Giải quyết vấn đề sau cai nghiện tại Đà Nẵng: Đừng để 'nhàn cư vi bất thiện'!
Thời gian qua, với sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các sở ngành và địa phương nên công tác phòng, chống tệ nạn ma túy nói chung, công tác cai nghiện và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện nói riêng tại Đà Nẵng đã đạt được những kết quả quan trọng. Hầu hết số người nghiện đã phát hiện đều được tổ chức cai nghiện và hỗ trợ giúp đỡ sau cai nghiện; góp phần vào sự ổn định an ninh trật tự xã hội trên địa bàn thành phố.
Chuyển biến tích cực trong công tác cai nghiện tập trung
Theo Phòng phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng), tính đến ngày 15-6-2023, toàn thành phố có 1.114 người nghiện (giảm 157 người so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 1.134 người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý (giảm 775 người so với cùng kỳ năm 2022). Về công tác cai nghiện ma túy bắt buộc, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng đảm bảo cho việc đón tiếp, ăn, ở, sinh hoạt của người cai nghiện và các hoạt động chuyên môn theo quy trình cai nghiện ma túy. Một số trang thiết bị, phương tiện tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 116/2021 của Chính phủ cũng được đơn vị kiểm tra, rà soát và kiến nghị cơ quan cấp trên xem xét, cấp bổ sung. Theo đó đến nay, quy mô, khả năng tiếp nhận tại Cơ sở khoảng từ 800 - 1.000 học viên.
Ông Phan Công Hải- Phó Giám đốc Cơ sở xã hội Bầu Bàng, cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2023, Cơ sở xã hội Bầu Bàng đã tiếp nhận 229 học viên, giải quyết cho về 173 trường hợp. Hiện Cơ sở xã hội Bầu Bàng đang quản lý, cai nghiện, giáo dục, dạy nghề 411 học viên. Cũng theo ông Hải, học viên vào cơ sở được lập hồ sơ, phân loại mức độ nghiện, loại ma túy sử dụng, số tiền án, tiền sự... để tổ chức cắt cơn và có kế hoạch cai nghiện, giải pháp quản lý, giáo dục phù hợp. Ngoài việc điều trị, cắt cơn, thời gian qua, Cơ sở Xã hội Bầu Bàng cũng phối hợp với trường nghề mở 3 lớp nghề điện lạnh và điện ô-tô cho 90 học viên; 8 lớp chuyên đề giáo dục sức khỏe, pháp luật, đội hình đội ngũ, kỹ năng phòng tránh tái nghiện cho 160 học viên...
Trong quá trình điều trị tại cơ sở, các học viên luôn được chăm lo đời sống tinh thần hàng ngày như xem thời sự, phim ảnh, đọc sách, báo, điện thoại cho gia đình...; bố trí sân bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, phòng tập thể hình để tập thể dục, thể thao. Tiến hành luân chuyển, bổ sung sách, báo tại Thư viện Cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu đọc sách của học viên, qua đó đã phục vụ 3.794 lượt đọc và mượn sách.
Đặc biệt, học viên sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện tập trung đều được địa phương phối hợp với gia đình đón về cộng đồng; được chính quyền, đoàn thể cùng gia đình chăm lo giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất, được UBND các xã, phường lập đầy đủ hồ sơ, phân công cán bộ đoàn thể theo dõi, giúp đỡ, giáo dục...
Đừng để “nhàn cư vi bất thiện”!
Theo ông Lương Vĩnh Thái- Trưởng Phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng), hạn chế lớn nhất mà hầu hết các địa phương hiện nay gặp phải là công tác giới thiệu việc làm, hỗ trợ sinh kế cho người sau cai nghiện ma túy. Nguyên nhân do người sau cai nghiện thiếu ý thức tự giác, không ít đối tượng tìm mọi cách để che giấu bản thân, không định hướng được mục tiêu phấn đấu nên gây khó khăn trong công tác hỗ trợ quản lý. Bên cạnh đó, bản thân người nghiện và gia đình chưa hợp tác với chính quyền địa phương, người nghiện chưa tự giác đăng ký cai nghiện; phần lớn các đối tượng quản lý sau cai nghiện tâm lý còn e ngại, không hợp tác trong quá trình tiếp xúc, trao đổi tâm tư, nguyện vọng với cán bộ được phân công giúp đỡ.
“Mặc dù đang thực hiện sự quản lý, giáo dục của địa phương nhưng bản thân các đối tượng không thực sự tiến bộ, phấn đấu rèn luyện, thậm chí không có nhu cầu nên việc địa phương tạo điều kiện hỗ trợ về sinh kế, học nghề là hết sức khó khăn”, ông Thái nói.
Thực tế cho thấy, có việc làm sau cai nghiện sẽ góp phần giảm tỷ lệ tái nghiện, vì vậy, việc tư vấn, hướng nghiệp, tạo việc làm cho các học viên đang cai nghiện và sau khi trở về tái hòa nhập cộng đồng được xem là giải pháp căn cơ nhất. “Bên cạnh việc đào tạo nghề tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng, chúng tôi mong muốn được liên kết nhiều hơn với các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp để trực tiếp chia sẻ cùng người cai nghiện về công việc và nhu cầu tuyển dụng lao động. Mục đích để các học viên có thể có một công việc ổn định sau khi tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế thấp nhất tình trạng không có việc làm rồi lại tái nghiện”, ông Phan Công Hải- Phó Giám đốc cơ sở xã hội Bầu Bàng nói.