thống chính trị vào cuộc, dồn lực xử lý điểm nóng ô nhiễm môi trường, tất cả các cơ sở, hộ gia đình làm nghề đúc nhôm ở thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn đã chính thức dừng hoạt động. Lãnh đạo huyện Yên Phong cho biết, đến nay, tất cả 207 hộ sản xuất tại thôn Mẫn Xá tự nguyện phá dỡ 327 ống khói và 382 lò đốt, lò tái chế kim loại. Đây là kết quả đáng mừng, thể hiện sự quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh trong việc xử lý ô nhiễm môi trường tại làng nghề Mẫn Xá, nơi trước đây được coi là điểm nóng về ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất của tỉnh.

Thượng tá Nguyễn Khắc Trình, Trưởng Công an huyện Yên Phong cho biết, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, Công an huyện đã phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu, tự tháo dỡ lò tái chế kim loại và tuần tra khép kín 24/24h, kiểm soát các phương tiện ra vào khu vực, đồng thời, ngăn ngừa, xử lý việc đổ trộm chất thải. Mặc dù tất cả các lò nhôm đã đóng cửa nhưng đến thời điểm hiện tại, Công an huyện Yên Phong vẫn phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh triển khai 6 tổ chốt chặn, có nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về môi trường, nhất là việc vận chuyển nguyên vật liệu, xỉ thải, chất thải, rác thải công nghiệp.Các chốt trực 24/24h sẽ duy trì nhiều tháng nhằm ngăn chặn triệt để, không để phát sinh thêm nguồn phế liệu ra, vào làng nghề.

Trước đó, kiểm tra tiến độ thực hiện xử lý vi phạm ô nhiễm môi trường tại xã Văn Môn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn khẳng định, quan điểm của tỉnh không thỏa hiệp với hành vi cố tình gây ô nhiễm môi trường. Tỉnh sẵn sàng đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất tại các làng nghề, cụm công nghiệp có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp và mô hình sản xuất.

Tại cụm công nghệp Phú Lâm (huyện Tiên Du) hiện có 7/8 cơ sở ngoài cụm công nghiệp làng nghề đã dừng hoạt động và đang thực hiện việc tháo dỡ, di dời cơ sở sản xuất. Kiểm tra tại huyện Tiên Du và TP Từ Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn yêu cầu thành phố Từ Sơn, huyện Yên Phong và huyện Tiên Du phải hoàn thành việc xử lý lượng rác thải tồn đọng trên địa bàn chậm nhất ngày 31/3/2025, các địa phương còn lại hoàn thành chậm nhất ngày 20/1/2025, không được để tồn tại các điểm tồn đọng rác thải gây ô nhiễm môi trường.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, nòng cốt là lực lượng Công an, hiện nay ô nhiễm môi trường tại các làng nghề đã được kiềm chế giải quyệt. Đặc biệt, đã giải quyết được việc dừng sản xuất, di dời cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực dân cư, không khí đã trong lành, sông Ngũ Huyện Khê và các dòng sống khác cũng dần trở nên sạch sẽ hơn. Tại Trường THCS Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, giờ đây, thầy và trò không còn phải đóng kín mít các ô cửa, để ngăn khói bụi và mùi ô nhiễm. Các em học sinh cũng không cần đeo khẩu trang trong các tiết học. Còn tại xã Văn Môn, khói bụi cũng đã không còn bủa vây, một môi trường trong lành đã quay trở lại với nhịp sống thường ngày của người dân.

Thượng tá Nguyễn Công Khôi, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, thời gian tới, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương và lực lượng chức năng tuyên truyền nhằm làm chuyển biến nhận thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại các làng nghề; tăng cường công tác quản lý, nắm chắc địa bàn, tuần tra, phát hiện đấu tranh, xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường; tham mưu các giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, xử lý vi phạm…không để tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-doc-cand/giai-quyet-hieu-qua-o-nhiem-moi-truong-o-cac-lang-nghe-tai-bac-ninh-i755188/