Giải quyết tranh chấp hợp đồng PPP thông qua trọng tài thương mại

Ngày 4/7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Phòng ngừa và giải quyết tranh chấp hợp đồng đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng: Kinh nghiệm Việt Nam, thực tiễn quốc tế và định hướng chính sách.

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Vi Vi)

Hội thảo do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ủy ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (KCAB) phối hợp tổ chức.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh do đó nhu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục cần nhiều nguồn lực trong thời gian tới. Mô hình hợp tác công - tư (PPP) được đánh giá là kênh thu hút vốn đầu tư hiệu quả từ xã hội vào phát triển cơ sở hạ tầng. Việc giải quyết tranh chấp thương mại và phòng ngừa leo thang thành các vụ kiện nhà đầu tư – nhà nước phát sinh từ hoạt động đầu tư theo hình thức PPP đang được xã hội rất quan tâm.

Theo ông Phòng, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước có hạn, nợ công và nợ nước ngoài đã gần chạm ngưỡng an toàn, điều kiện cho vay của các tổ chức quốc tế kém ưu đãi hơn, nhất là đối với vốn ODA, thì việc huy động nguồn lực từ xã hội là một giải pháp cần thiết và tất yếu.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư theo mô hình PPP đã được áp dụng tại Việt Nam và ngày càng khẳng định là một giải pháp hiệu quả để thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân. Theo số liệu tổng kết về tình hình thực hiện dự án PPP, tính đến thời điểm tháng 1/2019 đã có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng (trong đó có 140 dự án BOT, 188 dự án BT và 8 dự án khác).

Ông Phòng cho biết, hiện tại Chính phủ cũng đang dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) dự kiến sẽ trình ra Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 10/2019 tới. “Đây là khung khổ pháp lý hết sức quan trọng để thúc đẩy hơn nữa dòng vốn đầu tư của tư nhân vào phát triển hạ tầng”.

Ông Phòng cho rằng, nếu có cách tiếp cận tốt vấn đề giải quyết tranh chấp, khi xử lý từng vụ việc hay khi xây dựng khung khổ chính sách, là hành động rất cụ thể và có ý nghĩa để xây dựng quan hệ PPP bền chặt. “Điều này giúp tạo dựng được niềm tin cho nhà đầu tư, qua đó thu hút mạnh mẽ hơn sự tham gia của tư nhân vào phát triển hạ tầng của đất nước”, ông Phòng nhấn mạnh.

PGS TS Phạm Duy Nghĩa, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam nhận định, sự dẫn dắt của quá trình đầu tư nhân vào cơ sở hạ tầng rất tốt, từ quy hoạch đến gọi vốn, nâng cấp bảo dưỡng công trình…Tuy nhiên, các dự án PPP thường có vòng đời dài nên sẽ kéo theo rất nhiều rủi ro.

Một số rủi ro, theo ông Nghĩa là rủi ro về pháp luật khi pháp luật thay đổi quá nhanh, rủi ro về tài chính, rủi ro về thuế, quản lý…“Những rủi ro này sẽ kéo theo hệ quả là làm tăng chi phí của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho các bên tham gia dự án mà còn có thể dẫn đến tình trạng tranh chấp kéo dài, thậm chí phải dừng dự án”, ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cũng nêu ra các phương thức mà luật pháp cũng như các Hiệp định bảo hộ đầu tư, Hiệp đình thương mại mà Việt Nam tham gia đã cung cấp cho khối tư nhân để bảo vệ khoản đầu tư của mình khi có tranh chấp; trong đó ông Nghĩa nhấn mạnh những ưu điểm của các phương thức dân sự/thương mại và phương thức đối thoại (hòa giải), giúp giảm thiểu căng thẳng; tránh nguy cơ tạo ra các vụ kiện Chính phủ.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi nhiều nội dung quan trọng như: Một số thông tin về khuôn khổ pháp lý và triển vọng của mô hình PPP kết cấu hạ tầng tại Việt Nam và một số chia sẻ kinh nghiệm từ Hàn Quốc; giải quyết tranh chấp hợp đồng và phòng ngừa tranh chấp đầu tư tại các dự án PPP kết cấu hạ tầng bằng trọng tài thương mại và hòa giải thương mại…

Dự kiến, Hội thảo sẽ tiếp tục được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh vào ngày 5/7. Cùng ngày, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của các nhà tài trợ về Dự thảo Luật PPP.

Vi Vi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/giai-quyet-tranh-chap-hop-dong-ppp-thong-qua-trong-tai-thuong-mai-97017.html