Giải quyết tận gốc giá sách giáo khoa

Còn gần 2 tháng nữa mới bước vào năm học mới nhưng nhiều bậc phụ huynh bắt đầu dành sự quan tâm, thậm chí lo lắng về các khoản chi phí đầu năm học, mà trước tiên là thông tin giá sách giáo khoa (SGK) mới của một số lớp, cao gấp 2, 3 lần so với bộ sách hiện nay.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mặc dù, giá SGK được biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới chênh lệch dao động từ vài chục nghìn đến không quá 200 nghìn đồng một bộ. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, trải qua 2 năm dịch bệnh, cuộc sống của đại bộ phận người dân gặp rất nhiều khó khăn. Thế nên, SGK tăng giá, học phí tăng sẽ tạo thêm gánh nặng cho các gia đình có con em đến trường, nhất là các hộ nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) lý giải nguyên nhân SGK tăng giá: Trước đây, chi phí biên soạn, in ấn do Nhà nước cấp, nay các nhà xuất bản bỏ tiền ra để thực hiện tất cả các khâu từ biên soạn, in ấn, phát hành cho đến việc thử nghiệm, tập huấn sử dụng. Ngoài ra, các loại sách mới được biên soạn với khổ lớn hơn, giấy tốt hơn, trong khi chi phí in cao, nên giá thành cao hơn.

Theo nhiều chuyên gia, hiện giá SGK được quản lý theo quy định tại Luật Giáo dục, Luật Giá, thuộc danh mục mặt hàng thực hiện kê khai giá, không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá. Đó là một trong những nguyên nhân khiến giá SGK thời gian qua tăng cao.

Cho dù mỗi lần thực hiện kê khai giá SGK, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đều thẩm định kỹ lưỡng, nhằm giảm giá sách, chia sẻ với người tiêu dùng. Thực tế sau mỗi lần thẩm định, giá mỗi bộ sách đã giảm 5-15%. Nhưng quan điểm của Bộ GD-ĐT là kiên trì đề xuất đưa SGK vào diện bình ổn giá, tức là thuộc mặt hàng do Nhà nước định giá để “kiềm” giá sách tăng hằng năm. Đồng thời, Bộ GD-ĐT yêu cầu các đơn vị chức năng nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn định mức kỹ thuật của SGK, với mục đích là giảm giá thành sách xuống mức thấp nhất.

Để thực hành tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng SGK, khắc phục được vấn nạn lãng phí SGK, Bộ GD-ĐT đã rà soát, tinh giản SGK theo hướng thống kê danh mục sách bắt buộc đối với từng lớp học, cấp học, còn lại là sách mang tính tham khảo, có thể mua hoặc không mua, tùy vào điều kiện cũng như nhu cầu cụ thể của phụ huynh và học sinh.

Bộ GD-ĐT khẳng định: Giai đoạn này, cả nước thay sách lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 7, lớp 10, còn năm tới là lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Những sách biên soạn mới hoàn toàn có thể dùng lại được cho các lứa học sinh sau.

Bên cạnh đó, các địa phương, cơ sở giáo dục phải bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua SGK cho các thư viện trường học và tổ chức cho học sinh mượn; vận động học sinh quyên góp, ủng hộ SGK cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng.

Ngoài ra, các chính sách của Đảng, Nhà nước đã hỗ trợ 150.000 đồng/tháng trong 9 tháng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số... để mua SGK và thiết bị học tập.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cho rằng, một số hàng hóa liên quan đến an sinh xã hội, trong đó có SGK, cần phải có biện pháp điều tiết phù hợp để hướng đến thực hiện các mục tiêu hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người dân và Nhà nước, tránh tăng giá tùy tiện, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân... Đồng thời, Nhà nước nên có biện pháp để trợ giá SGK cho các đối tượng gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo trong xã hội.

Tiếp thu những kiến nghị chính đáng, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Luật Giá (sửa đổi) theo hướng đưa SGK vào danh mục hàng hóa Nhà nước định giá và Bộ GD-ĐT được giao quy định giá trần SGK tối đa.

Thiết nghĩ, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai. Với kỳ vọng mọi học sinh đều có cơ hội tiếp cận tri thức một cách gần nhất, thuận lợi nhất, những băn khoăn, bất cập về SGK sẽ sớm được tháo gỡ.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giai-quyet-tan-goc-gia-sach-giao-khoa-post452391.html