Giải quyết tình trạng sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu mang tính cơ học

Đây là yêu cầu được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đưa ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), sáng nay, 19/8, khi xem xét báo cáo của Đoàn giám sát và thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề của UBTVQH về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) giai đoạn 2018-2023'.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL còn mang tính cơ học

Trình bày báo cáo tóm tắt kết quả giám sát chuyên đề tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng - Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Giám sát cho biết, từ năm 2018 đến nay, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Nổi bật là việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL đạt kết quả tích cực, nhất là giai đoạn 2015 - 2021 vượt mục tiêu đề ra (giảm 13,33%/chỉ tiêu 10%). Các ĐVCNSL sau sắp xếp, tổ chức lại đã phát huy được vai trò chủ đạo, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

Hầu hết các cơ quan đã xây dựng đề án tinh giản biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước (NSNN) của ĐVSNCL thuộc phạm vi quản lý; giai đoạn 2015 - 2021, tổng biên chế sự nghiệp giảm vượt mục tiêu đề ra (giảm 11,67%/chỉ tiêu 10%); số lượng cấp phó cơ bản đã đáp ứng tiêu chí quy định.

Chính sách xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từng bước phát huy hiệu quả; góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ chất lượng cao của người dân và giảm áp lực, quá tải trong hoạt động của ĐVSNCL.

Việc đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đã giúp các ĐVSNCL chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính hiệu quả hơn. Việc quản lý, sử dụng tài chính và tài sản công trong các ĐVSNCL được chú trọng, góp phần khắc phục tình trạng lãng phí.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới tổ chức và hoạt động của các ĐVSNCL cũng còn một số tồn tại, hạn chế.

Điển hình là việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL chủ yếu còn mang tính cơ học. Tốc độ sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL đang chậm lại trong giai đoạn 2021 – 2023.

Việc giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN trong giai đoạn 2021 - 2023 ở các địa phương đạt tỷ lệ thấp. Còn tình trạng cào bằng trong việc thực hiện chỉ tiêu giảm 10% biên chế sự nghiệp. Các chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được triển khai chậm, kết quả không cao.

Chính sách thúc đẩy xã hội hóa cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường còn chưa đồng bộ. Việc chuyển ĐVSNCL đủ điều kiện thành công ty cổ phần tiến hành chậm, kết quả rất thấp…

3 “điểm nghẽn” cần nghiên cứu giải quyết

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội ra nghị quyết, Chính phủ đã thể chế hóa để thực hiện hết sức quyết liệt việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL. Qua đánh giá cho thấy 7 kết quả đạt được cũng như 7 nhóm hạn chế tương ứng.

“Vấn đề quan trọng nhất là phải làm sao thấy được hạn chế, tìm ra nguyên nhân để khắc phục trong thời gian tới”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Nêu băn khoăn liệu các giải pháp được đưa ra đã thực sự đủ mạnh, đã bao trùm, giải quyết đến nơi, đến chốn và khắc phục dứt điểm các điểm hạn chế, tồn tại mà Báo cáo giám sát đã chỉ ra hay chưa, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu sâu hơn về 3 “điểm nghẽn”.

Đó là giải quyết cho được tình trạng tính cơ học là chủ yếu trong sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL; bền vững và đồng bộ trong thực hiện cơ chế tự chủ; đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến việc thành lập các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, có cơ chế, chính sách để các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập bình đẳng với các doanh nghiệp, đơn vị thuộc Nhà nước trong khả năng tiếp cận các nguồn lực trên thị trường.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu băn khoăn, kết quả sắp xếp các ĐVSNCL cũng như tinh giản biên chế giai đoạn 2015 - 2021 vượt mục tiêu đề ra nhưng từ giai đoạn 2021-2023 có xu hướng chậm lại.

Dẫn thực tế triển khai cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước ở giai đoạn đầu làm rất nhanh, rất tốt ở những đơn vị đủ điều kiện, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, ở những ĐVSNCL còn lại đang có những vướng mắc, bất cập nên phải làm rõ và có những giải pháp quyết liệt thì mới đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong thời gian sắp tới.

Tại phiên họp, với 100% đại biểu có mặt tán thành, UBTVQH đã thông qua về nguyên tắc dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) giai đoạn 2018-2023”.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, Chính phủ coi việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng và tổ chức thực hiện hết sức quyết liệt.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp.

“Kết quả đạt được có thể lượng hóa được rất cụ thể, như việc sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế, tính đến ngày 31/12/2023, số ĐVSNCL trên toàn quốc lấy tròn số là 48.000, đã giảm hơn 640 đơn vị so với năm 2021 và giảm hơn 8.100 đơn vị (tương đương gần 15%) so với năm 2015. Biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2021 giảm 11,67% so với 2015; giai đoạn 2022-2026, số biên chế sự nghiệp do Chính phủ quản lý giảm gần 15% so với biên chế giao năm 2021. Như vậy, chỉ tiêu trong giai đoạn đầu đã đạt và vượt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cũng thừa nhận, dù Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã hết sức cố gắng nhưng trong quá trình này cũng có những tồn tại, hạn chế như việc chậm ban hành một số văn bản; việc sắp xếp còn mang tính cơ học; mục tiêu tiếp tục giảm 10% trong giai đoạn còn lại là rất khó khăn…

Về đề xuất, kiến nghị, Phó Thủ tướng cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu đề ra, có những việc chưa lường được hết khó khăn, cũng có những việc Chính phủ đã và đang triển khai thực hiện. Do vậy, đối với những yêu cầu cụ thể được đưa ra tại dự thảo Nghị quyết về chuyên đề giám sát, cần thể hiện mang tính bao quát.

Hoàng Nam

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/giai-quyet-tinh-trang-sap-xep-cac-don-vi-su-nghiep-cong-lap-chu-yeu-mang-tinh-co-hoc-post522328.html